Phạm Đình Nghị
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ngày 6-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cũng trong năm đó, Ngân hàng Nam Định, tiền thân là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Nam Ninh được thành lập và hoạt động theo địa giới hành chính của tỉnh.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển (6-5-1951 - 6-5-2021), Ngân hàng Nam Định đã có nhiều đổi mới, phát triển các hoạt động tiền tệ, ngân hàng. Với mạng lưới 23 tổ chức tín dụng, 42 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp II, 4 đơn vị tài chính vi mô, 114 phòng giao dịch, 215 máy ATM, trên 400 điểm chấp nhận thẻ POS được phủ khắp trên địa bàn tỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động nguồn vốn trong nhân dân, đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và sử dụng dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển. Quy mô hoạt động liên tục được mở rộng. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đạt trên 78 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7 lần so với năm 2010; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt gần 70 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với năm 2010.
Ngân hàng Nam Định đã đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; tích cực cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tín dụng, thanh toán điện tử và các dịch vụ ngân hàng trực tuyến thông qua mạng internet. Hoạt động tín dụng tiếp tục được nâng cao cả về chất lượng và tính an toàn, hiệu quả, trong đó triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn... Ngân hàng đã tập trung triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo hình thức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân vay vốn. Đặc biệt, trong năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nam Định đã kịp thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khánh hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Trong chặng đường xây dựng và phát triển, Ngân hàng Nam Định luôn giữ vai trò chủ đạo cung cấp vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh được mở rộng và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 8%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; đặc biệt năm 2020, Nam Định là một trong 16 tỉnh, thành phố của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng trên 5%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,7%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân gần 14%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông. Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích trước 1,5 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,5% dân số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 1%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt chặng đường 70 năm qua. Ghi nhận sự đóng góp quan trọng đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý cho các tập thể và cá nhân: 39 Huân chương Lao động các hạng, 807 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN Việt Nam và UBND tỉnh, nhiều cán bộ ngân hàng được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam và nhiều phần thưởng vinh dự khác.
Giao dịch tại trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định. Ảnh: Đức Toàn |
Năm 2021, là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, cũng là năm kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam. Trên nền tảng những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được, với tâm thế mới và những kỳ vọng mới cho sự phát triển của tỉnh trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
2. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các dịch vụ ngân hàng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển.
3. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
4. Các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng; tăng trưởng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, kiểm soát tốt rủi ro; phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới với nhiều tiện ích và an toàn; tăng cường tính minh bạch và tạo thuận lợi tối đa về thủ tục giải ngân vốn cho người dân và doanh nghiệp.
5. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ ngân hàng có phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị vững vàng, có tính kỷ luật và giỏi chuyên môn nghiệp vụ; có kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh lịch sự, tận tụy trong công việc đủ sức đảm đương và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế.
Chúng ta tin tưởng rằng với bề dày truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng Nam Định sẽ lập được nhiều thành tích, tiếp tục làm tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng giàu mạnh, văn minh, góp phần vào mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước./.