Nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng là “lợi thế tĩnh”, đây là những yếu tố ít thay đổi như: các yếu tố khí hậu đa dạng, số giờ nắng nhiều, nguồn nước dồi dào, lao động có kỹ năng nông nghiệp khá tốt, cần cù chịu khó và giá tương đối rẻ. Những yếu tố này không phải bất biến, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai bão lũ, dịch bệnh xảy ra tràn lan là những thách thức đầy khắc nghiệt đòi hỏi ngành Nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi từ tư duy đến cách làm thực tế một cách toàn diện và sâu rộng.
Từ kinh nghiệm thực tế nhiều năm tham gia xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, cánh đồng lớn, chúng tôi thấy rằng cần tạo ra những “lợi thế động” để có thể khai thác, phát huy và không làm lãng phí những “lợi thế tĩnh”, đảm bảo sự chủ động trước những thay đổi của “lợi thế tĩnh”, đó là những chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn, các quy định chuyên ngành, quy chế và kế hoạch của các địa phương, các giải pháp thực hiện chính sách, tư duy sáng tạo của lao động nông nghiệp, các mối liên kết các thành phần “lao động” trong nông nghiệp...
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nông nghiệp đang đứng trước những cơ hội và thách thức tương đương nhau, tốc độ phát triển nhanh và mạnh của các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa. Muốn hội nhập tốt, hai yếu tố quan trọng hơn cả là chất lượng và giá thành sản phẩm. Nông nghiệp nước ta phổ biến là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, khó phát triển quy mô “cánh đồng lớn”, hạn chế trong áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chất lượng nông sản khó đồng đều, công nghiệp chế biến nông sản chưa cao, nhiều khi chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế.
Phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm mình định làm phù hợp với thị hiếu sử dụng nông sản của người tiêu dùng. Như vậy vấn đề đặc biệt quan trọng dẫn đến thành công trong nông nghiệp là “chất xám”, là “người làm nông nghiệp” với tư duy và quyết sách kinh tế sáng tạo, quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo ra được lợi thế cạnh tranh mới mà từ trước tới nay chưa bao giờ có.
Nông nghiệp sạch (hay còn gọi là nông nghiệp hữu cơ - NNHC) là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa gây ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người. Từ đó chấm dứt thẩm thấu dư lượng hóa chất độc hại vào chuỗi thức ăn của chúng ta, xây dựng một hệ thống canh tác phục hồi nhanh, có khả năng thích ứng, chống chọi với biến đổi khí hậu, bảo đảm cung cấp thực phẩm tại địa phương và có hiệu quả cao trong tích lũy các-bon. Đây là con đường và cách hữu hiệu để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước xác định khoa học công nghệ là giải pháp xuyên suốt trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng chiến lược phát triển NNHC, trong đó xác định rõ quan điểm, phương hướng, mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể phát triển NNHC. Trước hết cần áp dụng các tiến bộ về công nghệ thông tin trong việc quản lý của toàn bộ quá trình sản xuất ở tất cả các khâu: chọn tạo nhân giống - nuôi trồng - chế biến, bảo quản - vận chuyển - cung cấp cho thị trường.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong tái cơ cấu nông nghiệp. Triển khai xây dựng các mô hình trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi giá trị, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các mô hình NNHC đều phải sử dụng giống chuẩn; phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Các sản phẩm nông sản chủ lực đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tham gia xây dựng mô hình. Các đối tượng tham gia nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ: tiền/mô hình/quy mô như nhau mới động viên, huy động được các thành phần thực sự có năng lực và tâm huyết, trách nhiệm với phát triển NNHC bền vững.
Tạo cơ hội và thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm NNHC, đây là nhiệm vụ sống còn, xúc tiến thương mại trên phạm vi toàn cầu phải làm thường xuyên và phải là công việc và trách nhiệm của các bộ, ngành chứ không chỉ là công việc của doanh nghiệp và người nông dân./.
KS Lâm Văn Chiểu
(Công ty TNHH Cường Tân - Trực Ninh)