Ngư dân được mùa vụ cá nam

04:06, 07/06/2010
 
Ngư dân xã Hải Đông (Hải Hậu) vui được mùa cá nam.  Ảnh: Dương Đức

Ngư dân xã Hải Đông (Hải Hậu) vui được mùa cá nam.

        Ảnh: Dương Đức

Vụ cá nam năm nay được mùa, được giá. Mặc dù giá xăng dầu có tăng hơn so với các năm trước nhưng tất cả các tổ đội, hiệp hội đánh bắt đến các chủ tàu trên địa bàn tỉnh đều bám biển, bám ngư trường để khai thác.

Ông Phạm Văn Kình, đã có thâm niên 27 năm là thuyền trưởng ở xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết: Không chỉ 2 tàu của 2 con trai tôi, mà cả gần 50 tàu đánh cá xa bờ và hàng chục tàu đánh cá vùng lộng, ven bờ của xã Hải Chính liên tục trên biển. Đầu vụ cá nam năm nay cá nhiều, hầu hết là loại ngon như: Cá thu ngàn, cá thu dậu, cá thủ, cá chim, mực… Các năm trước, mỗi chuyến đánh bắt đi 5-7 ngày mới về, năm nay 2-3 ngày, tàu đã không còn chỗ chứa cá nữa. Tàu về chỉ bổ sung thêm dầu, đá lạnh, lương thực…, sau đó lại ra khơi ngay. Xã Hải Chính có 50 tàu đánh cá xa bờ, gần 30 thuyền lắp máy đã được cải hoán, nâng công suất máy. Nghề cá đã mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng, chiếm 47-50% tổng thu nhập của toàn xã. Không chỉ ở Hải Chính mà hơn 900 tàu của huyện Hải Hậu cũng luôn bám biển thu hoạch cá. Tàu của các ông Phạm Văn Trung (Hải Lý), Vũ Đức Tĩnh, Nguyễn Văn Đồng (Hải Triều), Phạm Thanh Hoà (Hải Xuân)… là những "cự phách" trong "làng" khai thác cá khơi, năm nay càng thắng to. Nhất là các tàu công suất trên dưới 400CV có giấy phép khai thác hải sản của vùng đánh cá chung Việt Nam - Trung Quốc như 5 tàu của ông Phạm Thanh Hoà, các tàu của ông Nguyễn Văn Đồng đã đánh được những con cá thu dậu nặng 15-17kg/con, giá bán gấp rưỡi, gấp đôi cá cùng chủng loại.

Nếu ở Hải Hậu, thế mạnh là khai thác cá khơi với nghề lưới rê là chủ lực thì ở Nghĩa Hưng lại lấy nghề câu chụp mực làm "điểm tựa" để phát triển cùng với nghề mới lưới rê. Hiện tại riêng tàu câu chụp mực bằng ánh sáng của huyện Nghĩa Hưng đạt gần 20 tàu công suất trên 90CV/tàu, tăng gấp trên 2 lần so với năm 2008. Theo ông Trần Văn Tĩnh, ngư dân xã Nghĩa Thắng: "Lúc không có trăng thì tổ chức chụp mực, lúc trăng sáng thì thả lưới rê. Câu chụp mực 2-3 tiếng một mẻ, có mẻ "trúng" cả tạ mực ngon, bình thường trên 30% là cá mực. Giá cá mực gấp cả chục lần cá tạp mà dễ bán. Đầu vụ cá nam này mực ống loại lớn cũng xuất hiện nhiều". Ở huyện Giao Thuỷ, ngư dân đang bỏ thói quen đánh bắt gần bờ, đánh bắt ở vùng bãi ngang, nâng công suất máy đưa tàu ra xa hơn, đánh cá khơi, cá lộng. Từ vài chục tàu công suất 90CV, đến nay tổng số tàu công suất lớn của huyện là 92 chiếc. Trong vụ cá nam năm nay, các tàu khai thác gần bờ năng suất thấp hẳn so với mọi năm. Đây chính là nguyên nhân để ngư dân Giao Thuỷ đang hoán cải và đầu tư đóng mới tàu to, công suất lớn cho đánh cá xa bờ.

Đến ngày 26-5-2010, sau gần 1 tháng ra quân khai thác vụ cá nam, tổng sản lượng hải sản khai thác đánh bắt toàn tỉnh đạt trên 15240 tấn, tăng 244 tấn so với cùng kỳ và đạt 40,6% so với kế hoạch khai thác hải sản cả năm 2010. Dự kiến, sản lượng khai thác hải sản năm 2010 sẽ vượt xa chỉ tiêu 37500 tấn. Đồng chí Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: "Vụ cá nam năm nay khá thuận lợi cả về thời tiết, ngư trường... Số lượng tàu đánh bắt tăng chủ yếu là các tàu công suất lớn, đồng thời tổ chức sản xuất trên biển theo đoàn, đội cũng là một động lực mới...". Đến nay tổng số tàu, thuyền đánh bắt thuỷ sản của tỉnh là 2576 chiếc, tăng 107 chiếc so với đầu năm 2009 và tăng gần chục chiếc (chủ yếu là tàu trên 90CV trở lên) so với cuối năm 2009; trong đó nghề lưới rê và lưới rê kiêm chụp mực là 1683 chiếc, chiếm trên 65,3% tổng số tàu khai thác thuỷ sản. 218 chiếc tàu có công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ ở độ sâu trên 35m, thường ở ngư trường Hòn Mê, Hòn Mát, Bạch Long Vỹ, trên 100 tàu của huyện Hải Hậu thường xuyên khai thác vùng biển miền Trung, miền Nam như Nha Trang, Vũng Tàu... Với 41 tổ, đội khai thác, chiếm trên 42% tổng số tàu cá của tỉnh giúp nhau về ngư trường, phương thức đánh bắt, khâu tiêu thụ sản phẩm..., thực sự đã phát huy được tính ưu việt quản lý có sự tham gia của cộng đồng ngư dân nghề cá đang được nhân rộng. Từ cuối tháng 4-2010 đến nay biển khá êm, thời tiết đẹp, cá, mực, tôm... xuất hiện nhiều. Đặc biệt giá hải sản tăng đáng kể, có loại tăng gấp đôi, gấp 2,5 lần so với năm ngoái. Hiện tại, chỉ tính ở 3 huyện có biển: Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng đã có 15 doanh nghiệp, trên 70 cơ sở thu mua, chế biến hải sản kể cả đông lạnh, tươi sống và chế biến khô... Các xưởng đóng tàu tư nhân ở Quất Lâm (Giao Thuỷ), Thịnh Long (Hải Hậu), Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) nhiều cơ sở dịch vụ xăng dầu, gia công lưới, sản xuất nước đá...; đặc biệt cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão Ninh Cơ (Hải Hậu) - Trung tâm dịch vụ, hậu cần nghề cá của tỉnh và nhiều chợ cá đang được xây dựng, tạo thuận lợi cho nghề khai thác hải sản phát triển. Ngoài ra, năm 2009, Sở NN-PTNT đã kết hợp với Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đào tạo thêm 30 thuyền trưởng, 22 máy trưởng, hơn 600 ngư dân được tập huấn về các văn bản pháp luật có liên quan, đến khai thác thuỷ sản, PCLB-TKCN, bảo đảm an toàn cho người và tàu cá.

Vụ cá nam vẫn còn 5 tháng nữa, rất thuận lợi cho các tàu, thuyền, các tổ, đội khai thác bám biển sản xuất đạt hiệu quả cao cả sản lượng và giá trị./.

 

Tất Thắc

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com