Ngày đầu tiên sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm "trần" lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi, thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam có phản ứng khá tích cực. Hàng loạt ngân hàng đã xây dựng kế hoạch giảm lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay, đi liền với đó là tái cơ cấu. Các doanh nghiệp thêm niềm phấn khởi và toàn xã hội tăng thêm niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, nếu việc kiềm chế lạm phát tốt như thời gian qua thì mỗi quý có thể giảm lãi suất thêm 1%. Như thế, nhiều doanh nghiệp sẽ được cứu sống, cơ hội tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý đã đến, nhất là với khối sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn... những động lực chính của nền kinh tế. Lãi suất hạ sẽ thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hơn cho xã hội, tổng cung tăng lên sẽ kéo giá cả hàng hóa giảm xuống, lạm phát sẽ giảm. Đặc biệt trong tình hình giá điện, xăng dầu tăng cao như hiện nay thì giảm lãi suất cho vay là tín hiệu hết sức tích cực. Lãi suất được điều chỉnh giảm cũng có nghĩa những khó khăn trong hệ thống ngân hàng, nhất là thanh khoản đã dần qua đi.
Ngân hàng Nhà nước cần phải siết chặt kiểm soát để bảo đảm các ngân hàng cùng tuân thủ trần lãi suất huy động mới. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui khi lãi suất giảm, doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều cái lo. Trước hết ở phương án giảm lãi suất lần này, Ngân hàng Nhà nước chỉ đề cập đến việc giảm lãi suất huy động mà không nói rõ về việc giảm lãi suất cho vay. Chính vì vậy, doanh nghiệp có vay được tiền với lãi suất thấp hay không lại tùy thuộc vào từng ngân hàng. Khi lãi suất đầu ra của ngân hàng giảm xuống, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhưng đứng ở phía quản trị ngân hàng, dư nợ tăng đồng nghĩa rủi ro tăng (nợ xấu tăng). Mặt khác, khi trần lãi suất huy động giảm, nếu không kiềm chế lạm phát tốt thì lãi suất thực của người gửi sẽ bị âm, khi đó người dân sẽ đổ xô đi mua ngoại tệ hoặc vàng sẽ làm 2 thị trường này hiện đang được kiểm soát tốt có thể lại tái diễn kịch bản giống thời điểm đầu năm 2011.
Chính vì thế, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, đi liền với chủ trương giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cần phải siết chặt kiểm soát để bảo đảm các ngân hàng cùng tuân thủ trần lãi suất huy động mới; tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất và vượt trần, gây xáo động trên thị trường. Theo nguyên lý chung, để đạt được một mức lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp, phải hội tụ nhiều yếu tố, trước hết phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, nâng cao được chất lượng của hệ thống ngân hàng, thực thi các chính sách tài khóa hợp lý, quản lý thị trường tốt... Các yếu tố đó, bản thân ngành ngân hàng không thể tạo ra hết được mà phải là công sức của toàn xã hội dưới sự điều hành của Chính phủ. Việc điều chỉnh giảm lãi suất tín dụng phải gắn với việc duy trì tăng trưởng tín dụng hợp lý, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và ổn định tỷ giá ngoại tệ.
Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong đó, tập trung hỗ trợ thanh khoản để bảo đảm khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng yếu kém; đa dạng hóa các phương thức huy động vốn và kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với nguồn vốn về quy mô và cơ cấu kỳ hạn. Như vậy, các doanh nghiệp và người dân lại có thêm cơ sở để tăng niềm tin vào sự phát triển lành mạnh của các tổ chức tín dụng Việt Nam./.
Theo: qdnd.vn