Được nghiên cứu toàn văn Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) đăng trên Báo Nam Định, tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung Dự thảo Báo cáo Chính trị. Dự thảo Báo cáo Chính trị được soạn thảo công phu, phản ánh toàn diện những thành tựu trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, đoàn thể; kinh tế - xã hội - văn hóa, quốc phòng - an ninh cũng như đã đánh giá đúng, đầy đủ những khuyết điểm, hạn chế; chỉ rõ những nguyên nhân cả khách quan và chủ quan của nhiệm kỳ 2015-2020 vừa qua. Tôi cũng hoàn toàn nhất trí với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá được đề ra để thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị, là một công nhân tôi rất phấn khởi trước những kết quả phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh trong nhiệm kỳ qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ngành và các địa phương, các nhà đầu tư. Trong đó tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 13,7%/năm, đạt chỉ tiêu đề ra. Đó là nền tảng quan trọng đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Với 6 nhà máy (trong đó có 4 nhà máy Dệt, Tẩy nhuộm, May hoàn tất I và Sợi CD tại địa bàn thành phố Nam Định; 2 nhà máy Sợi OE và May hoàn tất II ở xã Minh Tân (Vụ Bản)); bình quân mỗi tháng sản xuất được từ 200-250 tấn khăn (tương đương 5 triệu chiếc), 150-180 tấn sợi CD, 350-400 tấn sợi OE xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Trung Quốc..., tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân lao động Công ty CP Dệt may Sơn Nam chúng tôi tự hào đóng góp một phần vào kết quả tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trong 5 năm qua.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, tôi mong muốn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất công nghiệp của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp chủ lực như Công ty CP Dệt may Sơn Nam phát triển toàn diện sản xuất, kinh doanh. Trong đó đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ về mặt bằng, thuế, đào tạo nghề, thủ tục hành chính; công nghiệp hỗ trợ... để Công ty có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển thị trường xuất khẩu mới. Từ đó góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập và chế độ cho những công nhân trực tiếp sản xuất. Bên cạnh đó, đề nghị tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách quan tâm đảm bảo việc làm, thu nhập của công nhân lao động; để từng cá nhân người lao động chúng tôi được đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn trong tương lai./.
Lã Thị Thúy
Đảng viên, công nhân KCS,
Nhà máy May hoàn tất I, Công ty CP Dệt may Sơn Nam