Trong năm 2012, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp nước nhà đặt ra là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 3 lĩnh vực được tập trung ưu tiên chính là thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp.
Chậm thay đổi về chất
Theo số liệu thống kê của Vụ Kế hoạch - Bộ NN và PTNT, tính từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt gần 5,36%/năm, GDP tăng 3,7%/năm. Tuy nhiên, về cơ bản nông nghiệp vẫn chưa có sự thay đổi về chất, tăng trưởng kém bền vững và khả năng cạnh tranh thấp. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần, từ 4%/năm trong giai đoạn 1995-2000 xuống còn 3,83%/năm giai đoạn 2001-2005 và 3,3%/năm giai đoạn 2006-2010. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm, từ 66,35% năm 2000 xuống 58,8% năm 2010 (theo giá thực tế).
“Sản lượng lúa, lợn, gà tăng mạnh nhưng thu nhập của người dân lại tăng chậm. Tất cả những gì chúng ta làm là đem lại lợi ích cho người nông dân, nhưng thực tế hiệu quả sản xuất không cao” - Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát lo ngại.
Thủy sản và chăn nuôi là hai trong số các lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu. |
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp của nước ta hiện còn thấp. Kết cấu hạ tầng và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản còn kém phát triển nên chất lượng không cao, nhất là rau quả, sản phẩm chăn nuôi. Phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng nhỏ, chưa có thương hiệu. Chỉ số cạnh tranh của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản chỉ ở mức trung bình hoặc dưới trung bình của thế giới.
Trong khi đó, đồng chí Trang Hiếu Dũng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ NN và PTNT lại bày tỏ một lo ngại khác, đó là tình trạng sản xuất thâm canh, sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng và tạo ra nhiều chất thải của các vùng chăn nuôi tập trung, nuôi thủy sản tập trung, các vùng chuyên canh cây trồng như bông, rau, hoa quả... Hệ quả là tạo ra dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm cũng như làm tăng khả năng chống chịu và đột biến của sâu bệnh… Bên cạnh đó, nhiều tài nguyên bị khai thác bừa bãi cũng dẫn đến tình trạng suy giảm tính đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…
“Xốc” lại giá trị gia tăng
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên, Bộ NN và PTNT đã và đang khởi động Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu đặt ra là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, hướng tới đưa nước ta trở thành một cường quốc về xuất khẩu nông sản. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành từ 2,6-3%/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.
Năm 2012, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp. Trong đó, thủy sản là mặt hàng vẫn còn nhiều tiềm năng và đem lại giá trị gia tăng cao. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt tới 6,1 tỷ USD. Theo đó, cùng với các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra, trong năm 2012, Bộ NN và PTNT sẽ xem xét trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức lại ngành khai thác cá ngừ đại dương bởi đây là một mặt hàng đang cho giá trị tương đối lớn.
Để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, vấn đề phát triển công nghệ chế biến cũng cần được quan tâm. Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu ví dụ, cùng là sản phẩm sữa tươi, giá bán tại gốc của người dân không cao nhưng khi được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau thì có giá gấp hàng chục lần. Hay như cà phê, tổng số tiền giao dịch cà phê trên thị trường thế giới khoảng 100 tỷ USD/năm nhưng phần thuộc về những người trồng chỉ được 20 tỷ USD, 80 tỷ USD còn lại thuộc về chế biến. “Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, tại sao chúng ta không thể tham gia vào thị phần 80 tỷ USD đó?” - Bộ trưởng đặt vấn đề./.
Theo: Báo Kinh tế Việt Nam