Đinh Đức Tuyến
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy,
Chủ tịch HĐND huyện Ý Yên
Cuối tháng 5-2019, sau một chặng đường nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ý Yên vui mừng, phấn khởi đón nhận tin vui, Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Huyện Ý Yên khi bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn như: tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn khá cao, hệ thống đường giao thông thôn xóm, liên xã, hệ thống thủy lợi bị xuống cấp, phải đầu tư chi phí lớn để cải tạo, nâng cấp trong khi nguồn thu ngân sách thấp; kiến trúc cảnh quan nông thôn kiểu làng cổ nên khó khăn trong vận động người dân chỉnh trang, cải tạo cảnh quan. Đổi lại, huyện có những lợi thế về vị trí địa lý và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống có tiềm năng phát triển mạnh, đảm bảo giải quyết việc làm, tăng thu nhập và thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đổi thay ở huyện Ý Yên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thanh Thúy |
Để chỉ đạo, động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư khắc phục khó khăn, phát huy nội lực thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về xây dựng nông thôn mới. Huyện tập trung củng cố, xây dựng, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền; đề cao vai trò tiền phong gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới với các chương trình hành động, công trình, phần việc cụ thể. Công tác tuyên truyền, vận động được đổi mới, đẩy mạnh giúp người dân hiểu những giá trị được hưởng lợi sau đầu tư xây dựng nông thôn mới, từ đó, đồng thuận chung sức thực hiện nhiều phần việc quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới như: góp tiền, góp đất, góp ngày công để mở rộng, nâng cấp các công trình hạ tầng; thực hiện dồn điền đổi thửa; thành lập, duy trì các mô hình nhân dân tự quản trong bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự; giám sát đầu tư cộng đồng... Giai đoạn 2010-2018, tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới của huyện là hơn 3.757 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn doanh nghiệp đóng góp trên 350 tỷ đồng, chiếm 9,3%; nguồn vốn nhân dân đóng góp trên 443 tỷ đồng, chiếm 11,8%. Từ các nguồn lực huy động, huyện đã tập trung cải tạo, nâng cấp các kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh và các công trình cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường nông thôn. Các xã đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 211,37km đường liên xã, trục xã; 591,47km đường trục thôn, xóm; 503km đường trục chính nội đồng; cải tạo, nâng cấp cơ bản cầu, cống dân sinh. 100% số km đường thôn/xóm được cứng hóa đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa, các tuyến đường có chiều rộng nền đường đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải. Toàn huyện kiên cố hóa được 36,3/37,5km đê sông, 284,92km kênh mương nội đồng, trên 40km kênh cấp III, đảm bảo tốt công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai trên địa bàn; cải tạo, nâng cấp được tổng số 100% chợ nông thôn đạt chuẩn, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, thúc đẩy thương mại dịch vụ, kinh tế - xã hội phát triển và giữ gìn nét đẹp của phiên chợ vùng nông thôn. Hệ thống viễn thông, thông tin di động phủ sóng rộng khắp ở 32/32 xã, thị trấn với hệ thống internet băng thông rộng và đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc hiện đại của người dân cũng như việc xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, vì nhân dân và doanh nghiệp. Đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của người dân, từ năm 2011-2016, huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây mới 277 nhà văn hóa và 188 sân thể thao thôn, xóm với tổng kinh phí ước tính đạt 130,865 tỷ đồng; trong đó có 28,33 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước, còn lại là kinh phí xã hội hóa. Bình quân đầu tư xây dựng từ 150 triệu đến trên 1 tỷ đồng/công trình. Đến nay, 31/31 xã có nhà văn hóa trung tâm được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ các hoạt động cộng đồng. Các công trình hạ tầng giáo dục được quan tâm đầu tư, nâng cấp giúp huyện đạt tỷ lệ 100% trường học có cơ sở vật chất thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho con em trong huyện.
Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện Ý Yên xác định phát huy tối đa các lợi thế về vị trí địa lý và truyền thống ngành nghề phát triển sản xuất, tạo việc làm giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện ưu tiên khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi, trong đó đã quy hoạch ổn định các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô từ 30-100ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm, xây dựng 14 mô hình chuỗi liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực. Huyện tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang gia trại, trang trại tập trung quy mô nhỏ và vừa, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện, toàn huyện có 88 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó chủ yếu là trang trại chăn nuôi. Giá trị sản lượng hàng hóa của các trang trại bình quân đạt 2,1-2,5 tỷ đồng/trang trại/năm. Trên địa bàn huyện đã hình thành được 23 vùng nuôi trồng thủy sản diện tích từ 8ha trở lên tập trung ở xã Yên Nghĩa, Yên Thọ, Yên Khánh, Yên Hưng, Yên Phong, Yên Hồng, Yên Bằng; có 36 vùng nuôi thủy sản tập trung mới phát triển với quy mô từ 10ha trở lên. Bên cạnh đó, huyện chú trọng khai thác lợi thế là địa phương có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp địa phương đã có kinh nghiệm, mối giao kết lâu năm với nhiều bạn hàng trên toàn quốc để đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp. Hiện nay, trong tổng số 19 làng nghề, có nhiều làng nghề truyền thống như các làng nghề đúc đồng Thị trấn Lâm, đúc đồng Tống Xá, mộc và chạm khắc La Xuyên (Yên Ninh) mây tre đan, sơn mài Cát Đằng (Yên Tiến)... đang ngày càng phát triển về quy mô, hiệu quả hoạt động. Các làng nghề truyền thống là hạt nhân để hình thành 3 cụm công nghiệp đang hoạt động hiệu quả là: Yên Xá, La Xuyên (Yên Ninh) và cụm công nghiệp Thị trấn Lâm với 195 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn huyện. Sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, cơ cấu sản xuất công nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng trưởng từ 40 lên trên 60%, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm xuống còn 15%; thu nhập bình quân của người dân nâng từ dưới 20 triệu đồng/người/năm lên 44,8 triệu đồng/người vào năm 2018. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm triển khai đồng bộ các biện pháp, chú trọng quản lý chất thải rắn, chất thải làng nghề, chất thải nông nghiệp, việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công trình phục vụ công tác cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường được kiểm soát. Đến nay, mỗi xã, thị trấn của huyện đều có từ 1-2 khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung bằng công nghệ lò đốt hoặc chôn lấp; cả 32 xã, thị trấn có phương tiện vận chuyển rác thải sinh hoạt, có 406 tổ, đội thu gom rác thải sinh hoạt, đảm bảo mỹ quan đô thị và môi trường "xanh - sạch - đẹp"... Nhờ sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, năm 2018, 100% số xã, thị trấn trong huyện đã thực hiện đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Ngày 24-5-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 630/QĐ-TTg công nhận huyện Ý Yên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Đó là sự ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của tập thể Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, các nhà đầu tư, con em quê hương Ý Yên trên khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài trong suốt chặng đường gần 10 năm qua.
Với nhận thức xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, toàn diện, trên nền tảng các thành tựu đã đạt được, Ý Yên quyết tâm tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Thời gian tới, huyện sẽ tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, đồng thời tạo dựng các nguồn lực trong huyện, phát huy lợi thế vị trí địa lý, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế mà các tuyến giao thông quan trọng qua địa bàn mang đến như: đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Bắc - Nam, các Quốc lộ 10, 37B, 38B; hệ thống các sông lớn như sông Đào, sông Đáy. Theo đó, huyện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hình thành các khu dân cư mới tạo nên mạng lưới đô thị, thu hút người dân đến đầu tư sản xuất, kinh doanh và sinh sống, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách từ tài nguyên đất để tái đầu tư các công trình trọng điểm phục vụ phát triển sản xuất và đời sống dân sinh; xây dựng các cụm công nghiệp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tạo sự bứt phá mạnh về phát triển công nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa làng quê, ý thức chấp hành và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khát vọng xây dựng quê hương, gia đình và cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, từ đó đoàn kết, đồng thuận, tự nguyện chung sức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng từng thôn, xóm, từng xã, thị trấn sáng hơn, xanh hơn, sạch đẹp hơn, khang trang, giàu có hơn./.