Hai sinh nhật đặc biệt của Bác Hồ

08:05, 15/05/2020

Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác Hồ, có hai lần kỷ niệm sinh nhật Bác thật đặc biệt. Đó là lần kỷ niệm sinh nhật đầu tiên, ngày 19-5-1946, Bác chủ động tổ chức và lần sinh nhật cuối cùng, ngày 19-5-1969, Bác miễn cưỡng đồng ý, trước đề nghị thiết tha của Trung ương và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Bác Hồ nhận hoa chúc thọ của đại biểu quân đội, ngày 11-5-1969. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ nhận hoa chúc thọ của đại biểu quân đội, ngày 11-5-1969. Ảnh: Tư liệu

Lần kỷ niệm Sinh nhật đầu tiên

Tháng 5-1946, Bác Hồ 56 tuổi. Vào lúc đó, Bác đã là Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Chính phủ liên hiệp do Bác đứng đầu với sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, một chính phủ hành động vì dân, với nhiều gương mặt sáng giá của các vị bộ trưởng thực đức, thực tài do Bác giới thiệu, được toàn dân tín nhiệm và ủng hộ.

Nền móng của chính thể cộng hòa dân chủ mới chỉ bắt đầu được xây dựng. Đất nước còn vô cùng khó khăn, thù trong giặc ngoài liên kết với nhau ra sức phá hoại công cuộc kiến thiết chế độ mới. Từ ngày 23-9-1945, đồng bào Nam Bộ chưa một ngày được hưởng cuộc sống hòa bình đã phải đứng lên kháng chiến chống thực dân xâm lược. Thực dân Pháp với dã tâm xâm lược đang lăm le cướp nước ta một lần nữa. Với tầm nhìn xa trông rộng, Bác trù tính phương châm hành động của Quốc hội, của Chính phủ là lãnh đạo toàn dân tranh thủ tối đa thời gian hòa bình để xây dựng đất nước, chuẩn bị kháng chiến lâu dài, vừa kiến quốc vừa kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tình hình hết sức khẩn trương. Cuối tháng 5-1946, Bác lên đường đi thăm nước Pháp, là thượng khách của Chính phủ Pháp. Đó là cuộc đi dài ngày, không đơn thuần là thăm viếng ngoại giao mà là một cuộc đấu trí, đấu lực hết sức căng thẳng để cứu vãn một nền hòa bình đang rất mong manh.

Trong bối cảnh đó, trước khi rời Thủ đô Hà Nội đi Pháp, dự kiến đã định vào ngày 31-5-1946, Bác chủ động tổ chức sinh nhật, cho mời đông đảo đại biểu các giới, các ngành và đại biểu đồng bào Thủ đô tham dự. Bác cũng đã cân nhắc mọi nhẽ để đi tới một quyết định sáng suốt, trao quyền Chủ tịch nước, thay mặt Bác điều hành chính sự khi Bác đi vắng cho một nhân sĩ trí thức ngoài Đảng. Đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng, người có học vấn uyên thâm, có đạo đức trong sáng, mang nhân cách của người ái quốc - ái dân.

Hồi đó, dù nước nhà đã độc lập nhưng cuộc sống của nhân dân vẫn còn thiếu thốn, kham khổ mọi bề. Vị chủ tịch còn ở trong gian phòng giản dị, đồ đạc cũng đơn sơ, chẳng chút nào cao sang quyền quý. Vì Bác mời rất đông khách nên phải trải chiếu dưới sàn nhà cho có đủ chỗ ngồi. Bác cũng ngồi xuống cùng các cụ cao niên, quây quần giữa mọi người, thân mật như trong một gia đình. Không hề có khoảng cách giữa lãnh tụ với dân thường. Bác còn bảo các chiến sĩ cảnh vệ:

- Chú nào nhà gần đây, tranh thủ về nhà, mời thêm mọi người đến dự với Bác cho đông vui.

Không thể nói hết nỗi vui mừng, xúc động của mọi người khi được dự sinh nhật Bác hôm ấy. Từ đó trở đi, chúng ta mới biết ngày 19-5 là ngày sinh của Bác, vì thấy Bác đứng ra tổ chức. Ai cũng đinh ninh như thế. Bác tươi cười cảm ơn mọi người đã đến dự ngày vui của mình. Bác chúc tất cả đại biểu mạnh khỏe, hăng hái tham gia việc nước, đoàn kết, đồng tâm nhất trí trong mọi công việc kiến quốc, bảo vệ nền độc lập và Nhà nước cộng hòa dân chủ non trẻ vừa mới ra đời. Buổi lễ mừng sinh nhật Bác ngắn gọn, giản dị vậy thôi nhưng để lại trong lòng dân ấn tượng sâu sắc. Đó thực sự là buổi gặp mặt đoàn kết, biểu thị sức mạnh toàn dân bên cạnh lãnh tụ kính yêu của mình. Bác là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để kẻ thù đang có dã tâm cướp nước ta và những thế lực đen tối đang rắp tâm phá hoại thấy rõ sức mạnh Việt Nam. Đó là lý do duy nhất giải thích vì sao Bác Hồ chủ động tổ chức sinh nhật.

Trong cuộc đời, Bác chỉ duy nhất làm sinh nhật một lần. Về sau Bác không cho làm nữa. Bác dặn đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác:

- Sắp đến sinh nhật Bác rồi, chú bố trí cho Bác đi công tác, đi xa Hà Nội, càng xa càng tốt. Bác không muốn có những buổi chúc tụng theo nghi lễ, tốn kém lãng phí.

Còn chúng ta vẫn tổ chức sinh nhật Bác là do Bác nể, trước những lời đề nghị thiết tha của mọi người.

Lần kỷ niệm sinh nhật đầu tiên của Bác còn có ý nghĩa đặc biệt ở chỗ, hóa ra Bác làm sinh nhật cho Mặt trận mà nào ta có hay. Khi biết được ý nghĩa sự kiện này, nhiều người mới ngộ ra rằng, Bác đã hóa thân vào dân tộc từ ngày ấy. Cuộc sống của Bác hòa trong cuộc sống của dân, cùng dân suốt đời lo toan việc nước và cả vận nước nữa.

Nhớ lại lịch sử, ngày 19-5-1941 tại Pác Bó, Cao Bằng, Bác đã cùng Trung ương Đảng quyết định thành lập “Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh”, gọi tắt là “Việt Minh”. Tờ báo Việt Nam độc lập do Bác trực tiếp chỉ đạo, viết bài, cổ động toàn dân đọc báo. Nhờ sáng kiến thành lập Mặt trận Việt Minh mang sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà dẫn tới Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cảm động hơn nữa là bức thư Bác cảm ơn đồng bào sau sinh nhật 19-5-1946. Trong thư, Bác viết đại ý: Tôi nhận được nhiều thư và điện thăm hỏi, chúc mừng sinh nhật của các giới đồng bào, của các bạn quốc tế. Tôi rất cảm động và xin có lời cảm ơn chung.  Tôi biết lấy gì để đền đáp tấm lòng của đồng bào. Tôi chỉ xin hứa với toàn quốc đồng bào sẽ đem hết sức mình cùng đồng bào phấn đấu, hy sinh đến cùng cho độc lập, tự do của nước nhà và hạnh phúc của toàn dân ta. Bác nói với đồng bào những lời chân thành tự đáy lòng: “Năm nay, tôi mới 56 tuổi, chưa đến cái tuổi để đồng bào chúc thọ đâu. Từ trước tới giờ, tôi đã là người của đồng bào, thì từ giờ về sau, tôi mãi mãi vẫn là người của đồng bào”. Quả thật là khó tìm thấy một lãnh tụ nào trong hàng ngũ các vĩ nhân của thế giới này nói với dân thành thật như thế, gắn bó máu thịt với dân, sống vì dân như thế - như Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta.

Sinh nhật Cuối cùng, ngày 19-5-1969

Ngày 19-5-1969, Bác tròn 79 tuổi. Vào ngày này, Bác sửa “Di chúc” lần cuối cùng. Sức khỏe của Bác ngày một giảm sút. Bác đã yếu nhiều nhưng trí óc vẫn rất minh mẫn, sáng suốt.

Mùa xuân năm 1969, trong Tết Kỷ Dậu, Bác vẫn có thư chúc mừng năm mới tới đồng bào, chiến sĩ cả nước và có thơ mừng năm mới như thường lệ. Đây cũng là lần cuối cùng Bác làm thơ chúc Tết. Bài thơ sáu câu giản dị và cực kỳ sâu sắc, thể hiện niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, tình cảm đằm thắm của Bác đối với quân và dân ta. Bài thơ cũng kết tinh tư tưởng - đạo đức - phong cách của Người. Bác viết:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào

Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn.

Cũng dịp đầu năm ấy, Bác đón và tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc do bác sĩ Phùng Văn Cung làm trưởng đoàn. Ôm hôn bác sĩ trưởng đoàn và các đại biểu, Bác rất xúc động, mắt như ngấn lệ. Bác nói:

- Với miền Nam, dẫu có nói trăm câu, ngàn vạn câu vẫn là không đủ. Hôm nay gặp các vị ở đây, tôi chỉ xin nói một câu:

Bao giờ Nam - Bắc một nhà

Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng.

Biết rõ tình trạng sức khỏe của mình và một lòng thương nhớ đồng bào đang ngày đêm chiến đấu gian khổ hy sinh, Bác nhất định không cho làm sinh nhật. Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Trung ương xin phép tổ chức sinh nhật cho Bác và cũng xin phép để sang năm, tức là năm 1970 sẽ chúc thọ Bác tròn tuổi 80. Bác không đồng ý. Người nói một câu cảm động:

- Bác cảm ơn các chú nhưng Bác đề nghị đừng tổ chức sinh nhật Bác nữa. Bác chẳng biết còn được bao lâu nữa đâu. Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng.

Đồng chí Lê Duẩn thưa với Bác:

- Xin Bác nghĩ lại. Ngoài Bác ra còn có Trung ương, có Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các vị đại sứ các nước đang mong chờ được chúc thọ Bác. Bác không cho làm thì biết tính sao?

Nể lòng mọi người, nhất là nghĩ tới miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác đành miễn cưỡng đồng ý. Bác nói với đồng chí Lê Duẩn mà Bác vẫn thân mật gọi là “chú Ba”:

- Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi.

Bác cẩn thận nói thêm:

- Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi.

... Có đọc “Di chúc” của Bác mới thấu hiểu tâm trạng, nỗi lòng của Bác. Bác đau tim rất nặng. Vào cuối đời, nhiều bệnh tình của Bác tái phát. Nhịp tim và huyết áp không ổn định. Ở đời, “sinh có hạn, tử bất kỳ”, có ai mà nói trước được điều gì. Bác dặn “làm thật nhanh cho Bác, đừng kéo dài” là vì thế. Trong lần sinh nhật cuối cùng ấy, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:

- Chú Kỳ xem có gì để Bác tiếp khách không?

Ông Vũ Kỳ lui vào phòng trong, căn nhà sàn đơn sơ chỉ có hai phòng nhỏ, chuẩn bị pha nước trà và ít bánh kẹo mang ra để Bác tiếp Trung ương. Bác nói một câu mà ai cũng muốn khóc vì thương Bác vô cùng:

- Các chú uống nước, ăn bánh kẹo và chúc thọ Bác đi. Nhớ lấy phần về cho các thím và các cháu.

Và, Bác còn nói: “Bác mong các chú thông cảm cho Bác, mang tiếng là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước nhưng Bác nghèo lắm, chẳng có gì hơn để thiết đãi các chú đâu”. Chữ “nghèo” ấy theo đúng nghĩa đen, trực tiếp. Bác không có gì cho riêng mình, chỉ có trí tuệ, tâm hồn, đạo đức cao cả, Bác dâng hiến trọn vẹn, toàn vẹn cho dân, cho nước./.

GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên
Hội đồng Lý luận Trung ương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com