Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975

09:04, 29/04/2020

Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG
Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương,
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Đại thắng mùa Xuân 1975 được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) đã khẳng định: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta”, mà “trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng”.

Đặc điểm nổi bật của cách mạng Việt Nam sau Hiệp định Geneva năm 1954 là đất nước tạm thời chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Miền Bắc hoàn toàn độc lập, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Miền Nam bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đặt ách thống trị, nhân dân bị kìm kẹp, đàn áp rất tàn bạo. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1-1959), tiếp sau đó là Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam là giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: “Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau”. Với đường lối đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã động viên được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của thời đại, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trước hết là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đặc biệt là sự đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia), tạo nên sức mạnh tổng hợp để từng bước đánh thắng kẻ thù.

Sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng trong Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 thể hiện những nội dung chính sau đây:

Một là, Đánh giá đúng tình hình, nắm vững thời cơ, hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam chính xác.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, quân Mỹ và chư hầu buộc phải rút khỏi Việt Nam nhưng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ vẫn tiếp tục. Mỹ sử dụng chính quyền và quân đội Sài Gòn làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới, tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, buộc quân và dân ta phải đánh trả để bảo vệ vùng giải phóng, giữ vững hiện trạng. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 (khóa III) chỉ rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”. Phương hướng chủ động tích cực, có lợi nhất cho sự nghiệp cách mạng của cả nước trong giai đoạn này là luôn luôn giương cao ngọn cờ hòa bình và chính nghĩa, đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao, buộc địch phải thi hành hiệp định để thắng địch. Đồng thời hội nghị xác định: “Chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn”.

Nghị quyết Trung ương 21 (Khóa III) của Đảng đã chỉ đường, dẫn lối cho sự nghiệp giải phóng miền Nam Việt Nam liên tiếp giành được thắng lợi, cục diện chiến trường chuyển biến nhanh về chiến lược, tạo bước ngoặt căn bản về tương quan so sánh giữa lực lượng giữa ta và địch, dẫn tới Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975.

Hội nghị Bộ Chính trị họp lần thứ nhất từ ngày 30-9-1974 đến 8-10-1974; lần thứ hai từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975, trên cơ sở nắm chắc, đánh giá đúng tình hình thế giới, trong nước, nhất là so sánh lực lượng ta - địch, điểm mạnh và điểm yếu của chính quyền Sài Gòn sau khi đế quốc Mỹ rút quân khỏi miền Nam và khả năng của ta… đã hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976); đồng thời xác định nhiệm vụ: Nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Theo dõi sự phát triển cực kỳ mau lẹ của tình hình, Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có những quyết định kịp thời khi thời cơ mới xuất hiện, chuyển kế hoạch cơ bản giải phóng miền Nam từ hai năm (1975-1976) lúc đầu, sang kế hoạch rút xuống còn một năm rồi quyết định kết thúc trước mùa mưa năm 1975. Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường miền Nam, đánh tan toàn bộ ngụy quân với số lượng hơn một triệu tên và bộ máy ngụy quyền Sài Gòn, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Hai là, Chọn đúng hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu, làm thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh, theo hướng có lợi cho ta.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh, việc chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng (nhất là kinh nghiệm qua Chiến dịch Biên giới 1950; tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954; Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; tiến công chiến lược 1972...) cho thấy, chọn đúng hướng, mục tiêu chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường, hình thành thế và lực mới, tạo ra bước ngoặt của chiến tranh. Thắng trận mở đầu có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra khí thế, niềm tin, thúc đẩy sự phát triển của chiến tranh và là đòn đánh mạnh vào ý chí, tinh thần quân địch, dẫn tới sự suy sụp, tan rã, thất bại của chúng.

Đầu năm 1975, sau thắng lợi giải phóng tỉnh Phước Long, Bộ Chính trị và Thường vụ Quân ủy Trung ương quyết định chọn hướng tiến công chính là nam Tây Nguyên, mục tiêu chủ yếu, trận mở đầu là đánh và giải phóng Buôn Ma Thuột. Quyết định này của Đảng được hình thành trên cơ sở phân tích khoa học so sánh thế và lực giữa ta và địch, xu thế phát triển của tình hình trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, căn cứ vào sự bố trí lực lượng và âm mưu chiến lược của Mỹ - ngụy trên chiến trường và kết quả công tác chuẩn bị của ta trong hai năm 1973-1974. Vào đầu năm 1975, do phán đoán sai lầm kế hoạch của ta, Mỹ - ngụy không thay đổi thế bố trí chiến lược mạnh ở hai đầu là Trị Thiên (quân khu I của địch) và miền Đông Nam Bộ (quân khu III của ngụy). Ở Tây Nguyên, nhờ tài năng nghi binh chiến lược và khả năng giữ bí mật của quân và dân ta, địch mắc sai lầm khi nhận định nếu ta tấn công Tây Nguyên thì sẽ tấn công từ hướng Bắc xuống, nên đã tập trung lực lượng vào khu vực phòng thủ chính ở Pleiku và Kon Tum. Buôn Ma Thuột là vị trí hiểm yếu, địch yếu và phòng thủ sơ hở. Chọn Nam Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột làm hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng ta về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, chiến dịch trong chiến tranh.

Đòn điểm huyệt Buôn Ma Thuột và chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên làm xuất hiện nhân tố mới, trực tiếp làm xoay chuyển cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho ta, đưa chiến tranh cách mạng ở miền Nam phát triển nhảy vọt. Kể từ đây, với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy Trung ương, việc lựa chọn hướng, mục tiêu chủ yếu trong tất cả các chiến dịch để đi đến ngày toàn thắng đều chính xác. Ngay khi Chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, Bộ Chính trị đã kịp thời chỉ đạo mở các mũi tiến công vào quân khu I của địch lúc đó đã bị cô lập, nhằm vào mục tiêu quan trọng là Huế và Đà Nẵng. Điện của Bộ Chính trị ngày 1-4-1975 chỉ đạo rõ: “Trước mắt, như trước đã định, nay cần làm nhanh hơn, gấp rút tăng thêm lực lượng ở hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn Đường số 4 và áp sát Sài Gòn. Đồng thời, nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng đông và đông - nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây, cô lập hoàn toàn Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa - Vũng Tàu”. Sau khi lực lượng địch ở quân khu I, quân khu II bị loại khỏi vòng chiến đấu, cùng với những hoạt động của quân và dân ta ở quân khu III, quân khu IV của địch đã được đẩy mạnh, địch bị tiêu diệt và tan rã hàng chục vạn quân; trên đà thắng lợi, lực lượng của ta ngày càng mạnh, thế trận vững chắc... Tình hình đó đã chín muồi để ta mở trận quyết chiến chiến lược tại Sài Gòn - Gia Định, sào huyệt cuối cùng của địch.

Ba là, Tổ chức và từng bước đưa cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao, tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo đối phương trong chiến dịch quyết chiến chiến lược, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã tổ chức và từng bước đưa cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao; thực hiện toàn dân đánh giặc, không phân biệt tiền tuyến, hậu phương. Điều đó đã động viên và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp; sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc vừa chiến đấu, xây dựng, vừa chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, kết hợp với sức mạnh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam trực tiếp trên tuyến đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Đảng ta đã kiên định và vận dụng sáng tạo quan điểm về con đường cách mạng miền Nam phải là con đường cách mạng bạo lực, với hai lực lượng cơ bản: Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng; đánh địch bằng ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị, binh vận; trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, thực hiện đánh địch trên mọi quy mô: Đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ của lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích); thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, cũng như trong từng chiến dịch, ta đã quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng phương pháp tác chiến, hình thức tác chiến hết sức linh hoạt, táo bạo, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nên đã đạt hiệu suất, hiệu quả chiến đấu cao. Chúng ta đã phát triển lên một bước mới cách đánh truyền thống của chiến tranh nhân dân: Kết hợp tiến công và nổi dậy; kết hợp, phối hợp tác chiến của lực lượng vũ trang ba thứ quân; kết hợp cả đánh lớn, đánh vừa và đánh nhỏ... Ta đã mở những chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, quan hệ chặt chẽ với nhau, theo ý định chiến lược thống nhất: Thực hiện chia cắt, bao vây, phá vỡ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch, tiêu diệt và làm tan rã bộ phận lớn quân địch, kết hợp với tiến công rộng khắp ở quy mô vừa và nhỏ của lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy mạnh mẽ giành quyền làm chủ của quần chúng.

Trong các chiến dịch tiến công, ta đã vận dụng linh hoạt phương pháp tác chiến và các hình thức, thủ đoạn tác chiến: Tiến công trận địa, bao vây, chia cắt, đột phá thọc sâu... làm cho địch liên tiếp bị bất ngờ về nhiều mặt, không thể đối phó như ở Tây Nguyên; khi thì bị bất ngờ về cách đánh như ở Huế, hoặc thời gian tiến công rất nhanh như ở Đà Nẵng; khi thì bị bất ngờ cả về thời gian, tốc độ tiến công và quy mô tập trung lực lượng của ta như Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nhưng trên hết, cả bộ máy chiến tranh của Mỹ - ngụy đều bị bất ngờ khi ta tổ chức cuộc Tổng tiến công chiến lược. Đối phương cho rằng ta chưa đủ khả năng mở cuộc Tổng tiến công chiến lược vào năm 1975. Đây là điểm mấu chốt khiến chúng hoàn toàn bị động về chiến lược, nên thất bại là tất yếu.

Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 là đỉnh cao của sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công nhằm đánh bại và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, có lợi nhất, thể hiện nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và tài thao lược quân sự sắc bén, sáng tạo, táo bạo mà đúng đắn của Đảng ta. Sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực và nổi dậy của quần chúng được kết hợp chặt chẽ, hiệu quả trong suốt cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975. Những đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực, bằng một loạt trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh thẳng vào các thành thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch, tiêu diệt, làm tan rã lực lượng lớn và gây cho chúng hoang mang tột độ đã tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở địa phương, để giành quyền làm chủ. Sự nổi dậy mạnh mẽ của lực lượng quần chúng đông đảo trên nhiều địa bàn từ nông thôn đến thành thị, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực cả về thế, lực và điều kiện để nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch; đồng thời, tạo điều kiện để tập trung lực lượng vào những mục tiêu chủ yếu của cuộc tổng tiến công chiến lược.

Chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh từ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy Chiến dịch đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh, khẳng định đây là “một chiến dịch tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn, có kết hợp với nổi dậy của quần chúng kết thúc chiến tranh”. Năm cánh quân tiến vào Sài Gòn có lực lượng tương đương 5 quân đoàn binh chủng hợp thành, cùng với lực lượng hậu cần phục vụ chiến dịch hùng hậu 18 vạn người tạo nên một thế trận với sức mạnh áp đảo hoàn toàn, bảo đảm thắng lợi chắc chắn, nhanh chóng và trọn vẹn. Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đã điều động 1.700 cán bộ vào các quận nội thành và các xã vùng ven đô cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động quần chúng nổi dậy, phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực. LLVT của thành phố với 2 trung đoàn, 5 tiểu đoàn bộ binh, đặc công biệt động và 3.500 du kích, tự vệ ráo riết chuẩn bị phương án chiến đấu phối hợp và dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực đánh chiếm các mục tiêu. Các đoàn thể nhân dân bí mật may cờ, in truyền đơn, viết khẩu hiệu chào đón bộ đội. Nắm vững tư tưởng chỉ đạo và nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã biểu thị sự nhất trí rất cao trong hành động, muôn người như một, đập tan mọi sự kháng cự của địch, giành thắng lợi hoàn toàn.

Rõ ràng sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. Tập trung, thống nhất, trách nhiệm, kỷ luật, thần tốc, táo bạo là nét nổi bật trong sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm giành thắng lợi cuối cùng. Đại thắng mùa Xuân 1975 mãi mãi là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 để lại ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm đó để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Theo QĐND

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com