Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Sa Châu

02:03, 15/03/2012

Nước mắm Sa Châu là sản phẩm truyền thống của xã Giao Châu (Giao Thủy) từ lâu đã nức tiếng xa gần với độ đạm cao (37%), mùi vị thơm ngon đặc trưng, bởi được làm từ nguyên liệu là cá cơm, cá nục, tép moi… tươi và ủ chượp theo phương pháp truyền thống. Hiện tại, làng nghề Sa Châu có hơn 100 hộ dân sản xuất nước mắm với tổng sản lượng mỗi năm đạt trên 250 nghìn lít. Gia đình ông Mai Văn Vụ, xóm Lạc Thuần, đã có 5 đời theo nghề làm mắm và cũng là hộ có quy mô sản xuất lớn nhất ở làng. Với trên 30 bể ướp, hàng trăm chum vò, ang phơi… mỗi năm, ông mua hàng trăm tấn nguyên liệu để chế biến. Ngoài công đoạn đánh nhuyễn cá sau khi ướp được thay thế bằng máy, các công đoạn còn lại đều được làm theo cách sản xuất truyền thống nên phải dùng đến đôi bàn tay và sự ước lượng tài tình của người làm nghề để tra thêm muối, thêm nắng, thêm sương và thêm cả thời gian ngâm ủ… mới tạo được thứ sản phẩm chất lượng cao. Để sản xuất của làng nghề ổn định và phát triển, từ năm 2007 HTX Tân Châu đã tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Sa Châu nhằm nâng cao uy tín và tìm đầu ra ổn định cho làng nghề. HTX đã đưa sản phẩm tham gia hội chợ triển lãm khu vực và xây dựng mối liên kết cung cấp nguồn hàng. Nước mắm Sa Châu đã có thêm thị trường ở Thành phố Hà Nội và các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình… Tuy nhiên, khi nước mắm Sa Châu được thị trường chấp nhận thì làng nghề không có đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng khiến thị trường bị bỏ ngỏ.

Sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống tại nhà bà Vũ Thị Hai, thôn Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thuỷ).
Sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống tại nhà bà Vũ Thị Hai, thôn Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thuỷ).

Để làng nghề phát triển bền vững, UBND xã Giao Châu đã xây dựng đề án phát triển làng nghề truyền thống với sự hỗ trợ của Sở KH và CN, Phòng Công thương huyện để xây dựng thương hiệu tập thể cho nước mắm Sa Châu. Đề án triển khai các nội dung tổng hợp danh sách các thành viên được phép sử dụng thương hiệu; các thành viên xây dựng quy chế sử dụng thương hiệu tập thể “Nước mắm Sa Châu”; Quy chế cấp và sử dụng tem, nhãn đối với sản phẩm nước mắm mang nhãn hiệu tập thể; Quy chế kiểm soát chất lượng nước mắm; Quy trình kỹ thuật chế biến, đóng chai, bảo quản sản phẩm… Hiện nay, xã Giao Châu đang tiến hành điều tra, khảo sát về sản phẩm nước mắm và đặc trưng làng nghề, xây dựng quy trình chuẩn để tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chí chất lượng và các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế tem nhãn, lô gô, mã vạch cho sản phẩm, xây dựng hồ sơ xác lập quyền nhãn hiệu tập thể và thực hiện các chương trình quảng cáo hỗ trợ phát triển thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm nước mắm Sa Châu đã tạo sự đồng thuận và ủng hộ của hơn 100 hộ dân trong vùng. Bà Vũ Thị Hai, người đã có gần 50 năm làm nghề cho biết: “Sản phẩm nước mắm Sa Châu được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng giá trị sản phẩm chưa cao, sản phẩm luôn bị làm giả. Xây dựng thương hiệu tập thể cho sản phẩm nước mắm, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện mọi yêu cầu khắt khe để giữ gìn uy tín sản phẩm làng nghề”. Để thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu tập thể, tạo dựng uy tín trên thị trường và đặc biệt là lưu giữ cách làm mắm truyền thống của cha ông, xã Giao Châu tạo mọi điều kiện thuận lợi để các gia đình mở rộng quy mô sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông, hệ thống thu gom nước thải đảm bảo vệ sinh và an toàn trong sản xuất cho khu vực làng nghề, xã đã dành 2ha đất ở thôn Sa Châu để xây dựng khu sản xuất tập trung, với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và dự kiến đi vào hoạt động ngay trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xã tổ chức tập huấn kỹ năng xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất vào thời điểm bắt đầu mùa vụ, đồng thời khuyến khích các hộ làm nghề thành lập doanh nghiệp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ngay trong năm 2011, HTX Liên Phong đã được thành lập với nhiệm vụ sản xuất, thu gom sản phẩm cung ứng ra thị trường và thực hiện các bước đăng ký thương hiệu tập thể cho sản phẩm nước mắm Sa Châu, tạo động lực phát triển làng nghề./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com