LTS: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Từ số báo này, Báo Nam Định mở chuyên mục “Hỏi đáp về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” (Nội dung do Sở Tư pháp biên soạn) nhằm giúp cử tri trong tỉnh hiểu rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của mình, nội dung cơ bản và những điểm mới của Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Câu 1. Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có ý nghĩa chính trị như thế nào?
Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là một trong những quyền chính trị cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Bầu cử là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung và thành lập cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương nói riêng.
Cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền làm chủ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Theo đó, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2021.
Để tổ chức cuộc bầu cử đạt được thành công tốt đẹp, ngày 20-6-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó đặt ra yêu cầu cuộc bầu cử phải bảo đảm được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Thành công của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào quá trình tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Câu 2. Vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND các cấp trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam?
Trong bộ máy Nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân bởi: Quốc hội là cơ quan do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, được nhân dân tin tưởng uỷ thác quyền lực Nhà nước, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân cả nước.
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan Nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.
(Còn nữa)