Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Thông tin này được Tổng cục Thống kê (TCTK) đưa ra vào cuối năm 2020 làm nức lòng nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Thế nhưng một số người lại tỏ ra hậm hực, cho rằng Việt Nam “đã tô hồng bức tranh kinh tế”...
Vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức
Hiếm có năm nào nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như năm 2020. Ngay từ đầu năm, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng ra hầu hết các nước trên thế giới, diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường khiến kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, ước cả năm 2020 tăng trưởng âm tới gần 4%; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, hạn hán, bão lũ, sạt lở đất... liên tiếp xảy ra, nhất là trong những tháng cuối năm ở miền Trung làm cho nền kinh tế Việt Nam khó khăn chồng chất khó khăn.
Trong bối cảnh rất đặc biệt đó, nhờ có quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch (PCD) bệnh và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Ảnh minh họa/Internet. |
Ngày 21-12-2020, báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam “Điểm lại” của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%, dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Báo cáo cho rằng, Việt Nam có kết quả như trên là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa đạt thặng dư lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp.
Trước đó, đầu tháng 10-2020, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam dự báo sẽ đạt 12.100USD vào năm 2020 và tăng lên 16.100USD vào năm 2025 (tính theo phương pháp PPP).
Tạp chí The Economist (Anh) mới đây có bài bình luận coi Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020. Còn kênh truyền hình BBC của Anh đánh giá mức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cao hơn so với dự đoán của WB hồi tháng 10-2020.
Không ai yêu cầu sửa đổi số liệu thống kê
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thống kê toàn quốc tổ chức vào đầu năm 2021. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận vai trò quan trọng của ngành Thống kê đối với đất nước. Khẳng định số liệu thống kê là khách quan, chặt chẽ, đúng pháp luật, Thủ tướng nêu rõ, “chưa bao giờ hay bất cứ đồng chí lãnh đạo nào yêu cầu TCTK phải sửa số liệu này, số liệu khác trong quá trình thống kê KT-XH đất nước”. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi năm 2018, chỉ số chung về năng lực thống kê của Việt Nam theo các tiêu chí đánh giá của WB xếp hạng 19/145 quốc gia, vùng lãnh thổ (vượt mục tiêu của Chiến lược vào năm 2020 đạt 80 điểm; cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á).
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng TCTK khẳng định: “Quan điểm làm thống kê của chúng tôi là trung thực, đổi mới, vì đất nước. Cơ quan thống kê hoàn toàn độc lập, khách quan, không chịu sức ép của ai. IMF đã thừa nhận TCTK áp dụng đúng chuẩn mực, thông lệ quốc tế và xin phép sử dụng các báo cáo của cơ quan thống kê để công bố công khai trên trang web của họ”.
Một số người do không hiểu tình hình Việt Nam hoặc cố tình xuyên tạc sự thật đã “phát biểu” trên mạng xã hội và báo chí nước ngoài rằng “Việt Nam nhào nặn số liệu thống kê” là hoàn toàn sai trái bởi chính họ đã “nhào nặn méo mó”, “bôi đen” bức tranh kinh tế Việt Nam.
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng giữa bức tranh toàn cầu
Nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nước và hãng thông tấn báo chí có uy tín trên thế giới coi Việt Nam là hình mẫu về cách thức kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu, là tấm gương trong PCD bệnh và thể hiện trách nhiệm, uy tín cao trong hợp tác quốc tế, khu vực về PCD. Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu “...Ở lại Việt Nam thời dịch là một may mắn”. Chính sự thành công trong PCD COVID-19 đã tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Dù bạn bè quốc tế hết lời ca ngợi, nhưng chúng ta vẫn chưa thật sự hài lòng với những kết quả đã đạt được. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2020. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự báo trong những năm tới, bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, KT-XH và quản trị, có thể tiếp tục kéo dài trong các năm 2021-2022. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta. Chính vì lẽ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu chính quyền các địa phương và toàn hệ thống chính trị cần chủ động, tích cực quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện thật tốt, ngay từ đầu năm 2021 Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với thực tế, có tính khả thi cao, với tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước.
Thủ đoạn xuyên tạc sự thật của các thế lực cơ hội, thù địch về đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam, trong đó có việc “bôi đen bức tranh kinh tế” không có gì là mới bởi lẽ nhiều năm qua chúng đã làm như vậy. Mục tiêu sâu xa của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, thành quả cách mạng của đất nước, nhân dân ta dày công xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua việc chống phá, gây mất lòng tin, làm cho kinh tế không phát triển, xã hội tất yếu dẫn tới rối loạn, khủng hoảng và sụp đổ. Những luận điểm này tuy không có ý nghĩa gì về tri thức, lý luận, nhưng chúng ta không được coi nhẹ, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, phê phán.
Biện pháp phản bác hữu hiệu nhất là mỗi người hãy nỗ lực lao động, sản xuất, học tập, công tác góp phần xây dựng đất nước ổn định, kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đồng thời, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và chế độ ưu việt của chúng ta./.
Theo Báo QĐND