Đại đoàn kết toàn dân tộc - di sản vô giá, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem đại đoàn kết dân tộc là kim chỉ nam cho mọi hành động. Ảnh: Tư liệu |
Đoàn kết thực sự để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc… hoàn toàn trái ngược với “đoàn kết xuôi chiều”, dân chủ hình thức, thậm chí kéo bè, kéo cánh để tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Nhớ ghi lời Bác về đại đoàn kết
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3-2-1930) đến nay, trong các chỉ thị, nghị quyết, phương pháp cách mạng của Đảng…, vấn đề đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được xác định là một chiến lược của cách mạng, được tổ chức lãnh đạo phát triển đến đỉnh cao, tập trung sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết…” là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, nhất quán và lâu dài, xuyên suốt tiến trình cách mạng, là nội dung quan trọng, chủ đạo hợp thành hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, khoan dung, sự cố kết, chia sẻ, đùm bọc yêu thương đã thấm sâu trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, cốt cách của mỗi người dân, trở thành lẽ sống, chất kết dính, gắn bó bền vững các thành viên từ trong mỗi gia đình, làng quê, xóm phố và trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Mục đích của Đảng có thể bao gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Người nói: “Ngày nay, sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định quan điểm: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Quán triệt tinh thần đó, cần xác định: Đoàn kết toàn dân nói chung, đoàn kết trong mỗi tổ chức của hệ thống chính trị, tổ chức xã hội nói riêng, phải nhằm thực hiện tốt đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những cá nhân, những nhóm người nhân danh tổ chức, lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để gây bè, kéo cánh để tham nhũng, tham ô tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Nguy hiểm hơn, một số cá nhân lại sử dụng đồng tiền bất chính đó để chạy chọt, “mua quan bán chức”, nhằm chui sâu, leo cao để mưu danh, mưu lợi cho riêng mình. Cùng với đó, họ sử dụng những thủ đoạn hết sức tinh vi, cài cắm người nhà, người thân, đồng hương,… vào các vị trí công tác quan trọng thuộc các cơ quan công quyền, nhằm tạo cánh hẩu, ê kíp, chân rết… bảo vệ lẫn nhau, cùng nhau trục lợi, tham ô, tham nhũng, tiêu cực…
Chống bệnh “đoàn kết xuôi chiều”
Vừa qua, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm (thay thế Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm). Trong Quy định số 37-QĐ/TW, với 19 điều đảng viên không được làm, có hai điều cấm mới hoàn toàn, là Điều 3 và Điều 13. Trong đó Điều 3 quy định đảng viên không được “phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Căn bệnh “đoàn kết xuôi chiều”, dân chủ hình thức làm suy yếu, tổn hại đến sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, làm xói mòn, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Những năm qua, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kiên quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thường xuyên trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực), nhiều cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô tham nhũng, tiêu cực… đã bị xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có “vùng cấm”.
Đại hội XIII của Đảng khẳng định, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thành tựu đó càng khẳng định con đường cách mạng của Đảng và nhân dân ta lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đoàn kết xuôi chiều, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực… của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn tồn tại, là lực cản đối với sự phát triển, đi lên của đất nước.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Từ thực tế trên, để khắc phục căn bệnh đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về nhận thức: Việc đẩy lùi, đánh đuổi “giặc nội xâm” trong thời bình là cuộc chiến cam go trong mỗi tổ chức, mỗi cá nhân, nhất là với những người là đồng chí, là cấp trên, cấp dưới..., trong khi các đối tượng này lại thường xuyên “đổi màu”, thủ đoạn rất tinh vi. Tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm… không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Do vậy, cần đề cao truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống văn hóa, trọng danh dự; đề cao nhận thức tư tưởng và tình cảm, tri ân sâu sắc hàng triệu đồng chí, đồng bào nhiều thế hệ đã phải trải qua bao gian khổ, hy sinh để có cơ đồ Tổ quốc Việt Nam như ngày nay. Một trong những bài học lớn về sự thành công sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức xã hội… là quán triệt, học tập nắm vững các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn; cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, như lời Bác Hồ căn dặn “Việc gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh”. Việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần được tiến hành thường xuyên, không để tình trạng “học xong là xong”.
Thứ hai, cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Công tác cán bộ phải quán triệt, thấu suốt và thực hiện thật tốt quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 11-8-2021: “Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Chính phủ và chính quyền các cấp… Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.
Thứ ba, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, cần tăng cường các biện pháp cụ thể.
Thứ tư, trong các chủ trương và giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực, việc làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân có ý nghĩa quyết định. Công tác thông tin, tuyên truyền cần tập trung làm tốt hơn, quyết liệt và cụ thể hơn. Cần bám sát thực tiễn; phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thông tin đại chúng, các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật), nhằm “bóc trần” sự thật về những hành động “giả nhân, giả nghĩa”, sự tham lam không giới hạn, trái với luân thường đạo lý, trái với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc… của một số phần tử cơ hội trên từng lĩnh vực, để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện, lên án; chỉ rõ họ chính là thủ phạm làm giảm uy tín, sức mạnh lãnh đạo của Đảng, cản trở sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cùng với đó, cần tăng cường định hướng, tạo dư luận tích cực trong mọi lĩnh vực; tôn vinh, ủng hộ những người có dũng khí tố giác, đấu tranh phê bình những hành vi tiêu cực, tham ô, tham nhũng; chỉ đạo cụ thể hơn hoạt động giám sát, phản biện của các đoàn thể chính trị và nhân dân trong phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Lịch sử nhân loại, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, không nể trọng và tôn vinh những người để lại “kho vàng, kho bạc” cho con cháu thụ hưởng. Điều cao quý nhất được lưu truyền, tôn vinh là giá trị cống hiến cho quốc gia, dân tộc và nhân loại. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã có quá trình học tập, công tác, cống hiến, được Đảng và nhân dân giao chức vụ, quyền hạn, phải luôn thấy rõ, đó là cơ hội để được phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Với trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, chúng ta tin tưởng, bằng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân tộc và công cuộc đổi mới./.
Theo Báo QĐND