Năm 2012, chỉ với kinh phí khiêm tốn là 93,93 tỷ đồng, Ban quản lý Chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia đã nỗ lực cùng với các DN, hiệp hội ngành hàng tiếp tục duy trì, mở rộng xuất khẩu và củng cố, phát triển thị trường nội địa.
Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị tổng kết chương trình XTTM quốc gia 2012 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
2012 vượt khó
Theo Thứ trưởng, triển khai Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1057/QĐ-BCT ngày 8-3-2012, Quyết định số 5050/QĐ-BCT ngày 30-8-2012 và Quyết định số 6129/QĐ-BCT phê duyệt 3 đợt Chương trình XTTM quốc gia năm 2012 gồm 114 đề án với tổng kinh phí 93,08 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,1% tổng kinh phí.
Mặc dù với kinh phí rất hạn chế nhưng các hoạt động XTTM 2012 đã hỗ trợ 4.596 DN tham gia với 7.924 gian hàng, 677.582 lượt giao dịch, 28.879 hợp đồng, tổng giá trị hợp đồng và doanh số đạt gần 1 tỷ USD và 1.228 tỷ đồng. Kết quả này đã đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Hoạt động XTTM đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, tìm đối tác kinh doanh hiệu quả (Trong ảnh: Gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề mộc, mỹ nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tại Hội chợ Triển lãm làng nghề Việt Nam 2012, tổ chức tại Nam Định, tháng 9-2012). Ảnh: Việt Thắng |
Thực tế cho thấy nguồn ngân sách của Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động XTTM 2012 là quá nhỏ trong khi nhu cầu của cộng đồng DN ngày càng lớn, số lượng DN ngày càng nhiều, hiệu quả của chương trình ngày càng tăng và nhiệm vụ Nhà nước giao ngày càng nặng nề (không chỉ bao gồm XTTM định hướng xuất khẩu, mà còn xúc tiến thị trường trong nước, biên giới, hải đảo).
So sánh với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Việt Nam, tính theo tỷ lệ phần trăm, ngân sách Chương trình XTTM quốc gia Việt Nam năm 2012 (93,93 tỷ đồng) chỉ bằng 1/4 kinh phí của Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan và chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu hỗ trợ DN do các đơn vị chủ trì đề xuất.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của các đơn vị chủ trì Chương trình XTTM quốc gia, việc áp dụng Thông tư 88/2011/TT-BTC trong năm 2012 còn nhiều vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thực tế XTTM. Cụ thể, mức hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/1 DN đối với hội chợ triển lãm định hướng xuất khẩu của Việt Nam là quá thấp so với thực tế. Mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/1 DN tham gia các đoàn thể “Tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài” cũng không phù hợp…
“Vượt lên những khó khăn, với sự cố gắng của cộng đồng DN, các cơ quan quản lý, cơ quan XTTM Chính phủ và nhờ kết quả đầu tư cho XTTM những năm trước, Chương trình XTTM quốc gia 2012 đã tiếp tục góp phần vào việc duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu, hỗ trợ tích cực việc củng cố thị phần của các ngành hàng xuất khẩu chủ chốt; khai thác và phát triển thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các DN, giảm mức tồn kho”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Đáng lưu ý, song song với việc thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, chương trình đã ưu tiên cho các hoạt động phát triển thị trường nội địa, đặc biệt tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn… góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thông qua đó, các DN cũng nắm bắt rõ hơn về nhu cầu của người dân tại những thị trường vùng sâu, xa xôi để cải tiến mẫu mã, hoàn thiện sản phẩm với giá cả hợp lý phục vụ khách hàng nhằm khai thác tốt hơn thị trường này.
Xúc tiến thương mại cho năm 2013
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục XTTM, tháng 12-2012, Bộ Tài chính đã thông báo tổng mức kinh phí dành cho chương trình XTTM quốc gia 2013 là 80 tỷ đồng. Con số này thấp hơn rất nhiều so tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ của các đơn vị chủ trì xây dựng đề án cho năm 2013 (257,6 tỷ đồng với 240 đề án) mà Bộ Công thương đã nhận được.
Đầu tháng 1-2013, Bộ Công thương phê duyệt đợt 1 Chương trình XTTM quốc gia trong đó ưu tiên các đề án có thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6-2013, nằm trong thứ tự ưu tiên cao theo đề xuất của đơn vị chủ trì và có tính thiết thực, khả thi cao.
Tại lễ tổng kết, để khắc phục những vướng mắc như năm 2012, các hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức XTTM cũng đã kiến nghị Nhà nước bổ sung kinh phí cho Chương trình XTTM 2013, ít nhất tương đương với năm 2012. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi những vấn đề hạn chế trong Thông tư 88 để sớm hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tế XTTM và để có thể áp dụng ngay cho năm 2013.
Đánh giá cao ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương sẽ nỗ lực để giải quyết những vướng mắc nhằm hỗ trợ DN đạt hiệu quả cao nhất khi tham gia các hoạt động XTTM 2013. Bộ cũng sẽ tăng cường chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại ở nước ngoài tích cực giúp các DN về thông tin thị trường, cơ chế chính sách nhập khẩu, phối hợp tổ chức giao thương./.
Theo: ven.vn