Nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND các cấp

06:01, 13/01/2021

Nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND ba cấp trong tỉnh đã tập trung hoạt động giám sát theo Luật định; qua đó góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết của HĐND đi vào cuộc sống; đồng thời không ngừng nâng cao vị thế, vai trò của cơ quan dân cử đối với cử tri và toàn xã hội.

Thường trực HĐND huyện Ý Yên đóng góp ý kiến về nâng cao chất lượng giám sát của HĐND các cấp.  Bài và ảnh: Xuân Thu
Thường trực HĐND huyện Ý Yên đóng góp ý kiến về nâng cao chất lượng giám sát của HĐND các cấp. 

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát 17 nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành; trong đó có các nghị quyết về quy hoạch; về đầu tư công; về hỗ trợ sinh hoạt phí cho cán bộ các đoàn thể cấp xã, thôn, xóm, tổ dân phố; về đặt tên đường phố trên địa bàn tỉnh... Việc tổ chức giám sát thực hiện nghị quyết đã được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh chủ động tham mưu, lựa chọn nội dung triển khai; tập trung vào những nghị quyết tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chế độ chính sách, an sinh xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm. Các cuộc giám sát được tổ chức bài bản, kỹ lưỡng, khảo sát thực tế tình hình triển khai thực hiện nghị quyết của các cơ quan, đơn vị liên quan. Trên cơ sở đó, đoàn giám sát đã ban hành nhiều kiến nghị nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước ở các cấp, các ngành cũng như kiến nghị UBND tỉnh trong thực hiện những giải pháp đảm bảo để các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành đi vào cuộc sống; hoặc kiến nghị HĐND sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các chính sách không còn phù hợp. Thường trực HĐND các huyện, thành phố tổ chức giám sát 88 chuyên đề. Tiêu biểu như Thường trực HĐND huyện Nam Trực năm 2017 đã chỉ đạo Ban Pháp chế tiến hành giám sát chuyên đề tại 5 xã, thị trấn về việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý đất đai trên địa bàn. Năm 2018, Thường trực HĐND huyện Nam Trực tiếp tục chỉ đạo giám sát chuyên đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lần đầu đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường và các xã, thị trấn trên địa bàn. HĐND huyện Hải Hậu tập trung giám sát công tác giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ huyện đến các xã, thị trấn; việc chấp hành các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác đảm bảo an toàn giao thông; lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng lúa sau dồn điền đổi thửa; tình hình sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trạm y tế xã, thị trấn; thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thường trực và các Ban HĐND huyện Nghĩa Hưng đã tiến hành giám sát các chuyên đề về công tác xây dựng nông thôn mới; quản lý đất đai; việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai; vệ sinh môi trường làng nghề, khu chăn nuôi; xử phạt vi phạm hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, dạy nghề cho lao động nông thôn; các khoản thu đóng góp từ cha mẹ học sinh của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; một số lĩnh vực hoạt động của các cơ quan Công an, Quân sự, Viện kiểm sát, Thi hành án, Tòa án. Thường trực HĐND thành phố Nam Định đã tiến hành khảo sát, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến nhiều vấn đề “nóng” như: Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; quản lý giáo dục thanh thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật; nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn; dạy nghề cho lao động hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người nghiện ma túy.

Thông qua các hoạt động giám sát, Thường trực HĐND các cấp trong tỉnh đã đánh giá về kết quả thực hiện và đề nghị UBND cùng cấp, các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ những vấn đề chưa được sáng tỏ, những kiến nghị chưa được thực hiện, hoặc tiến độ thực hiện chậm, nguyên nhân, giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế như Thường trực HĐND tỉnh mới giám sát được khoảng 20% nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành. Qua giám sát, kết quả đạt được của một số nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành còn thấp; cá biệt có nghị quyết không còn phù hợp với thực tiễn cần phải được sửa đổi, bổ sung; việc huy động các nguồn lực để thực hiện các chính sách còn gặp nhiều khó khăn. Ở cấp huyện, thành phố, một số kiến nghị sau giám sát chuyên đề thuộc thẩm quyền chưa được UBND cùng cấp chỉ đạo, giải quyết dứt điểm; chưa phân công cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; một số nội dung chưa thực hiện nhưng không báo cáo làm rõ nguyên nhân để đề xuất trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan...

Để thực hiện tốt các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, thời gian tới Thường trực HĐND từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đề ra các giải pháp không ngừng nâng cao hiệu quả giám sát, nhất là việc giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND và kiến nghị sau giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND. Trước hết Thường trực Tỉnh ủy và các Huyện ủy, Thành ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; bố trí cán bộ lãnh đạo, chuyên trách HĐND đủ số lượng và chất lượng; bổ sung những người có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, có bản lĩnh, có quan điểm thẳng thắn, xây dựng, cùng sự vào cuộc của các đại biểu HĐND để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, chất lượng. Các chương trình công tác của HĐND, nhất là các huyện, thành phố cần được xây dựng ngay từ đầu năm theo từng danh mục cụ thể, trong đó phân công các cơ quan chủ trì, phối hợp, tham mưu, bảo đảm đúng người, đúng việc, có trách nhiệm, hiệu quả, theo đúng tiến độ đề ra, tránh bị trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng, địa điểm, thời gian giám sát. Thường trực HĐND, các Ban HĐND các cấp cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các cơ quan chuyên môn của huyện, thành phố cần chặt chẽ bởi nhiều lĩnh vực giám sát có phạm vi rộng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn. Quy trình tổ chức hoạt động giám sát phải được thực hiện theo đúng các bước gồm: Chuẩn bị chu đáo, kỹ càng nội dung; tiến hành giám sát bài bản, khoa học, công khai; sau giám sát phải thông báo kết luận giám sát kịp thời, cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ lộ trình yêu cầu khắc phục để các đơn vị triển khai thực hiện; tránh chung chung, hình thức. Phương thức giám sát phải phù hợp với từng nội dung, vấn đề, đối tượng, thời điểm giám sát. Hoạt động giám sát chỉ có chất lượng, hiệu quả thực sự khi kết luận giám sát đánh giá một cách toàn diện vấn đề giám sát, các kiến nghị giám sát được các đối tượng giám sát tiếp thu, thực hiện nghiêm túc, được các cơ quan Nhà nước có liên quan giải quyết triệt để. Sau giám sát, cần theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, để nâng cao hiệu quả giám sát đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của HĐND trước yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com