Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Tết

07:02, 02/02/2013

Dù năm nay được đánh giá là năm sức mua yếu, song nhu cầu mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán cũng không vì thế mà giảm. Đặc biệt, theo các chuyên gia thị trường, hàng hóa tết năm nay có xu hướng nghiêng hẳn về hàng Việt, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp với túi tiền của nhiều phân khúc tiêu dùng.

Hàng Việt lên ngôi

Dù chưa thực sự bước vào cao điểm mua sắm Tết, nhưng thị trường hàng hóa bắt đầu ghi nhận sự thâm nhập của hàng loạt các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu Tết Nguyên đán của người dân. Theo nhận định của ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, trong "chiến dịch” chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Quý Tỵ 2013, hầu hết các doanh nghiệp (DN) vẫn gặp phải khó khăn là hàng tồn kho lớn và sức mua yếu. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt so với mọi năm, dù nền kinh tế khó khăn nhưng các DN Việt vẫn nỗ lực phấn đấu để cạnh tranh với các hàng hóa ngoại nhập. Chính bởi vậy, thị trường Tết Quý Tỵ năm nay ghi nhận sự thâm nhập của phần lớn các sản phẩm nội địa với chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng… thế chỗ cho hàng Trung Quốc, hàng nhập lậu rẻ tiền.

Khảo sát những hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Vinatex Mart, Fivimart, Intimex…, có thể thấy số lượng thực phẩm Tết mang thương hiệu Việt chiếm đến 90%. Cụ thể, tại các hệ thống siêu thị này có thể thấy bày bán đa dạng các sản phẩm uy tín, chất lượng tốt được nhiều người tiêu dùng biết đến như bánh kẹo Kinh Đô, cà phê Trung Nguyên, thực phẩm Đức Việt, sữa tươi, sữa chua Mộc Châu, Vinamilk…

Các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hàng Tết phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ảnh: Internet
Các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hàng Tết phục vụ nhu cầu của nhân dân. Ảnh: Internet

Theo nhận định của nhiều người tiêu dùng, ngoài những cải tiến về chất lượng, các mặt hàng thực phẩm Tết năm nay còn được nâng cấp lên rất nhiều về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Điều này cho thấy sự quan tâm, chú trọng của các nhà sản xuất đối với thị hiếu người tiêu dùng đã được nâng cao. Bên cạnh đó, cũng cần phải kể đến những thay đổi trong tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam khi đã không còn quá coi trọng giá cả mà trên hết là chất lượng sản phẩm. Theo ông Quyền, thời gian qua, không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua. Điều này cho thấy cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng.

Theo khẳng định của nhiều DN Việt, hàng hóa phục vụ Tết Quý Tỵ năm nay, đã được các DN lên kế hoạch từ rất sớm nhằm đáp ứng tốt nhất, đầy đủ nhất cho nhu cầu sắm Tết của người dân. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Cty Nhất Nam (Fivimart) cho biết, siêu thị đã dự trữ trên 50 tấn thịt gia súc, gia cầm; 181 tấn thực phẩm chế biến, 272 tấn thực phẩm đông lạnh, 589 tấn rau, củ quả và 160 nghìn chai đồ uống các loại, cùng một số sản phẩm trứng, sữa, dầu ăn… với tổng trị giá tiền hàng lên đến 210 tỷ đồng, tăng 28% so với Tết 2012. Còn theo đại diện hệ thống siêu thị Big C, lượng hàng hóa phục vụ Tết năm nay tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, Big C đã hoàn tất việc trữ hàng phục vụ Tết, trong đó có hơn 250 tấn mứt, kẹo, khoảng 600 tấn thịt nguội, 1.000 tấn rau, củ quả. Tương tự, Cty Bibica cũng đã đưa ra thị trường 1.200 tấn bánh kẹo các loại, tăng 15% so với năm ngoái.

Cùng với sự nỗ lực của các DN, các kênh phân phối cũng đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu sức mua. Ngoài ra, việc tăng cường mối liên kết giữa DN sản xuất với các kênh phân phối cũng đã và đang được các DN cùng nhà phân phối tích cực thực hiện, nhằm đưa được sản phẩm với giá hợp lý nhất đến người tiêu dùng.

Tăng cường các giải pháp bình ổn, quản lý giá

Nhằm mang lại một cái Tết đầy đủ, an vui cho người dân, các cơ quan quản lý cũng đã tích cực đưa ra các giải pháp nhằm bình ổn thị trường, ổn định giá cả. Ngày 24-1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có Công điện số 01/CĐ-BTC gửi giám đốc các Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Giám đốc Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ yêu cầu thực hiện ngay một số việc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013.

Theo đó, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các cơ quan tài chính tại tất cả các tỉnh, thành phố, tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn; đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, dịch vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013; có biện pháp tăng cường đưa hàng hóa nhất là hàng hoá thuộc Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường đến khu vực ngoại thành, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu công nghiệp, khu tập trung đông dân cư. Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm, lợi dụng tăng giá, phí tùy tiện, trái pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Cùng với việc ổn định nguồn hàng, công tác quản lý thị trường cũng được đẩy mạnh. Nhất là dịp cuối năm là thời điểm tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái hoành hành mạnh mẽ hơn. Và để siết chặt tình trạng này, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Đỗ Thanh Lam, hiện Cục Quản lý thị trường đã tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Quý Tỵ. Ngoài việc đẩy mạnh kiểm tra ở các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại các chợ bán buôn, bán lẻ, các cửa hàng, các điểm trung chuyển hàng hóa, cảng, ga hàng không, đường sắt..., Cục đã chỉ đạo tới các Chi cục trên cả nước tăng cường nắm tình hình địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; tăng tần suất kiểm tra các điểm "nóng” kinh doanh trái phép, điểm nóng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại…

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com