Ngư dân thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đánh bắt hải sản. Ảnh: Trần Duy Hưng (Giao Thuỷ) |
Việc lựa chọn tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam vào những ngày đầu tháng 6 hằng năm hướng đến mục đích thiết thực là hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8-6. Cho đến nay, Ngày Đại dương Thế giới được xem là sự kiện duy nhất tôn vinh đại dương trên toàn thế giới và cũng để bày tỏ mối quan tâm chung của loài người với biển, đại dương. Chính thức được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn vào năm 2009, ngày 8-6 hằng năm đã được nhiều nước hưởng ứng. Đối với nước ta, cũng từ năm 2009, Chính phủ cho phép tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, được xem là một mốc sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực quản lý biển và hải đảo.
Với mục đích khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, lòng tự hào và ý thức dân tộc của mọi người dân Việt Nam đối với chủ quyền vùng biển Tổ quốc, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2010 sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực. Ngoài lễ mít tinh quốc gia với quy mô lớn tại Đồng Hới, Quảng Bình, Festival Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2010 cũng là sự kiện hấp dẫn công chúng. Trong khuôn khổ của Festival sẽ phát động cuộc thi vẽ tranh cát, triển lãm ảnh nghệ thuật về chủ đề biển, đảo; tái hiện lễ hội cầu ngư… Ngoài ra còn có các hoạt động tham quan làng nghề, giao lưu giữa các doanh nghiệp chế biến thủy sản, giới thiệu và xúc tiến kinh tế biển.
Bảo vệ hệ sinh thái biển, nguồn sống của đại dương
Theo tài liệu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong vùng biển nước ta phát hiện được khoảng 11 nghìn loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái biển, ven biển điển hình. Là nơi cư trú, sinh đẻ, ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật, đồng thời cũng điều hòa khí hậu, dinh dưỡng trong vùng biển, nhưng hiện nay các hệ sinh thái biển ở Việt Nam đang bị suy thoái, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống của sinh vật biển. Theo ước tính, khoảng 80% tài sản vô giá của biển Việt Nam như hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển đang trong tình trạng rủi ro và 50% được cảnh báo rủi ro cao, khó khắc phục. Trong 50 năm gần đây, nước ta đã bị mất khoảng 80% rừng ngập mặn, thậm chí có địa phương ven biển rừng ngập mặn đã bị xóa sổ. Phong trào nuôi tôm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phá rừng ngập mặn...
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ sinh thái biển và ven biển nước ta đang phải chịu nhiều mối nguy hại tác động, trong đó việc khai thác quá mức được coi là tác động nghiêm trọng nhất. Những năm gần đây, các phương tiện khai thác tăng rất nhanh và đa dạng, dẫn đến sự giảm sút nhanh chóng của các sinh vật. Thực tế, hoạt động khai thác cá từ các hệ sinh thái ở nước ta không được kiểm soát và theo dõi một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, người dân ven biển còn đánh bắt bằng những công cụ hủy diệt như chất nổ, chất độc… càng tác động tiêu cực hơn đến nguồn tài nguyên biển. Ngoài ra, cũng phải kể đến những nguyên nhân khác như hoạt động du lịch thiếu kiểm soát, ô nhiễm môi trường biển, thiên tai và biến đổi khí hậu, thiếu nguồn lực quản lý…
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo vệ môi trường biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đưa ra nhiều giải pháp như thành lập các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái… Nhưng để thật sự bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi từ biển, hải đảo cần có sự chung tay của cả cộng đồng, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng./.