Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 366 trang trại, tăng 60 trang trại so với năm 2011; trong đó gồm 2 trang trại trồng trọt, 116 trang trại chăn nuôi, 243 trang trại nuôi thủy sản và 5 trang trại tổng hợp. Tổng diện tích các trang trại là 1.877,157ha, tạo việc làm cho 1.477 lao động, với vốn đầu tư 488 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các trang trại năm 2012 đạt 564,902 tỷ đồng, tổng thu nhập trong năm đạt 99,55 tỷ đồng. Các loại hình kinh tế trang trại đang có xu hướng phát triển, nhất là trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (năm 2012 trang trại chăn nuôi tăng 43 trang trại, nuôi trồng thủy sản tăng 14 trang trại so với năm 2011). Từ phát triển kinh tế trang trại các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất, kinh doanh nên năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế được cải thiện, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận lao động ở khu vực nông thôn. Kinh tế trang trại đã góp phần khai thác và sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp như đất ven sông, đất ven biển, đất úng trũng và diện tích mặt nước… và tạo ra những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với khối lượng hàng hóa khá lớn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho lưu thông, cho công nghiệp chế biến giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Kinh tế trang trại phát triển giúp nông dân từng bước thay đổi tư duy kinh tế, chủ động hơn trong đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trong dân để đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản…
Trang trại chăn nuôi gà của anh Nguyễn Văn Luật, xã Hải Đông (Hải Hậu). |
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, quy mô trang trại ở tỉnh ta còn nhỏ, nhiều trang trại phát triển không theo quy hoạch, hầu hết các trang trại đều thiếu vốn xây dựng, mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng chắp vá, tận dụng…, thiếu đồng bộ; lao động trong các trang trại phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn phổ biến. Ngoài một số trang trại lớn có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, còn lại hầu hết trang trại không đầu tư hệ thống xử lý hoặc chỉ xử lý một vài công đoạn nên nước thải, chất thải chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường là một trong những nguyên nhân phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Năm 2012, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh ở lợn liên tục xảy ra, tuy chỉ xuất hiện ở các điểm dịch và đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát. Thức ăn chăn nuôi, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản liên tục tăng giá, làm tăng giá thành sản xuất trong khi giá đầu ra liên tục giảm… ảnh hưởng đến các trang trại chăn nuôi.
Hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 trang trại trồng trọt trong khi đây là thế mạnh của tỉnh. Thực tế ở các huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường… đã có cánh đồng cấy 2 vụ lúa giống và trồng 1 vụ đông phục vụ xuất khẩu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm là hướng mở cho xây dựng trang trại sau dồn điền đổi thửa và chính sách tích tụ ruộng đất. Nếu xây dựng được các mô hình trang trại như trên vừa giữ được đất lúa vừa cho hiệu quả kinh tế cao, gắn với sản xuất nông sản sạch, an toàn.
Trang trại chăn nuôi cũng là lợi thế của nông dân trong tỉnh, nhất là nuôi lợn và gia cầm. Mặc dù, hiện nay toàn tỉnh có 116 trang trại chăn nuôi; nhiều trang trại chăn nuôi lớn, chuồng trại khép kín, ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, nhưng vẫn còn nhiều trang trại phân bố rải rác, không tạo ra vùng quy hoạch tập trung, hầu hết các chủ trang trại sử dụng tối đa diện tích để chăn nuôi, chưa thực sự quan tâm, đầu tư đến môi trường sinh thái. Hiện tại, các địa phương đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa và đã có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại. Các địa phương cần xác định con nuôi chủ lực, vùng trang trại cần được xây dựng cơ sở hạ tầng chi tiết, nhất là đường đi, cấp thoát nước tập trung, hệ thống điện chiếu sáng và sản xuất. Đặc biệt khâu xử lý chất thải, nước thải… phải bảo đảm về môi trường sinh thái.
Với vùng trang trại nuôi trồng thủy sản là lợi thế của tỉnh và đã được các cấp từ tỉnh đến xã, thị trấn quan tâm hàng chục năm nay với nhiều dự án có sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, các ngành nên hiệu quả nhiều vùng nuôi (nhất là vùng mặn lợ) cho thu nhập hàng tỷ đồng cho mỗi ha/năm như nuôi tôm chân trắng, cá bống bớp, cá vược, cá song, cá chim biển vây vàng… Nhưng các trang trại trong vùng nuôi thủy sản cũng nhận được nhiều bài học đắt giá do chưa quan tâm đúng mức đến môi trường. Hiện tại, ngoài các trang trại nuôi ngao ở các vùng bãi triều thì con tôm chân trắng đang cho lợi nhuận cao ở các vùng nuôi Giao Thủy, Hải Hậu. Hiện tượng phát triển "nóng" nuôi tôm chân trắng không theo quy hoạch đã xuất hiện và thủy lợi cho vùng nuôi thuỷ sản, cho làm muối vẫn chưa quy hoạch riêng đang tiềm ẩn những rủi ro. Các huyện, xã cần tổ chức cho các hộ nuôi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm của các vùng nuôi tôm chân trắng an toàn sinh học theo VietGAP ở xã Giao Phong (Giao Thủy), nhất là công tác bảo vệ môi trường và trách nhiệm cộng đồng trong quy hoạch cũng như tổ chức nuôi.
Cùng với phát triển các loại hình trang trại theo vùng quy hoạch thì trang trại sản xuất giống luôn được khuyến khích. Hiện tại, giống thủy sản ở cả vùng nuôi nước ngọt hay mặn lợ, tỉnh ta đều tự sản xuất, chủ động được giống tốt những con nuôi chủ lực như: tôm, ngao, bống bớp, cua, cá rô đồng, cá lăng chấm, rô phi đơn tính đực, trôi, mè, trắm, chép… nhưng giống gia súc, gia cầm hiện nay vẫn phải nhập từ các địa phương khác về, kể cả giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm giống gia súc, gia cầm lớn là: Trung tâm giống gia súc, gia cầm Nam Định và Trung tâm Giống gà Châu Thành nhưng chưa có thương hiệu đối với các hộ nuôi, các trang trại nuôi. Tỉnh cần có chính sách cụ thể để 2 trung tâm có thể cung ứng đủ giống con nuôi tốt cho các trang trại và hộ nuôi. Các địa phương cũng cần tổ chức các tổ hợp tác, HTX, hiệp hội theo từng lĩnh vực, giúp nhau về kỹ thuật, giống, vốn, kinh nghiệm, thị trường… để phát triển nhanh kinh tế trang trại. Đặc biệt khi nghề trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được Bộ NN và PTNT xác định là những ngành nghề nông thôn cần được đào tạo trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Tất Thắc