Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu xem sản phẩm hàng công nghiệp trưng bày tại Hội chợ triển lãm Nam Định 2011. Ảnh: Xuân Thu |
Khẳng định thương hiệu hàng Việt Nam ở nước ngoài là một việc làm không dễ. Do các quan điểm về văn hoá, về nhu cầu tiêu dùng và sử dụng hàng hoá giữa mỗi quốc gia đều có sự khác nhau nên việc một mặt hàng hoặc nhiều mặt hàng của nước này được nước khác chấp nhận sử dụng là một thành công lớn. Từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã không chỉ xây dựng được thương hiệu riêng trong nước, mà còn đủ sức bước ra thị trường nước ngoài, trong đó không ít doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu và tạo dựng được thị trường vững chắc cho sản phẩm của mình tại những thị trường khó tính như EU và Mỹ. Tiêu biểu là các hộ nuôi ngao ở Giao Thủy đã nỗ lực chung sức áp dụng thực hiện khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững với các biện pháp giữ gìn vệ sinh cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của loài nhuyễn thể 2 mảnh; đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng con giống. Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung sử dụng trong kinh doanh mặt hàng ngao nuôi tại huyện Giao Thủy. Cũng trong thời điểm này, con ngao nuôi ở Giao Thủy đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, xuất xứ hàng hóa "Ngao Giao Thủy" và tháng 6-2010 “Ngao Giao Thủy" lại được tặng Huy chương Vàng cùng danh hiệu "Thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng". Vùng nuôi ngao Giao Thủy được EU công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hiện nay, bên cạnh việc khẳng định vị thế thương hiệu ngao sạch tại thị trường trong nước, “Ngao Giao Thủy” đã được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, châu Âu và Mỹ La tinh. Riêng tại các nước châu Âu, bình quân mỗi năm tỉnh ta đã xuất khẩu trên 3.000 tấn ngao thương phẩm. Sản phẩm “Ngao Giao Thủy”, bình quân đem về cho tỉnh doanh thu 350 tỷ đồng/năm. Cty CP May Sông Hồng với tiêu chí mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thương hiệu Việt chất lượng cao, giá cả hợp lý, Cty luôn chú trọng cải tổ hoạt động sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung đầu tư hệ thống máy móc theo hướng hiện đại, đồng bộ; mở rộng đầu tư nhà xưởng về nông thôn để bảo đảm đủ nguồn nhân lực… đã nhanh chóng đạt được năng lực sản xuất các sản phẩm FOB (xuất khẩu trực tiếp). Hiện, Cty đã xây dựng được thương hiệu uy tín, thân thiện, mang bản sắc văn hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế với các đối tác tin cậy là những tập đoàn và thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Columbia Sportswear, Gap, New York & Company, Mango, H&M, Mark & Spencer… Cty CP May xuất khẩu Nam Tiệp (TP Nam Định) là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đã ổn định vững chắc được thị trường xuất khẩu trực tiếp tại Cộng hòa Séc. Để các sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường nước ngoài với sản lượng như hiện nay, Cty đã không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư đồng bộ thiết bị máy móc hiện đại với tổng vốn đầu tư đạt 18 tỷ đồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Cty đã nỗ lực thực hiện biện pháp chủ động xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài bằng cách đưa đội ngũ cán bộ sang “nằm vùng” bên nước bạn, tìm hiểu cặn kẽ mọi nhu cầu, thói quen tiêu dùng và các tiêu chuẩn sử dụng sản phẩm. Sau quá trình khảo sát thị trường, Cty đã tổ chức sản xuất hàng mẫu và gửi sang chào hàng bên nước bạn và ngay từ lô mẫu đầu tiên sản phẩm của Cty đã được đối tác xác nhận đạt chất lượng cao và quyết định ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của Cty không chỉ có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước mà ngày càng được các bạn hàng nước ngoài ký kết gia tăng số lượng. Đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng xuất khẩu, Cty vừa mở thêm 1 xưởng may tại tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, Cty đang giải quyết việc làm cho 420 lao động với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cty TNHH Thắng Lợi (VICO) CCN An Xá (TP Nam Định) với ngành nghề chính là đúc thép, gang, những năm gần đây đã đầu tư đồng bộ nhiều dây chuyền phục vụ sản xuất. Năm 2009, Cty đã đổi mới hệ thống tôi dầu, nhiệt luyện theo công nghệ cũ sang hệ thống đúc hút chân không theo công nghệ của EU, dây chuyền làm khuôn cát đóng rắn nhanh..., cải thiện rõ rệt năng suất và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là môi trường sản xuất được đảm bảo, giải quyết được vấn nạn bụi và tiếng ồn. Cty còn đầu tư các thiết bị kiểm tra tiên tiến như máy phân tích quang phổ, máy đo độ cứng, máy soi tổ chức hạt kim loại, máy đo nhiệt độ nước thép lỏng, máy siêu âm, máy kéo nén; xây dựng nhà xưởng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và hệ thống kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn 17025. Vì vậy, các sản phẩm thép hợp kim, thép đúc, thép cán kéo... của Cty luôn đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhiều đơn vị sản xuất trong và ngoài nước; phục vụ các ngành khai khoáng, xi măng, hóa chất, chế tạo máy. Đặc biệt một số sản phẩm của Cty đã đạt các điều kiện kỹ thuật xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Tây Âu.
Sản xuất tại xưởng may Xuân Trường, Cty CP May Sông Hồng. Ảnh: P.V |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 100 doanh nghiệp trực tiếp đăng ký tham gia xuất khẩu sản phẩm và hàng trăm doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất khẩu ở các tỉnh bạn. Năm 2011, giá trị hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt 325 triệu USD, tăng 27,4%, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 12.290 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2010. Ngoài ra còn một lượng lớn kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh ta được thực hiện ở các địa phương khác. Những kết quả trên cho thấy sự nỗ lực từ phía bản thân doanh nghiệp và sự tích cực đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ hiệu quả thiết thực của tỉnh và các ngành chức năng cho doanh nghiệp khi tạo dựng thương hiệu trên thị trường thế giới. Trong dự án “Ngao Giao Thủy”, để mở rộng các hệ thống tiêu thụ ở thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu ngao ra thị trường quốc tế, tỉnh đã tổ chức quy hoạch các vùng nuôi ngao theo hệ thống và xây dựng thêm cơ sở sản xuất giống để cung cấp cho các vùng nuôi trong tỉnh, đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng các vùng nuôi, đưa ra chủ trương xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủy sản này. Từ năm 2005, huyện Giao Thủy đã ủy quyền và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung xây dựng nhãn hiệu “Ngao Giao Thủy”. Ngoài ra còn hàng loạt chính sách khác đã được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua như: sử dụng đất đai, thuế, vốn vay, xúc tiến thương mại và công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện ở tất cả các khâu... Chi cục Hải quan Nam Định đã bổ sung trang thiết bị hiện đại như máy soi hàng hoá, cân điện tử, màn hình điện tử, ki-ốt điện tử... triển khai đồng bộ các biện pháp cải cách hành chính theo hướng tiện lợi hoá, công khai minh bạch tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch với đối tác nước ngoài. Sở Công thương đã định hướng cho doanh nghiệp trong việc mở rộng quan hệ với các thị trường có tiềm năng... Các cơ quan chức năng khác tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Theo đó, định hướng của tỉnh trong việc đẩy mạnh xuất khẩu đã tạo nên bước chuyển mạnh mẽ, đó là tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm lợi thế của tỉnh như: Hàng lâm sản, hàng may mặc, thủy, hải sản đông lạnh, hàng thủ công mỹ nghệ…
Sản xuất tại Cty CP Chế biến lâm sản Nam Định. |
Sản xuất tại Cty CP Dệt may Sơn Nam. Ảnh: Thanh Thúy |
Thời gian tới, để tiếp tục nâng nhanh tổng số doanh nghiệp có đủ năng lực xuất khẩu sản phẩm và tạo dựng được thương hiệu Việt trên thị trường nước ngoài, theo kinh nghiệm được những doanh nghiệp đang đạt được thành công lớn trong lĩnh vực này đúc kết thì bên cạnh việc nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa ra mức giá sản phẩm hợp lý và tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp từ phía chính quyền, các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần tập trung giải quyết 2 vấn đề cơ bản là bao bì, mẫu mã và chiến lược phân phối. Người nước ngoài có sở thích thay đổi mẫu mã vì vậy các doanh nghiệp phải tập trung thường xuyên nắm bắt được nhu cầu mới trong mọi giai đoạn của mỗi thị trường khác nhau. Doanh nghiệp cũng bắt buộc phải có chiến lược dài hạn cho xuất khẩu và quảng bá; phải tổ chức các cuộc triển lãm và các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa hàng hóa, sản phẩm trưng bày để sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng tại nước ngoài, đồng thời, kết hợp với giao lưu thăm dò ý kiến trực tiếp khách hàng nhằm đưa ra những quyết định sáng suốt, tạo tiền đề cho đàm phán ký kết hợp đồng. Và để thực hiện tốt các nhiệm vụ này trong điều kiện khó khăn về vốn như hiện nay, các doanh nghiệp có thể hạ chi phí đầu tư bằng cách liên kết giữa các doanh nhân trong nước và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Với sự am hiểu về văn hoá, nhu cầu, thị trường, doanh nhân Việt ở nước ngoài trở thành cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá./.
Nguyễn Thanh Thúy