Học theo Bác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

07:05, 17/05/2019

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về lối sống giản dị và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Học và làm theo Bác, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cũng như những chuyển biến trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Cô và trò Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (Thành phố Nam Định) với sản phẩm bàn đa năng tận dụng từ vật liệu tái chế.
Cô và trò Trường Trung học cơ sở Lương Thế Vinh (Thành phố Nam Định) với sản phẩm bàn đa năng tận dụng từ vật liệu tái chế.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là những phẩm chất cơ bản trong hệ thống quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Bác, tiết kiệm là sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, nhằm tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống nhân dân; tiết kiệm phải từ cái nhỏđến cái to, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức. Sinh thời, Người chỉ rõ: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” (Sđd, Tập 5, H. 2002, tr. 642). Thấm nhuần lời dạy của Bác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tập trung thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và coi đây là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân. Năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 16-7-2018 thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24-1-2018 của Chính phủ về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính năm 2018 được giao theo Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg  ngày 16-11-2004 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính: Công khai mua sắm, sử dụng trang thiết bị làm việc, phương tiện đi lại; công khai quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng và các tài sản khác trong cơ quan, đơn vị, tổ chức; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử lý theo quy định của pháp luật các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa chấp hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, gây lãng phí ngân sách và tài sản công. Yêu cầu các đơn vị thực hiện công khai kế hoạch, kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trên Trang thông tin điện tử nhằm nâng cao hiệu quả tiết kiệm ngân sách; nâng cao hiệu quả hoạt động của Thanh tra nhân dân; đẩy mạnh giám sát cộng đồng qua hoạt động Ban Giám sát đầu tư cộng đồng theo quy định. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý chuyên ngành phù hợp với quy định của Trung ương, điều kiện của tỉnh làm cơ sở xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và các chỉ tiêu đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với tinh thần đó, việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước được các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh chú trọng thực hiện. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đoàn thể, quần chúng thường xuyên tổ chức học tập, tuyên truyền, quán triệt các văn bản liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nhất là các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của ngành, lĩnh vực mình đến từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi mình quản lý. Tập trung thực hiện cải cách hành chính, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, của thủ trưởng các đơn vị trong việc quản lý sử dụng biên chế, kinh phí hoạt động… Tăng cường quản lý chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả, không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi chưa có nguồn đảm bảo. Thực hiện cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước, tiếp khách, sử dụng văn phòng phẩm, thực hiện tiết kiệm điện trong cơ quan, công sở. Thực hành nghiêm túc việc mua sắm tài sản tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công… Thực hành tiết kiệm chống lãng phí được thực hiện đồng bộ với các hoạt động phòng chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề cụ thể như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên; các dự án đầu tư sử dụng ngân sách Nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ, công trình phúc lợi công cộng; các chương trình quốc gia; quản lý sử dụng các nguồn viện trợ, tài trợ của nước ngoài; mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại; trang thiết bị làm việc. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trong phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã phát hiện qua kiểm tra, thanh tra những năm qua; kịp thời xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Với những biện pháp quyết liệt đó, thời gian qua không chỉ tiết kiệm chi ngân sách thường xuyên mà còn giúp các đơn vị, các cá nhân ngày càng có ý thức trách nhiệm cao hơn trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm (để dành nguồn làm lương) là: 104 tỷ 713 triệu đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là: 30 tỷ 510 triệu đồng; ngân sách huyện, thành phố là 53 tỷ 805 triệu đồng; ngân sách xã, phường, thị trấn 20 tỷ 398 triệu đồng. Giảm 100 tỷ 373 triệu đồng cấp trực tiếp cho các cơ sở y tế khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế trên cơ sở kết cấu tiền lương vào giá dịch vụ để chi theo quy định. Kinh phí trích lập nguồn cải cách tiền lương tại các đơn vị theo quy định là 117 tỷ 642 triệu đồng. Kết quả công tác thanh tra Nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; quản lý tài chính, ngân sách; thanh tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý của các sở, ngành... đã phát hiện các sai phạm cả về kinh tế, đất đai, tài sản; xử lý về kinh tế với số tiền là 8 tỷ 019,19 triệu đồng và 46.733,93m2 đất. Trong đó, xử lý thu hồi vào ngân sách Nhà nước là 4 tỷ 221,36 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 2 tỷ 552,13 triệu đồng, đề nghị giảm trừ 1 tỷ 245,7 triệu đồng quyết toán công trình; kiến nghị thu hồi 46 nghìn 733,93m2 đất, tịch thu nhiều tang vật vi phạm hành chính khác. Tiết kiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt quyết toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản được 93 công trình, hạng mục công trình, giá trị giảm trừ sau đề nghị quyết toán 5 tỷ 796 triệu đồng.

Với những việc làm cụ thể, thiết thực, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tỉnh ta triển khai hiệu quả, trở thành hành động cách mạng thường xuyên, liên tục không những tiết kiệm về của cải vật chất mà còn tiết kiệm về thời gian, sức lực. Qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com