(Tiếp theo và hết)
Gắn kết xây dựng nông thôn mới (NTM) với đô thị hóa và tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương của Đảng và được thể hiện tại văn kiện Đại hội Đảng XII, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về xây dựng NTM. Các ngành, các địa phương đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện đại gắn với phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa trong mỗi làng quê, mỗi nếp nhà theo hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh và đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khu thương mại trung tâm xã Trung Thành (Vụ Bản). |
Kỳ II. Giải pháp thúc đẩy đô thị hóa nông thôn
Những vấn đề còn tồn tại
Quá trình đô thị hóa nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại như: Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tuy được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Chất lượng quy hoạch của nhiều địa phương không cao, nhiều xã mới dừng ở quy hoạch chung, thiếu cụ thể, thiếu ăn nhập và chưa phù hợp với quy hoạch chung của huyện; quy hoạch vùng nối liền hệ thống giao thông thủy lợi, cấp thoát nước, môi trường giữa các xã trong huyện chưa thống nhất. Một số khu dân cư tập trung được xây dựng có hạ tầng kỹ thuật đầy đủ nhưng thiếu chợ dân sinh, trường học, cơ sở khám chữa bệnh và các công trình phúc lợi công cộng phụ trợ khác khiến điều kiện sống của người dân chưa thật thuận tiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, nhất là các làng nghề cơ khí, các cụm công nghiệp, các khu dân cư có mật độ chăn nuôi cao. Song song với công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng thì việc thu hút đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ còn hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ, chủ yếu là kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao; công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa đồng đều; giá trị xuất khẩu thấp. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp đạt kết quả chưa cao, chưa có nhiều liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc nông sản giữa doanh nghiệp với người dân. Kinh tế nông nghiệp chưa thực sự phát triển bền vững. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm; việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận dân cư nông thôn còn khó khăn. Ứng dụng công nghệ thông tin tại một số đơn vị còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin đã có để vận hành hiện đại hóa hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó thói quen sinh hoạt, tiêu dùng của người dân vẫn mang nếp cũ chưa thật phù hợp với không gian đô thị hóa.
Giải pháp phát triển đô thị hóa nông thôn bền vững
Mục tiêu đô thị hóa nông thôn giai đoạn tiếp theo là xây dựng NTM đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện đại gắn với phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa trong mỗi làng quê, mỗi nếp nhà theo hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh và đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp đưa ra là tiếp tục tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất với thị trường để hình thành sự liên kết nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ và thị trường ngay trên địa bàn nông thôn và xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở đó, các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp: Phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn; phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa - xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, việc đầu tiên hoàn thiện nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng khu dân cư các xã, thị trấn. Tập trung nguồn lực xã hội hóa để đẩy mạnh xây dựng các đô thị trung tâm huyện và khu dân cư tập trung tạo điểm nhấn cho đô thị. Chú trọng xây dựng đô thị Thịnh Long theo hướng phát triển du lịch, dịch vụ vận tải biển, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Xây dựng đô thị Quất Lâm, Đại Đồng, Giao Phong (Giao Thủy) theo hướng phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội thảo hội nghị, du lịch cộng đồng - làng nghề. Khu đô thị phía tây của tỉnh gồm 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) giữ vai trò là trung tâm thương mại dịch vụ, đầu mối giao lưu trung chuyển hàng hóa cấp vùng và cấp quốc gia; phát ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, nông nghiệp theo công nghệ mới…
Đặc biệt trong xây dựng NTM kiểu mẫu nâng cao các ngành chức năng sẽ hỗ trợ vẽ mẫu sơ đồ quy hoạch cho các hộ dân tiêu biểu ở từng khu dân cư trước khi nhân ra diện rộng. Theo đó mỗi gia đình tự chỉnh trang sân vườn, nhà cửa, khu sản xuất cho khoa học trong sinh hoạt, sản xuất kinh tế hộ gia đình, tạo môi trường sống bền vững, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Để tiếp tục cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, các ngành, các địa phương đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, nhất là các doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng. Coi trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Tập trung phát triển mạnh các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, các kênh bán lẻ tại khu vực nông thôn để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, tạo việc làm tại chỗ và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn, làm tiền đề cho tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế khu vực nông thôn. Đồng thời chính quyền địa phương, các ngành chức năng hỗ trợ đào tạo nghề, kỹ năng phát triển thị trường; tiếp cận nguồn vốn để thúc đẩy phát triển sản xuất, tổ chức các loại hình kinh doanh dịch vụ cung ứng hàng hóa ngay tại địa bàn dân cư. Triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống website, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ đến 100% xã, thị trấn. Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các cơ sở, vùng sản xuất nông nghiệp, cây trồng và tiến tới xây dựng thí điểm xã NTM thông minh kiểu mẫu.
Với những giải pháp trên, cả hệ thống chính trị quyết tâm, xây dựng NTM gắn với đô thị hóa nông thôn với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, kết nối đồng bộ với đô thị và sự phát triển kinh tế, cảnh quan môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc tốt đẹp của nông thôn; người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương