[links()]
(Tiếp theo và hết)
Để khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang, chống lãng phí tài nguyên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các địa phương đã nêu cao trách nhiệm gương mẫu, quyết liệt vào cuộc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, nỗ lực đưa từng thửa ruộng hoang vào khai thác trở lại.
Đảng viên trẻ Phạm Kỳ Phong, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) tiên phong tích tụ ruộng đất, không để lãng phí tài nguyên đất. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa mùa năm 2022). |
Bài 2: Khi cấp ủy Đảng, chính quyền sát sao, đảng viên gương mẫu
Hải Hậu là địa phương cơ bản không có tình trạng bỏ ruộng hoang. Hàng vụ, ngay từ khi chuẩn bị triển khai kế hoạch sản xuất đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) kiểm tra, rà soát nắm bắt tình hình gieo cấy của người dân, đôn đốc tiến độ làm đất, bảo đảm kịp thời vụ gieo cấy. Qua đó, nắm bắt thông tin những hộ không còn nhu cầu sản xuất hoặc thiếu lao động để vận động cho thuê, mượn ruộng hoặc hỗ trợ máy móc… Đây cũng là địa phương luôn duy trì thực hiện tốt cơ cấu mùa vụ của các vụ lúa, tạo sự gắn kết 3 vụ trong năm (vụ xuân, vụ mùa và vụ đông). Theo đồng chí Nguyễn Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở luôn sát sao trong chỉ đạo sản xuất, kịp thời phát hiện vấn đề phát sinh, trong đó chú trọng vấn đề bỏ ruộng không cấy để chấn chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Vào đầu vụ sản xuất, lãnh đạo huyện và ngành chức năng đã chủ động chỉ đạo, thường xuyên bám cơ sở để kiểm tra, yêu cầu các HTX báo cáo sơ bộ những diện tích chưa được làm đất có nguy cơ bỏ ruộng của từng địa phương. Từ đó, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo huyện mời bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND xã và giám đốc HTX DVNN các địa phương còn nhiều diện tích ruộng chưa được làm đất, báo cáo tình hình, thực trạng và giao nhiệm vụ cho các địa phương phải có giải pháp xử lý đảm bảo gieo cấy hết diện tích. Do vậy, sản xuất nông nghiệp tại các xã, thị trấn trên địa bàn được đẩy mạnh. Các HTX DVNN chỉ đạo làm tốt dịch vụ thủy nông phục vụ nước tưới và tổ chức làm đất nhanh, đáp ứng yêu cầu thời vụ. Theo Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu, quan trọng nhất là nắm bắt được sớm dấu hiệu về tình trạng bỏ ruộng để các cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc chỉ đạo. Khi mới manh nha có vấn đề, nếu không sớm ngăn ngừa sẽ tạo hệ lụy “vết dầu loang” ra các thôn, xã khác, khi đó rất khó chỉ đạo, giải quyết. Việc chính quyền vào cuộc chỉ đạo tuyên truyền, vận động và có cả chế tài xử lý người dân bỏ ruộng không cấy hàng vụ đã thu được kết quả tích cực.
Sản phẩm gạo sạch Toản Xuân đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 4 sao. |
Bên cạnh giải pháp tình thế kể trên, nhiều địa phương đã có những giải pháp căn cơ trước thực trạng phần lớn những diện tích ruộng người dân bỏ không cấy nằm trong vùng quá trũng, khó khăn về tưới, tiêu. Tại một số địa phương đối với những vùng đất cốt cao, khó khăn nước tưới đầu vụ thì tiến hành quy hoạch vùng sản xuất tập trung, cho chuyển đổi sang trồng những loại cây hàng hóa giá trị cao. Theo ông Nguyễn Văn Dự, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Nam Cường xã Yên Cường (Ý Yên) cho biết: Trước đây, ruộng đất manh mún khiến bà con sản xuất rất khó khăn, giá trị thu nhập không cao. Từ năm 2010 đến nay triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, một số bà con chuyển đổi ngành nghề phi nông nghiệp, nhường ruộng cho HTX đầu tư cải tạo thành những vùng cánh đồng lớn sản xuất rau màu theo công nghệ Nhật Bản, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân và khẳng định vai trò của HTX trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Việc chuyển đổi sang trồng cây màu hàng hóa giúp giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn gặp phải khi cấy lúa. Đặc biệt, nguồn thu nhập cao từ cây trồng hàng hóa sẽ là nền tảng kích thích các hộ dân gắn bó với ruộng đồng. Nhờ vậy ở Yên Cường từ nhiều năm qua, cơ bản không có tình trạng hộ nông dân bỏ ruộng không cấy trồng.
Đóng gói nông sản vụ đông tại HTX Nông nghiệp Yên Dương (Ý Yên). |
Một biện pháp chung đã được nhiều địa phương áp dụng, cho hiệu quả cao trong khắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang phải kể đến là đã gia tăng các biện pháp, chương trình hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất theo chuỗi, thuận lợi cho đầu tư khoa học công nghệ, áp dụng các quy chuẩn sản xuất an toàn, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập, từ đó tăng sức hút của đồng ruộng với người nông dân, doanh nghiệp. Tại huyện Vụ Bản, để giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có nhiều buổi làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy các xã, thị trấn để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc ở địa phương khi triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung, tích tụ ruộng đất. Ban Thường vụ, cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên sâu sát cơ sở, trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn, xóm; tổ chức các buổi giao ban cụm xã, qua đó, nhiều vấn đề cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa rõ, chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn đã được giải đáp kịp thời.
Lựa chọn ngao nguyên liệu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, thành phố Nam Định. |
Những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân được lắng nghe, tiếp thu và tập trung chỉ đạo giải quyết. Nhiều cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần xung kích, không ngại việc khó, sẵn sàng vận động hộ dân giao đất phục vụ nhiệm vụ tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa. Tiêu biểu như Phó Bí thư Đoàn xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) Phạm Kỳ Phong đã mạnh dạn liên kết với 4 nông dân khác nhận thầu hơn 80 mẫu ruộng thuộc vùng úng trũng ở xã Vĩnh Hào và xã liền kề Nam Dương (Nam Trực) để đầu tư cải tạo, hình thành cánh đồng lớn. Anh Phạm Kỳ Phong cho biết, sau khi diện tích này được tập trung giao cho anh chủ động tổ chức sản xuất, anh đã quyết định đầu tư mua sắm máy móc; quy hoạch, kiến thiết cải tạo lại bờ vùng, bờ thửa, san phẳng lại mặt ruộng… thuận lợi tưới tiêu hơn. Do vậy từ cánh đồng trước đây bị người dân bỏ hoang, cỏ lau, năn lác mọc cao lút đầu người thì từ 4 vụ trở lại đây khu ruộng này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. “Mỗi sào ruộng một vụ cho thu lãi 300 nghìn đồng, trên toàn diện tích 80 mẫu cũng cho nguồn thu đáng kể” - Phạm Kỳ Phong chia sẻ.
Nông dân xã Xuân Kiên (Xuân Trường) thu hoạch lúa mùa. |
Tại huyện Trực Ninh, được các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện, Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh đã liên kết với 8 HTX DVNN và 20 hộ dân tích tụ được các vùng cánh đồng lớn với tổng diện tích 420ha; trong đó huyện Trực Ninh 200ha, Nam Trực 120ha, Xuân Trường 50ha, Nghĩa Hưng 50ha… vốn là những thửa ruộng nông dân bỏ hoang để đầu tư cải tạo, kiến thiết hệ thống thủy lợi phù hợp để tổ chức sản xuất. Các giống lúa được Công ty lựa chọn sản xuất là giống lúa có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo tốt, được thị trường ưa chuộng như giống: ST25, Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá, Nếp 97, Lộc Trời 183. Toàn bộ diện tích sản xuất được cơ giới hóa 100% từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, ứng vốn đầu tư cung ứng các loại phân bón không tính lãi và khấu trừ vào cuối vụ, bao tiêu toàn bộ lượng lúa thương phẩm. Tham gia mô hình liên kết sản xuất giúp nông dân giảm bớt khó khăn trong đầu tư sản xuất ban đầu, yên tâm vì vẫn thâm canh lúa trên chính đồng ruộng của mình. Việc tổ chức sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn áp dụng quy trình VietGap nên Công ty sản xuất được 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao là: Gạo ST25 Quỳnh Thanh, Gạo Bắc thơm Quỳnh Thanh, Gạo 999 Quỳnh Thanh và Gạo Nếp Bắc Quỳnh Thanh. Các sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn; lợi nhuận của người dân tham gia mô hình liên kết với Công ty đạt 20-25 triệu đồng/ha.
Sản phẩm lúa giống của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định. |
Bỏ ruộng hoang, không gieo cấy là sự lãng phí tài nguyên đất, nhất là với các địa phương làm nông nghiệp như tỉnh ta. Vì vậy để khắc phục triệt để tình trạng bỏ ruộng hoang, thời gian tới, các ngành, các địa phương cần phân tích, đánh giá và rút ra các kinh nghiệm từ các mô hình, cách làm, biện pháp đã chứng minh hiệu quả thực tiễn kể trên để tổ chức phổ biến nhân rộng. Tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích những người có tâm huyết, cộng đồng doanh nghiệp, HTX có năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị được thuê gom, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đội ngũ đảng viên gương mẫu, phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc xử lý, giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang, tạo sự bứt phá toàn diện ngành Nông nghiệp trong thời giai đoạn mới.
Mô hình cánh đồng lớn của HTX Thanh Niên Nam Đại Dương ở xã Minh Tân (Vụ Bản). |
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cần quan tâm giải quyết tốt việc quản lý, cân đối, bình ổn mức chi phí đầu vào để đảm bảo sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng cho lợi nhuận cao. Khi đó vừa giúp bà con nông dân yên tâm, gắn bó với ruộng đồng; chuyên tâm canh tác lúa, thực hiện mục tiêu nhiệm vụ bảm đảm an ninh lương thực, bảo đảm tài nguyên đất đai được sử dụng, khai thác tốt, khắc phục tình trạng những "tấc vàng" bị bỏ hoang./.
Bài và ảnh: Văn Đại