Tập trung trí tuệ thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII

06:11, 03/11/2020

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo, đặc biệt là 6 nhiệm vụ trọng tâm đề ra mà toàn Ðảng, toàn dân cần triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ Ðại hội tới.

6 nhiệm vụ đó là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðây là những vấn đề then chốt phải tập trung trí tuệ để thực hiện thắng lợi nhằm giải quyết những tồn tại và tạo đà phát triển cho kinh tế - xã hội của quốc gia trong 10 năm tới. Là cán bộ công tác trong lĩnh vực thông tin báo chí và xuất bản, tôi đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0), thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng chính phủ điện tử. Ðây là xu thế phát triển tất yếu. Trong nhiệm vụ này, vai trò của ứng dụng công nghệ được đề cao nhằm tạo đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều đến mọi mặt của đời sống xã hội làm thay đổi phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hoá, xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, giúp nước ta nhanh chóng hội nhập kinh tế quốc tế. Ðể thực hiện nhiệm vụ này, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đồng bộ trên các yếu tố con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật…, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, nâng cao nhận thức, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ thông tin của toàn thể cán bộ công chức và nhân dân. Chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế và đòi hỏi toàn cầu. Ðất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên cần có chiến lược phù hợp, kịp thời đối với mục tiêu nhiệm vụ này. Ðề nghị Ðảng và Nhà nước cần có những quyết sách táo bạo, hiệu quả khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Phát huy thế mạnh của lực lượng thanh niên trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ thông tin, trở thành những công dân điện tử góp phần quan trọng vào xây dựng nhanh nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thực hiện phương thức, công cụ quản lý Nhà nước chủ yếu bằng điều tiết gián tiếp, tăng cường hậu kiểm; giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp. Ðẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, phục vụ kịp thời và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số./.

Đào Phương Anh
Phòng Thông tin Báo chí xuất bản
(Sở Thông tin và Truyền thông)


 

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com