Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước - Giá trị lý luận và thực tiễn

06:09, 06/09/2020

Thi đua yêu nước là tư tưởng nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm động viên, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn của toàn dân tộc thành những hành động cụ thể, thiết thực, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, giành những thắng lợi quan trọng trong các giai đoạn cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch.  Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Tư liệu

Dấy lên phong trào thi đua

Ngày 11-6-1948, thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về phát động phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Về mục đích của phong trào thi đua yêu nước, Hồ Chí Minh nêu rõ trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”, để nhằm thực hiện “Hạnh phúc cho dân”(1).

Về nội dung thi đua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc chỉ rõ: “Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ quân sự, kinh tế, cho đến chính trị, văn hóa. Đây là sự thể hiện tính toàn diện của cuộc kháng chiến, sâu xa hơn là tính toàn diện của sự nghiệp cách mạng.

Về cách làm, Hồ Chí Minh nêu phương châm: “dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân”. Đó là sự kết hợp giữa huy động sức dân và bồi dưỡng sức dân, huy động sức dân, phát huy tinh thần và lực lượng của dân xét đến cùng là để mang lại hạnh phúc cho dân. Đó cũng là tính nhân văn, triệt để của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đi vào cách làm cụ thể, Hồ Chí Minh nêu lên bổn phận của mỗi người dân yêu nước trong hoạt động thực tiễn, từ các cụ phụ lão, các cháu nhi đồng, những người phú hào, đến công nhân, nông dân, trí thức, nhân viên Chính phủ, bộ đội, dân quân(2), theo tinh thần: “người người thi đua, ngành ngành thi đua”.

Dù công việc hết sức bận rộn, Hồ Chí Minh luôn theo sát thực tiễn phong trào thi đua yêu nước và có những chỉ đạo, uốn nắn kịp thời về nhận thức và cách làm. Người phê bình nhận thức tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày và giải thích, thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy.

Nhắc nhở về khuyết điểm tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời, Hồ Chí Minh nêu rõ, thật ra thi đua là phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được.

Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào.

Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau.

Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã. Chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực.

Với phương châm mang tính phương pháp luận xây luôn luôn gắn liền với chống, Hồ Chí Minh cũng lưu ý, nhắc nhở: “Để phát triển phong trào thi đua, chúng ta phải chống bệnh quan liêu, chống nạn tham ô, lãng phí. Vì bệnh quan liêu sẽ ngăn trở phong trào thi đua, làm nó chậm tiến, và nạn tham ô, lãng phí sẽ làm giảm bớt những kết quả của phong trào thi đua”(3).

Những giá trị to lớn

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước có giá trị hết sức to lớn cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Thứ nhất, đó là sự kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng thi đua của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra cả phong trào thi đua và tinh thần yêu nước đều là những động lực lớn của đất nước và là một bộ phận không thể thiếu góp phần tạo nên nền tảng tinh thần của xã hội. Từ đó, Người nhận rõ tính khả thi cùng sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ giữa phong trào thi đua và tinh thần yêu nước, tạo thành phong trào thi đua ái quốc, thay cho việc chỉ đề cập về thi đua xã hội chủ nghĩa. Người nhấn mạnh: “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(4).

Thứ hai, đó là sự khẳng định, bồi dưỡng, củng cố ý chí, niềm tin của toàn dân tộc vào tương lai tất thắng của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Trong những năm tháng cả dân tộc phải đương đầu với những kẻ địch có sức mạnh kinh tế, quân sự hơn hẳn, sự vững vàng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, ý chí quyết đánh, quyết thắng của vị lãnh tụ Đảng và dân tộc đã truyền sức mạnh của ý chí, niềm tin cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vượt mọi khó khăn, thách thức, quyết bảo vệ nền độc lập, tự do, hạnh phúc của Tổ quốc, dân tộc.

Thứ ba, đó là cách thức hữu hiệu khơi dậy, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn chú trọng khơi dậy, phát huy truyền thống hết sức quý báu này để tạo thành một nguồn động lực mạnh mẽ, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người đã đặt tên phong trào thi đua là phong trào thi đua ái quốc, gắn thi đua với truyền thống yêu nước, tạo nên sức lay động và thuyết phục đối với mỗi người yêu nước.

Thứ tư, đó là sự khởi nguồn của một phong trào hành động thiết thực giúp đào tạo và nhân rộng những con người mới. Phong trào thi đua yêu nước chính là một loại trường học thực tiễn cuộc sống để đào tạo, nhân rộng những con người mới. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lao động sáng tạo xã hội. Thi đua thì cải tạo con người”(5). Từ phong trào thi đua yêu nước của toàn dân, những con người mới, những tấm gương tiêu biểu cho một xã hội mới được hình thành như: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Viết Xuân,... Như Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc”(6). Đó chính là những điển hình tiêu biểu cho nguồn lực con người Việt Nam, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc và dựng xây xã hội mới./.

(1), (2), (3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd.

Theo Báo Nhân Dân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com