Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thanh tra

08:06, 15/06/2022

Xác định việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra có ý nghĩa quan trọng, vừa tăng cường pháp chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật, đồng thời vừa phát huy dân chủ của nhân dân, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành Thanh tra, các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ thanh tra kinh tế - xã hội và các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý đối với các kết luận thanh tra về kinh tế - xã hội; các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Thi công công trình kiên cố hóa bờ kênh Hải Ninh 17A và cải tạo, mở rộng mặt đường thuộc tổ dân phố Song Khê, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Thi công công trình kiên cố hóa bờ kênh Hải Ninh 17A và cải tạo, mở rộng mặt đường thuộc tổ dân phố Song Khê, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Theo đó, hàng năm, thực hiện Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW, ngày 16-4-2015 của Ban Nội chính Trung ương về “Tổ chức rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại các địa phương”; Văn bản số 311-CV/BNCTW, ngày 9-6-2016 của Ban Nội chính Trung ương về “Thực hiện kết luận Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, Ban TVTU đã lãnh đạo, chỉ đạo việc tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn tỉnh; giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban TVTU thành lập Đoàn rà soát đảm bảo đúng hướng dẫn. Qua rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ban TVTU ban hành Thông báo kết luận chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền chấn chỉnh, nâng cao việc thực hiện. Sau khi có Thông báo kết luận của Ban TVTU, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc chấn chỉnh, tập trung thanh tra đối với những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân trong việc phát hiện, chuyển cơ quan điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tập trung chỉ đạo việc thực hiện các Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan Trung ương, Kiểm toán Nhà nước. Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra do cấp mình ban hành đảm bảo đúng quy định của Nghị định 33/2015/NĐ-CP ngày 27-3-2015 của Chính phủ quy định việc thực hiện kết luận thanh tra và các quy định của pháp luật có liên quan. Hàng quý, 6 tháng, năm, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị giao ban công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng với các ban, ngành hữu quan, các huyện, thành phố chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án; xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm được phát hiện qua công tác rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội. Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; các kết luận, kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra về kinh tế - xã hội tại đơn vị, địa phương mình quản lý. 

Từ năm 2015 đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã triển khai 1.051 cuộc thanh tra theo quy định; phát hiện tổng số sai phạm về kinh tế 70 tỷ 750 triệu đồng; 407 tập thể, 129 cá nhân có sai phạm. Các đoàn thanh tra đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 25 vụ, 56 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính 407 tập thể và 129 cá nhân; kiến nghị thu hồi trên 47 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 23 tỷ 706 triệu đồng. Về kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, đã chuyển cơ quan điều tra 25 vụ; cơ quan điều tra đã khởi tố 11 vụ. Các cơ quan chức năng đã xử lý trách nhiệm người có liên quan đến sai phạm như tổ chức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tập thể và cá nhân, ban hành các quyết định khiển trách, cảnh cáo, phê bình trước chi bộ; đã xử lý về kinh tế và thu hồi trên 47 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng tổ chức 513 cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội do Thanh tra tỉnh, Thanh tra các huyện, thành phố, sở, ngành thực hiện. Ban TVTU đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm 27 cá nhân có vi phạm, khuyết điểm; chỉ đạo xử lý cụ thể, chuyển cơ quan điều tra 12 kết luận thanh tra; xử lý về kinh tế 1.353,31 triệu đồng. Đến nay, các cơ quan chức năng đã thực hiện xử lý về kinh tế 511,22 triệu đồng; số tài sản xử lý bằng hình thức khác 657,71 triệu đồng; đã xử lý 35 tập thể, 27 cá nhân có vi phạm, khuyết điểm. Về cơ bản, các kết luận thanh tra đảm bảo chính xác, khách quan; các sai phạm nêu trong kết luận thanh tra có căn cứ, kiến nghị xử lý đúng bản chất sai phạm; các sai phạm về kinh tế được xử lý thu hồi, điều chỉnh hoặc giảm trừ khi thanh quyết toán. Các kiến nghị trong kết luận thanh tra cơ bản đã được khắc phục tương xứng với mức độ sai phạm, thể hiện tính nghiêm minh, khách quan trong quá trình thanh tra. Kịp thời ngăn ngừa những việc làm trái với các quy định, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông qua đó, các cơ quan, địa phương, đơn vị nhận thức đầy đủ, có biện pháp cụ thể, tăng cường phối hợp trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án, xử lý các tổ chức, cá nhân có sai phạm được phát hiện. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng ngừa tham nhũng được nâng lên. Hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương được công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân tham gia quản lý và giám sát.

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra nói chung, công tác thanh tra kinh tế - xã hội nói riêng, thời gian tới, các cơ quan nội chính, thanh tra các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Văn bản số 302-CV/TU, ngày 24-8-2021 của Ban TVTU về việc báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tập trung thanh tra ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Trong đó, thực hiện nghiêm Thông báo kết luận số 12-TB/TW ngày 6-4-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chương trình trọng tâm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 của Ban TVTU. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác thanh tra; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra; chấn chỉnh công tác thanh tra, nhất là việc ban hành kết luận thanh tra và theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm về Đảng, chính quyền đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo quy định./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com