Khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang (kỳ 1)

16:05, 27/10/2022

Thời gian gần đây, tại các địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng nhiều hộ nông dân để ruộng không gieo cấy khi thời vụ đến, nhất là vào vụ mùa. Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), vụ mùa năm 2022, toàn tỉnh có hơn 2.000ha ruộng bỏ hoang.

Cánh đồng thôn Bình Thành, xã Trực Chính (Trực Ninh) bị bỏ hoang vì chuột phá hoại, làm giảm năng suất.
Cánh đồng thôn Bình Thành, xã Trực Chính (Trực Ninh) bị bỏ hoang vì chuột phá hoại, làm giảm năng suất.

Bài 1: Vì sao nông dân bỏ ruộng hoang?

Cánh đồng thôn Bình Thành, xã Trực Chính (Trực Ninh) trước đây vốn được xem là “bờ xôi ruộng mật” vụ mùa 2022 cũng bị bỏ hoang không cấy. Ông Mai Văn Hoàng, nông dân trong thôn chia sẻ: Những năm trước, diện tích này được người dân trong thôn cấy hết. Tuy nhiên từ năm ngoái đến nay nhiều gia đình bỏ trống ruộng, không cấy. Nguyên nhân là do cả vùng này bị chuột phá hoại mạnh, giá phân bón lại tăng cao khiến việc cấy lúa hiệu quả kinh tế rất thấp. Bên cạnh đó, việc thuê thợ cấy vừa khó khăn bởi công cấy thủ công cao, từ 300-350 nghìn đồng/ngày công nhưng vẫn khó thuê bởi lực lượng lao động ở quê hiện nay phần lớn đi làm công nhân cho các công ty, doanh nghiệp. Tại xã chưa có tổ dịch vụ cấy máy, muốn thuê dịch vụ cấy máy ở địa phương khác cũng khó khăn do diện tích nhỏ, chủ máy không tha thiết, lịch thời vụ gieo cấy lại gấp... Chính vì vậy, nhiều gia đình đành bỏ ruộng không cấy.

Nhờ tích tụ ruộng đất, Công ty Cổ phần sản xuất và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông, xã Đại Thắng (Vụ Bản) đã xây dựng hệ thống nhà màng sản xuất dưa lưới phục vụ thị trường, mang lại hiệu quả cao.
Nhờ tích tụ ruộng đất, Công ty Cổ phần sản xuất và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông, xã Đại Thắng (Vụ Bản) đã xây dựng hệ thống nhà màng sản xuất dưa lưới phục vụ thị trường, mang lại hiệu quả cao.

Gắn bó với đồng ruộng nhiều năm, ông Dương Quang Hùng, Trưởng thôn Dương Lai Trong, xã Thành Lợi (Vụ Bản) rất trăn trở với tình trạng nông dân bỏ ruộng không gieo cấy ở địa phương. Đây chủ yếu là những ruộng ở xa, không thuận lợi cho việc tưới, tiêu nước hoặc gần nhà máy, xí nghiệp nên bị chuột phá hoại mạnh. Ông Hùng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Vụ Bản, cán bộ thôn đã lập danh sách cụ thể, đến từng nhà tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân nỗ lực khắc phục khó khăn, cố gắng cấy hết diện tích, phấn đấu không để ruộng hoang nhưng kết quả không như mong muốn.

Lãnh đạo Sở NN và PTNT, huyện Trực Ninh kiểm tra quá trình sinh trưởng phát triển của lúa mùa năm 2022 tại xã Trực Đại (Trực Ninh).
Lãnh đạo Sở NN và PTNT, huyện Trực Ninh kiểm tra quá trình sinh trưởng phát triển của lúa mùa năm 2022 tại xã Trực Đại (Trực Ninh).

Không khó để chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều diện tích ruộng trước kia vốn được xem là “bờ xôi ruộng mật” nay lại bị bỏ không gieo cấy. Hiện nay, tại các huyện đều có các khu, cụm công nghiệp; nhiều xã, thị trấn có các doanh nghiệp tư nhân thành lập nên có nhu cầu rất lớn về tuyển dụng lao động địa phương với nhiều chính sách đãi ngộ, phúc lợi xã hội hơn hẳn làm ruộng. Chính quyền các địa phương cũng chủ trương tạo điều kiện thuận lợi để người dân gia nhập đội ngũ công nhân, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động để bảo đảm tiêu chí lao động, việc làm và thu nhập trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Chính vì thế phần lớn lao động trước đây làm ruộng nếu còn trong độ tuổi lao động thì nay chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làm việc trong nhà xưởng vừa sạch sẽ “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”, lại có thu nhập ổn định và cao hơn hẳn so với làm nông nghiệp. Điều này dẫn đến thực trạng lao động nông nghiệp còn lại ở các địa phương chủ yếu là người quá tuổi lao động, phụ nữ không còn nhiều sức khỏe nên thiếu nhiệt huyết với việc canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, để bảo đảm thời gian sinh trưởng, phát triển của cây trồng và thích ứng với biến đổi khí hậu, việc sản xuất, bố trí thời vụ trong những năm gần đây liên tục được đẩy nhanh, thời gian chuyển vụ, nhất là vụ mùa, rất ngắn để kịp làm vụ đông hàng hóa nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Do vậy nhiều hộ bỏ cách quãng không cấy vụ mùa để làm vụ đông. Một nguyên nhân quan trọng nữa là hiệu quả kinh tế thu được từ cấy lúa quá thấp. Trong khi giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng “chóng mặt” thì giá lúa thương phẩm lại không tăng tương ứng nên thu nhập từ sản xuất nông nghiệp vốn đã thấp giờ lại thấp hơn, thậm chí thua lỗ nếu gặp thiên tai. Theo tính toán của người dân, nếu năng suất lúa đạt từ 1,8 đến 2 tạ/sào, giá bán 75 nghìn đồng/kg, trừ toàn bộ chi phí thì người nông dân mới lãi được khoảng 300 nghìn đồng mỗi sào trong vòng 3 tháng. Nếu làm công nhân cho công ty, lương một tháng có thể mua được hơn 1 tấn thóc, mà chẳng phải lo “trông trời, trông đất, trông mây” rồi lo đủ sức khỏe mà làm ruộng "trông cho chân cứng đá mềm". Người nông dân vất vả gieo cấy, chăm sóc khoảng 5 sào ruộng, nếu thuận lợi trôi chảy đến lúc thu hoạch mới có thể thu được trên dưới 1 tấn thóc. Tính ra phần thu của người nông dân cũng chỉ “lấy công làm lãi”, chứ lợi nhuận thực sự (lãi ròng) không đáng kể.

Cánh đồng thôn Minh Đức, xã Trung Đông (Trực Ninh) bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.
Cánh đồng thôn Minh Đức, xã Trung Đông (Trực Ninh) bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc HTX Bốn Thuận, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) cho biết: Từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp luôn phải đối diện với nhiều khó khăn, rủi ro về thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, dịch hại phá hoại... Thời gian gần đây, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nhưng giá thóc thương phẩm lại không tăng khiến nông dân chán làm ruộng. Mặc dù trong những năm qua, các địa phương đã quan tâm đầu tư cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng, tích cực dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất thuận lợi, hiệu quả, song một số diện tích vùng trũng thấp hay những chân ruộng cao, giáp ranh với các khu, cụm công nghiệp, khu nghĩa trang, nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội mới xây dựng chia cắt đồng ruộng, đã gây khó khăn cho việc tưới, tiêu nước dẫn đến khó canh tác, hiệu quả, năng suất lúa thấp nên nông dân không muốn gieo cấy. Điều này đã được cử tri ở một số địa phương nhiều lần kiến nghị xin chuyển đổi sang cây trồng phù hợp trên những diện tích đất nông nghiệp này. Hiện nay, lực lượng lao động còn lại ở nông thôn chủ yếu ở độ tuổi từ 45 trở lên, là những người khó xin được việc làm phù hợp trong các công ty, doanh nghiệp, vẫn phải bám đồng ruộng vì thu nhập của họ chủ yếu vẫn trông vào đây.

Nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) thu hoạch lúa mùa.
Nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) thu hoạch lúa mùa.

Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT), năm 2022 toàn tỉnh có 3.671ha ruộng bỏ hoang, trong đó vụ xuân là 1.671ha; vụ mùa là hơn 2.000ha. Huyện Trực Ninh là địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang nhiều nhất với 365ha ở vụ xuân và gần 600ha ở vụ mùa; tiếp đó là huyện Ý Yên với 385ha ở vụ xuân và hơn 500ha ở vụ mùa; thành phố Nam Định 209ha ở vụ xuân và 228ha ở vụ mùa… Đặc biệt trong 3 năm gần đây, xuất hiện tình trạng lúa cỏ gây hại, nhất là ở các huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nghĩa Hưng… đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng hàng vụ; vì vậy một số ruộng bị nhiễm lúa cỏ nặng từ vụ trước nông dân cũng bỏ không cấy.

HTX Thanh Niên Nam Đại Dương ở xã Minh Tân (Vụ Bản) tập huấn chuyển giao kỹ thuật gieo cấy mới cho nông dân.
HTX Thanh Niên Nam Đại Dương ở xã Minh Tân (Vụ Bản) tập huấn chuyển giao kỹ thuật gieo cấy mới cho nông dân.

Diện tích bỏ ruộng hoang chủ yếu là diện tích nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt, thùng vũng, sâu trũng hoặc cốt đất cao gây khó khăn trong việc triển khai sản xuất. Tuy chỉ chiếm khoảng 2,3% ở vụ xuân và 2,7% tổng diện tích gieo cấy vụ mùa của toàn tỉnh nhưng những khu ruộng này lại trở thành nơi lưu trú cho các loại sâu bệnh, vi-rút, chuột trú ngụ, sinh sản, tạo nguồn lây lan sang những vụ tiếp theo. Vì vậy, các địa phương cần có các giải pháp kịp thời phù hợp để khắc phục tình trạng này, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ ruộng hoang.

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Văn Đại


 


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com