Ngoài 90 doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, may gia công cho các tập đoàn dệt may trên thế giới, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm cơ sở may mặc đã đứng vững trên thị trường nội địa với năng lực cạnh tranh cao nhờ đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Sản phẩm của các cơ sở may mặc bày bán tại chợ Rồng (TP Nam Định). |
Để đứng vững trên thị trường nội địa và cạnh tranh với sản phẩm may mặc của Trung Quốc, các cơ sở may trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm hiểu thị trường để điều tiết sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Hường, chủ quầy hàng quần áo tại chợ Rồng (TP Nam Định) cho biết: Lợi thế của hàng may mặc Trung Quốc là có nhiều loại, mẫu mã đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng, lứa tuổi. Tuy nhiên, chất liệu các mặt hàng này xấu, không đảm bảo các tiêu chí cơ bản về kỹ thuật cắt, may; một số sản phẩm thiết kế rườm rà, sử dụng nhiều phụ kiện, phối màu sặc sỡ, không hợp với “gu” ăn mặc của phần lớn người lao động. Các cơ sở may trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu mẫu mã theo xu hướng thời trang của các nước Pháp và Hàn Quốc, đồng thời tận dụng nguồn nguyên liệu vải đầu tấm của các Cty dệt, may xuất khẩu trong tỉnh làm nguyên liệu sản xuất, nên giá thành hạ. Với ưu điểm bền đẹp, kỹ thuật may hiện đại, giá cả phải chăng, các sản phẩm may trong tỉnh đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng ở hầu hết các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Hiện tại trên địa bàn Thành phố Nam Định có hàng chục cơ sở may cung ứng sản phẩm cho các chủ quầy hàng tại chợ Rồng, các huyện trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Hà Nam, Ninh Bình. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất quần áo thu đông Thanh Mai, đường Trần Huy Liệu; cơ sở Hào Anh, đường Văn Cao; cơ sở Châu Anh, đường Trường Chinh… Chị Trần Thị Nga, chủ cơ sở may ở phường Trường Thi (TP Nam Định) cho biết, trước đây cơ sở của chị may gia công cho các Cty nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Vốn có kỹ thuật cắt may lại có nhân công và nguồn nguyên liệu dồi dào, chị đã thiết kế những mẫu sản phẩm đơn giản như quần áo trẻ em, áo cho lứa tuổi sinh viên và cho phụ nữ trung tuổi… và chào hàng ở các chợ đầu mối. Cơ sở tổ chức sản xuất khép kín từ khâu chọn nguyên liệu, cắt may đến in ấn hoa văn, logo và hoàn thiện sản phẩm… nên đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Để kích thích nhu cầu tiêu dùng và giảm lượng hàng tồn, cơ sở thường xuyên thay đổi mẫu mã, chất liệu và các phụ kiện trên sản phẩm. Đến nay, cơ sở đã tạo việc làm tại chỗ cho 10 lao động và hàng chục lao động may gia công. Sản phẩm của cơ sở không chỉ được chấp nhận ở thị trường tự do mà còn ký được đơn đặt hàng của các cửa hàng quần áo thời trang, đồng phục cho nhân viên của các nhà hàng, khách sạn. Các làng nghề sản xuất hàng may mặc như: xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Yên Trị (Ý Yên) hướng đến đối tượng khách hàng là người có mức thu nhập trung bình nên sản phẩm quần áo thời trang đều được các cơ sở sử dụng chất liệu cốt tông, đa dạng về kích cỡ, mẫu mã, màu sắc. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các cơ sở đều đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ, hiện đại. Nhiều cơ sở đã chủ động nâng cao trình độ tay nghề, kỹ thuật thiết kế, cắt may... Theo ước tính của lãnh đạo địa phương, trong tổng số gần 6.000 lao động làm nghề cắt may ở các xã Yên Trị và Mỹ Thắng có khoảng 10% số lao động được học các kiến thức cơ bản về kỹ thuật may, thiết kế thời trang và 80% lao động may gia công các công đoạn trong quá trình sản xuất được trang bị kỹ thuật may cơ bản. Do đó chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, thu hút được sự lựa chọn của người tiêu dùng. Hiện tại, sản phẩm may mặc của các làng nghề đã chiếm lĩnh được thị trường ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Nam và đang tiếp cận với thị trường các nước Lào, Căm-pu-chia. Trong đó, doanh thu từ nghề sản xuất hàng may mặc ở các địa phương này chiếm khoảng 50% tổng doanh thu toàn xã.
Để tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, các cơ sở may mặc trong tỉnh cần tăng cường nâng cao thương hiệu, đầu tư thiết kế mẫu mã theo thị hiếu người tiêu dùng, tiến tới đưa ra xu hướng thời trang để dẫn dắt, định hướng thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng. Các cơ sở may mặc cần khắc phục một số hạn chế như giao hàng không đúng thời hạn hợp đồng; không thống nhất về kích cỡ dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định. Bên cạnh đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế vay vốn và hỗ trợ đào tạo nghề cho các cơ sở may mặc thời trang trong tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương