Điểm nhấn trong công tác đối ngoại

07:01, 01/01/2021

Hoạt động đối ngoại của tỉnh đang được thực hiện theo hướng chủ động, không ngừng nâng cao chất lượng, từng bước củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia, địa phương, đối tác trên thế giới theo phương châm bảo đảm ổn định an ninh chính trị và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh ta.
Các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh ta.

Hiện nay, tỉnh ta đang có quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế giới, chủ yếu thông qua công tác ngoại giao kinh tế. Các mặt hàng may mặc, da giày, túi xách, lâm sản... xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng chiếm tỷ lệ cao vẫn là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 12%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,18 tỷ USD, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may; bông, xơ, sợi dệt; da và các mặt hàng liên quan. Công tác thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả khá. Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án ODA đang được thực hiện trên các lĩnh vực đất đai, nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục do Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tài chính Cô-oét đầu tư. Các dự án ODA đã giải ngân được 41,2 tỷ đồng; trong đó vốn ODA là 37,2 tỷ đồng, vốn đối ứng 3,9 tỷ đồng. Tỉnh cũng đang thực hiện thủ tục đề xuất đầu tư đối với 3 dự án ODA gồm: Dự án xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải thành phố Nam Định, vay vốn Hungary; Dự án tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chất lượng cao vay vốn ADB hoặc WB và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng quản lý nước hiệu quả phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn vay vốn Hàn Quốc. Về dự án đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh có 120 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư 3.551,9 triệu USD. Số dự án trong các khu công nghiệp gồm 51 dự án với số vốn đăng ký là 996,5 triệu USD; ngoài khu công nghiệp 69 dự án với số vốn đăng ký là 2.555,4 triệu USD. Tổng vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt khoảng 1.020,5 triệu USD chiếm 28,7% tổng vốn đăng ký đầu tư. Hầu hết các dự án đều tiến hành triển khai ngay sau khi hoàn tất các thủ tục về đầu tư. Riêng năm 2020, có 19 dự án FDI được cấp mới và điều chỉnh với tổng vốn đăng ký là 252,2 triệu USD, tăng 3,6 lần so với năm 2019 về tổng số vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh; chấp thuận 11 lượt thông báo đủ điều kiện mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn mua được tính bổ sung cho dòng vốn FDI là 7,78 triệu USD. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang đầu tư trên địa bàn tỉnh đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đứng đầu là nhà đầu tư Trung Quốc với 29 dự án, tiếp đến là nhà đầu tư Hàn Quốc với 18 dự án. Hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giầy và phụ trợ ngành may. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI của tỉnh khoảng hơn 81 nghìn người. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI năm 2020 ước đạt 1.350 triệu USD, nộp ngân sách ước đạt 6,5 triệu USD.

Trong hợp tác quốc tế, tỉnh Nam Định đang giữ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tỉnh U Đôm Xay (Lào) và một số địa phương của Nhật Bản thông qua các thỏa thuận đã được ký kết. Đối với tỉnh U Đôm Xay, từ nhiều năm qua, tỉnh đã có quan hệ hợp tác, kết nghĩa, bền chặt, gắn bó. Hai bên thường xuyên cử đoàn lãnh đạo của tỉnh luân phiên sang thăm, làm việc và đã có những thỏa thuận hợp tác căn bản. Về công tác xây dựng Đảng và chính quyền, các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh đã có các chuyến thăm, làm việc vào các năm 2011, 2013, 2016, 2017, 2019 để trao đổi kinh nghiệm, đánh giá kết quả hợp tác, qua đó củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa hai tỉnh. Về giáo dục và đào tạo, từ năm 2010 đến nay, Nam Định đã tiếp nhận và hỗ trợ đào tạo bằng nguồn ngân sách của tỉnh cho 16 học sinh của tỉnh U Đôm Xay sang học tại các trường đại học trên địa bàn. Năm 2020, UBND tỉnh đã có thông báo tuyển sinh đại học, cao học cho tỉnh U Đôm Xay và hiện tại đang trong quá trình xét duyệt hồ sơ, dự kiến lựa chọn từ 5 đến 6 học sinh của tỉnh bạn sang học tập theo kế hoạch này. Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh ta đã tặng tỉnh U Đôm Xay một số giống lúa, ngô, gia cầm có năng suất, chất lượng cao và cử cán bộ sang hướng dẫn kỹ thuật, giúp tỉnh bạn xây dựng thành công một số mô hình phòng trừ sâu bệnh, thâm canh lúa. Thông qua mô hình, tỉnh Nam Định đã giúp tỉnh U Đôm Xay xác định được tiềm năng sản xuất nông nghiệp của địa phương, chủ động trong sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2020, để hỗ trợ tỉnh U Đôm Xay phòng, chống dịch COVID-19, Công an tỉnh đã gửi tặng Công an tỉnh U Đôm Xay 10 nghìn chiếc khẩu trang kháng khuẩn do doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Nam Định sản xuất. Cùng với nước bạn Lào, mối quan hệ hợp tác toàn diện, gắn bó, đồng hành giữa tỉnh ta và một số địa phương của Nhật Bản đang được nhân rộng.

Thỏa thuận hợp tác phát triển nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu của Nhật Bản được ký ngày 24-11-2015 tại tỉnh Miyazaki trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác tỉnh Nam Định do đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh làm Trưởng đoàn. Các nội dung hợp tác được xác định bao gồm: Hỗ trợ, đào tạo nguồn cán bộ kỹ thuật nông nghiệp chất lượng cao cho tỉnh Nam Định; Hợp tác trong việc phổ biến các kỹ thuật cơ bản về nâng cao năng suất, chất lượng một số nông sản chủ yếu của tỉnh Nam Định đáp ứng yêu cầu thị trường Nhật Bản; đồng thời nghiên cứu một số loại cây trồng để phát triển thành các vùng chuyên canh có chất lượng cao ở Nam Định đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản và Việt Nam. Sau khi ký kết thỏa thuận, hàng năm tỉnh Nam Định và tỉnh Miyazaki đều có các hoạt động trao đổi đoàn để đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Vì vậy đến nay kết quả đạt được trong hợp tác đầu tư rất khả quan. Về sản xuất phân hữu cơ, các chuyên gia của tỉnh Miyazaki đã phối hợp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ cho tỉnh Nam Định. Chương trình sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản được UBND tỉnh Nam Định hỗ trợ thực hiện thông qua dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm nông nghiệp” được triển khai tại HTX Bắc Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) từ năm 2016. Dự án đã hoàn thành sản xuất được 5 lô phân hữu cơ, tổng sản lượng trên 200 tấn có chất lượng tốt. Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ dự án đã được nhân rộng ở HTX Nam Cường (Ý Yên), Công ty TNHH Nông nghiệp Hải Đăng (Mỹ Lộc) và một số địa phương trong tỉnh. Sản phẩm phân hữu cơ đã được đưa vào thử nghiệm trong sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản trong vụ Đông 2017, vụ Xuân năm 2018, năm 2019 và tại Công ty Cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh. Kết quả, rau trong ruộng mô hình có sử dụng phân hữu cơ sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh tốt hơn, năng suất tăng khoảng 10%, thời gian sinh trưởng rút ngắn hơn khoảng 7-8 ngày so đối chứng. Văn phòng đại diện chương trình hợp tác 3 bên giữa tỉnh Nam Định, tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu tại khu vực vòng xuyến đường Đông A được khai trương và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30-5-2018. Phía tỉnh Miyazaki đã cử ngài Yasuda Kenji làm trưởng văn phòng đại diện tại Nam Định. Về đào tạo nguồn nhân lực khoa học nông nghiệp thông qua chương trình hợp tác với Trường Đại học Minami Kyushu, từ tháng 11-2015 đến nay, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản tại Nam Định tổ chức tuyển sinh và đào tạo tiếng Nhật được 3 khóa cho 120 học viên. Trong đó, 40 học viên đang tiếp tục theo học tại Trung tâm; có 23 học viên đi theo chương trình thực tập sinh làm việc tại Công ty Nông nghiệp Shii, tỉnh Miyazaki; 14 học viên sang du học tại Trường Đại học Minami Kyushu; 43 học viên sang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh khác của Nhật Bản. Tiếp đó, tỉnh đã cử nhiều cán bộ, giáo viên của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, ở các doanh nghiệp sang Nhật Bản nghiên cứu, học tập theo chương trình hợp tác, mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra tỉnh ta đang có một số nội dung hợp tác với tỉnh Ibaraki và tỉnh Fukui của Nhật Bản. Trong đó, hợp tác với tỉnh Ibaraki nhằm hỗ trợ tỉnh chuyển giao công nghệ và nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản. Hợp tác với Công ty Ajichi Farm, tỉnh Fukui để hỗ trợ Công ty TNHH Cường Tân ký hợp đồng hợp tác với Công ty Ajichi Farm, tỉnh Fukui thành lập Công ty liên doanh hợp tác sản xuất và chế biến sản phẩm từ lúa gạo. 

Công tác đối ngoại của tỉnh ta với nhiều địa phương, tổ chức trên thế giới đang được triển khai hiệu quả nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng./.

Bài và ảnh: Xuân Thu

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com