Ngăn ngừa việc tăng giá bất hợp lý

07:03, 13/03/2012

Từ 16 giờ ngày 7-3, các mặt hàng xăng, dầu đã đồng loạt tăng giá, trong đó tăng cao nhất là xăng với mức tăng 2.100 đồng/lít và tăng thấp nhất là dầu hỏa với mức tăng 600 đồng/lít. Cùng với việc điều chỉnh tăng giá, liên bộ Tài chính - Công thương cũng quyết định lùi thuế suất thuế nhập khẩu các chủng loại xăng, dầu về mức 0%, đồng thời giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) các chủng loại xăng, dầu xuống bằng mức trích Quỹ BOG (300 đồng/lít, kg). Như vậy cả ba công cụ là tăng giá bán lẻ, giảm thuế nhập khẩu và giảm mức sử dụng Quỹ BOG đã được cùng lúc áp dụng nhằm bình ổn giá xăng, dầu trong nước. Tuy nhiên, theo tính toán của liên bộ Tài chính - Công thương, mức điều chỉnh giá xăng, dầu nêu trên mới chỉ bằng từ 12,56% đến 40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh (khoảng từ 4.200 đồng/lít đến 6.500 đồng/lít tùy theo từng chủng loại xăng, dầu).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 chắc chắn sẽ tăng bởi giá xăng, dầu tăng. Ảnh: Internet
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 chắc chắn sẽ tăng bởi giá xăng, dầu tăng. Ảnh: Internet

Nhìn lại diễn biến giá cả thị trường thời gian gần đây, bên cạnh mặt hàng quan trọng là xăng, dầu thì mặt hàng than (trừ than cho điện) cũng đã tăng giá: than bán cho ba ngành sản xuất tiêu thụ lớn (xi-măng, giấy, phân bón) tăng 10%; than bán cho tiêu dùng trong nước tăng 1,5-15% kể từ ngày 24-2. Nhiều mặt hàng thiết yếu khác như ga, sữa cũng đã điều chỉnh tăng giá. Rõ ràng đây là những thách thức lớn cho việc kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong các tháng tới đây. Tháng 2 vừa qua, CPI tăng 1,37%, tăng cao hơn mức tăng 1% của tháng 1. Mặc dù mức tăng chỉ số giá tháng 2 vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng của tháng 2 trong 10 năm trở lại đây (trừ năm 2009) nhưng có thể thấy, xu hướng giảm mức tăng CPI những tháng qua vẫn chưa thật sự vững chắc. Việc tăng giá một số mặt hàng là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ như xăng, dầu, than, ga... chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới CPI ngay trong tháng 3. Chưa kể tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng tới nguồn cung trong thời gian tới, tác động tâm lý tiêu dùng đẩy giá thực phẩm thay thế tăng...

Trong bối cảnh đó, để kiềm chế lạm phát, trước tiên cần thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm để bình ổn giá. Các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình bình ổn giá và mở rộng mô hình này trong các tháng tiếp theo. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cần được đẩy mạnh nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng tăng giá hàng hóa, dịch vụ không hợp lý. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký, kê khai giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục đăng ký, kê khai giá, kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp, nhằm hạn chế thấp nhất tác động của việc tăng giá một số mặt hàng quan trọng như xăng, dầu, than... cần chủ động tiếp tục cải tiến công nghệ, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để tạo cơ sở ổn định, hoặc giảm giá bán sản phẩm./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com