Phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, khơi dậy truyền thống văn hóa của vùng đất Thiên Bản

06:07, 14/07/2020

Phạm Văn Quyết
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch HĐND huyện Vụ Bản

Với chủ đề “Phát huy sức mạnh đoàn kết của Đảng bộ và hệ thống chính trị; tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh sáng tạo trong phát triển kinh tế, đưa Vụ Bản trở thành một trọng điểm công nghiệp của tỉnh; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa quê hương; xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vụ Bản lần thứ XXII sẽ là hoạt động chính trị quan trọng, tạo tiền đề, sức bật mới cho nhiệm kỳ tiếp theo.

Nhìn lại chặng đường 5 năm qua có thể thấy, Ðảng bộ, quân và dân toàn huyện Vụ Bản đã nỗ lực triển khai, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng hướng. Các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của vùng đất Thiên Bản tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Từ ý chí, khát vọng, sức mạnh đoàn kết toàn dân, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, năm 2018 huyện Vụ Bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tạo nền tảng và tiền đề vững chắc cho kinh tế - xã hội của huyện phát triển toàn diện, bền vững. Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay toàn huyện đã quy hoạch 1.253 vùng sản xuất; chuyển đổi 264ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây rau màu. Xây dựng “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết”, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ðề án khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả; hình thành 46 mô hình có diện tích 2ha trở lên, 7 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng lên 75% diện tích; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10% so với năm 2015. Huyện đã đầu tư, kiên cố hoá các công trình thuỷ lợi; đào đắp, nạo vét kênh mương; cơ giới hóa 95% các khâu trong sản xuất lúa. Trong nhiệm kỳ qua, các địa phương chỉ đạo giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Hiện toàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi VietGAP. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2020 đạt 13.500 tấn, vượt chỉ tiêu đề ra. Nuôi trồng thủy sản chuyển sang thâm canh với các vùng nuôi tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác.

Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, BCH Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/HU về tập trung lãnh đạo xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân. Huyện đã xác định rõ lộ trình, bước đi cụ thể; chọn và triển khai thành công khâu đột phá là dồn điền, đổi thửa và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn. Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò chủ thể của người dân, vận động nhân dân góp đất, hiến đất, tự tháo gỡ công trình, tham gia giải phóng mặt bằng, nâng cấp đường giao thông, làm thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương; sử dụng nước sạch; xử lý rác thải, giữ gìn, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan, trồng các tuyến đường hoa; củng cố các thiết chế văn hoá cơ sở luôn được chú trọng... Tổng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt 2.392,5 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân tự nguyện đóng góp là 455,8 tỷ đồng, chiếm 19%. Nhân dân góp và hiến 298ha đất và 148 nghìn ngày công lao động. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được nhiều nguồn lực, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Năm 2018, huyện Vụ Bản được Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng là thế mạnh của huyện. Trong nhiệm kỳ qua, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất. Triển khai xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Côi, diện tích 50ha. Khu công nghiệp Bảo Minh trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh, quy mô 215ha; hiện nay đã được Chính phủ quyết định cho mở rộng thêm 50ha; đang có 13 nhà đầu tư thứ cấp với 14 dự án, tổng vốn đầu tư 11.800 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 14 nghìn lao động. Huyện đã chỉ đạo tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp tập trung xã Quang Trung, Trung Thành và các điểm công nghiệp tại các xã Hiển Khánh, Minh Tân, thị trấn Gôi, Thành Lợi… Các doanh nghiệp, 9 làng nghề và 5.400 cơ sở sản xuất đang giải quyết việc làm cho hơn 25 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 26,34% mỗi năm. Tập trung đầu tư nâng cấp và xây dựng mới cơ bản hệ thống giao thông huyết mạch, hạ tầng đô thị và nông thôn. Hoàn thành dự án đường Chợ Lời - Ðại Thắng; đường phòng chống lụt bão, đảm bảo an ninh quốc phòng. Các công trình đã và đang hoàn thành gồm dự án nâng cấp đường từ Quốc lộ 21 đi Quốc lộ 38B đến tỉnh lộ 486B; đường Cầu Họ - Hạnh Lâm; dự án cải tạo nâng cấp các tuyến đường Vĩnh Hào - Yên Lương, đường Liên Bảo, đường Hiển Khánh - Minh Thuận... Các dự án trọng điểm về giao thông sau khi hoàn thành đã góp phần làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tổng vốn đầu tư xây dựng giai đoạn 2016-2020 đạt 2.471,2 tỷ đồng.

Ðến nay toàn huyện có 15 khu xử lý rác thải tập trung, trong đó có 8 lò đốt rác. 100% dân số dùng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý đạt 89,1%.

Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). Ảnh: Xuân Thu
Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). Ảnh: Xuân Thu

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được chú trọng, phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt chất lượng cao và vững chắc. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đạt 99-100%. Số học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT; thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh. Lần đầu tiên Vụ Bản có học sinh đạt Huy chương Bạc hóa học quốc tế. Công tác quản lý và tổ chức các lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là Lễ hội Phủ Dầy, Chợ Viềng Xuân. Nhiều lễ hội làng được phục dựng, phát triển theo hướng kết hợp truyền thống với hiện đại. “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; từ đó tiếp tục quảng bá, tôn vinh các giá trị đặc sắc của di sản văn hóa, hình ảnh vùng đất Thiên Bản giàu truyền thống văn hóa, cách mạng đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế...

Công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng. Các đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu học tập nghị quyết; học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thông tin thời sự, chính sách; tình hình biển, đảo… được triển khai sâu rộng, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, đổi mới và sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Ðảng (khóa XII) được thực hiện hiệu quả. Vụ Bản đã tiến hành sắp xếp kiện toàn lại bộ máy của 13 cơ quan, đơn vị sự nghiệp cấp huyện (giảm 6 đầu mối); 14 trường học thuộc huyện (giảm 8 đầu mối); 9 tổ chức cơ sở Ðảng (giảm 8 đầu mối)... là đơn vị đi đầu trong toàn tỉnh thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được tập trung chỉ đạo thực hiện. Ðầu nhiệm kỳ, Ðảng bộ huyện có 64 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 6.360 đảng viên, qua thực hiện việc sáp nhập, thành lập mới, Ðảng bộ huyện hiện có 56 tổ chức cơ sở đảng, với trên 6.600 đảng viên. Thực hiện bộ tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ đã góp phần đưa việc đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đi vào thực chất hơn. Hàng năm, có 95% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; có 87% đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Như vậy có thể thấy, nhiệm kỳ 2015-2020, Ðảng bộ, quân và dân toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Kinh tế - xã hội phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,4 lần mức bình quân giai đoạn 2010-2015. Các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của vùng đất Thiên Bản tiếp tục được gìn giữ và phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phát huy kết quả đã đạt được, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Vụ Bản tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Ðảng và đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác lập các quy hoạch và quản lý, thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt để phục vụ tốt cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: quy hoạch vùng huyện; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch nông thôn mới các xã, thị trấn, quy hoạch thị trấn Gôi; quy hoạch chi tiết quần thể khu di tích văn hóa Phủ Dầy; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn… Phát huy sức sáng tạo, huy động nguồn lực từ các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, sáng - xanh - sạch - đẹp. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để tích tụ ruộng đất, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðẩy mạnh cải cách hành chính đi đôi với xây dựng chính quyền điện tử. Tạo điều kiện tối đa cho việc xúc tiến và thu hút đầu tư; nhất là thu hút phát triển công nghiệp để xây dựng huyện trở thành một trọng điểm công nghiệp của tỉnh. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Tập trung tuyên truyền quảng bá những giá trị truyền thống tốt đẹp của vùng đất Thiên Bản, xây dựng kế hoạch khai thác tốt các giá trị của di sản phi vật thể, di tích lịch sử văn hóa hiện có trên địa bàn. Khai thác mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên cho phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tiếp tục củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, tạo môi trường ổn định, an toàn cho kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng huyện Vụ Bản ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com