Làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) là quê hương của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn, gắn bó tuổi thơ, hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng của chàng thiếu niên Lê Đức Anh. Những kỷ niệm về quê hương luôn in đậm trong tim, cùng ông vượt qua những chặng đường gian nan trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.
Tháng Tư lịch sử, men theo con đường ven sông Truồi trong xanh, chúng tôi về làng Bàn Môn, quê hương của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Làng Bàn Môn có truyền thống yêu nước và cách mạng, đình làng chính là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhiều người ở làng Bàn Môn nói riêng và các làng thuộc xã Lộc An nói chung, đã có tinh thần yêu nước, kháng Pháp. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân, người dân Lộc An đã tham gia đội cần lao phụ trách chèo thuyền và cõng Vua Duy Tân rút khỏi kinh thành Huế về làng Hà Trữ và trú tại làng Hà Trung, huyện Phú Vang.
Trong những người tham gia khởi nghĩa, có cụ Lê Túy, còn gọi là Lê Quang Túy, thân phụ của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Sớm được tiếp xúc với những người yêu nước và cách mạng, chàng thiếu niên Lê Đức Anh đã đọc báo chí tiến bộ và tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, về Nguyễn Ái Quốc và tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập cho đất nước, tự do cho dân tộc. Chàng thiếu niên Lê Đức Anh bắt đầu thể hiện lòng yêu nước từ những việc nhỏ nhất như rải truyền đơn, treo cờ đỏ…, đến việc tuyên truyền, vận động trong dân chúng. Ký ức tuổi thơ của ông còn in đậm những hình ảnh đói nghèo, bệnh tật của người dân lương thiện chốn làng quê, hình ảnh lam lũ của những phu xe kéo tay, của người nông dân; nạn sưu cao thuế nặng đẩy người dân đến bước khốn cùng. Chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến, ông khao khát làm một điều gì đó cùng với người dân lam lũ để thay đổi cuộc sống lầm than, cơ cực. Ông đã được kết nạp Đảng năm 18 tuổi, vào tháng 5-1938.
Hoạt động cách mạng từ trong một gia đình có truyền thống, đồng chí Lê Đức Anh đã từng bước trưởng thành và có nhiều thành tích, gắn với vùng quê sông nước xã Lộc An, huyện Phú Lộc và xã Vinh Phú, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Nhiều thanh niên trong vùng đã noi theo tấm gương đồng chí Lê Đức Anh tham gia hoạt động cách mạng, gây dựng phong trào ngày càng lớn mạnh, góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương.
Trong cuốn Hồi ký Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, xuất bản năm 2015, Đại tướng Lê Đức Anh, viết: "Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những bẹ nang của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân". Cũng chính những gian khó ấy đã rèn luyện và hình thành trong ông đức tính kiên nhẫn, chịu thương chịu khó, sẵn sàng đối mặt mọi khó khăn.
Trở lại xã Lộc An, chúng tôi đến thăm Nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh được đưa vào hoạt động cách đây bảy năm. Nhà văn hóa được xây dựng trong xóm nhỏ, gắn bó với gia đình Đại tướng. Đoàn thanh niên, các thế hệ học sinh trên địa bàn xã Lộc An đã chọn đây làm nơi sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng quê hương. Anh Lê Trung Thành, người trông coi Nhà văn hóa (cũng là một người cháu của Đại tướng Lê Đức Anh), cho biết, người dân và chính quyền địa phương mong muốn lập nhà văn hóa để tưởng nhớ công ơn của Đại tướng. Nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh hàng ngày thu hút rất đông người dân và học sinh, sinh viên đến đọc sách báo, tham quan, tìm hiểu về những kỷ vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng.
Anh Lê Trung Thành chia sẻ thêm: "Về quê lần nào bác cũng bảo chúng tôi đưa bác ra sông Truồi, đoạn Bến Bãi có cái bến ngày xưa bác hay ra chơi. Rồi bác kể cho tôi nghe những câu chuyện thời bé, những buổi trưa đi câu cá, đọc sách, cùng bạn bè đùa nghịch bên dòng sông này; về cuộc sống cơ cực nhưng ấm áp tình cảm gia đình và bà con quê tôi; rồi những ngày bác tham gia cách mạng, đi theo Đảng... Bác thường dặn chúng tôi phải coi trọng sự học, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn để sau này sống có ích cho xã hội; sống chan hòa, gắn bó với bà con xóm giềng, giúp đỡ những người gặp khó khăn". Cụ Trần Đình Hàng (85 tuổi), ở gần Nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh, bùi ngùi kể: "Đại tướng Lê Đức Anh đã nhiều lần về thăm quê hương và bà con làng xóm. Vào năm 2012, khi Đại tướng và gia đình về quê dự lễ khánh thành Nhà văn hóa, thư viện, tôi có dịp trò chuyện với ông. Đại tướng luôn gần gũi, không quên thăm hỏi về tình hình cuộc sống, công việc làm của bà con".
Cùng chung tâm sự, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An Nguyễn Bùi nhớ lại, trong một lần về thăm quê hương vào giữa năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh ghé thăm UBND xã. Đại tướng dặn dò các cán bộ xã rằng, quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn, cho nên cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp người dân được…
Chủ tịch UBND xã Lộc An Hồ Đắc Sự nhớ lại: Cứ mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thăm hỏi lãnh đạo địa phương về tình hình kinh tế và nhắc nhở phải biết tận dụng những thế mạnh để tập trung phát triển. Năm 2012, trong buổi gặp gỡ cán bộ toàn xã, ông nói, làm lãnh đạo là phải gần dân, giúp dân và lấy sự phát triển của địa phương làm mục tiêu. Dù quá trình phát triển, công việc có gặp khó khăn, nhưng chỉ cần toàn thể cán bộ đoàn kết sẽ có cách để vượt qua.
Từ một xã nghèo, song với tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Lộc An đã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Xã có 3.078 hộ dân, hơn 14 nghìn nhân khẩu, chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, nông lâm ngư nghiệp. Năm 2018 vừa qua, xã đã quy hoạch nhiều cánh đồng mẫu lớn đưa vào sản xuất lúa, với tổng diện tích 1.466ha, năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha, sản lượng lương thực đạt hơn 9.400 tấn. Ngoài ra, người dân Lộc An còn trồng 175ha rừng, tận dụng 72ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế phát triển đã giúp con em trong xã được ăn học đến nơi đến chốn, mỗi năm xã có từ 50 đến 60 cháu thi đỗ vào các trường đại học.
Khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc An đã nỗ lực thi đua lao động, phát triển kinh tế, đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đáng chú ý, tháng 9-2018, xã Lộc An được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là động lực để cán bộ, nhân dân xã nhà tiếp tục nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế và quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Quê hương Lộc An và huyện Phú Lộc ngày nay đã khác xưa, ngày càng phát triển, xứng đáng là quê hương anh hùng.
Đồng chí Nguyễn Văn Mễ, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế kể: Đại tướng Lê Đức Anh luôn dành tình cảm tốt đẹp cho các lãnh đạo tỉnh và bà con cô bác ở quê hương. Mỗi lần gặp, Đại tướng luôn hỏi thăm cặn kẽ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; những khó khăn, vướng mắc mà địa phương đang cần tháo gỡ. Những đề xuất hợp lý của chúng tôi đều được đồng chí giao cho trợ lý ghi chép đầy đủ và thường trực tiếp có ý kiến yêu cầu các cơ quan liên quan của Đảng và Nhà nước xem xét giải quyết kịp thời. Các chương trình, dự án trọng điểm như: Dự án xây dựng cảng nước sâu và Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; dự án hồ Tả Trạch, đập Thảo Long; chương trình khắc phục hậu quả trận lũ lụt lịch sử năm 1999 đã được đưa vào kế hoạch và triển khai có kết quả là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
"Mỗi khi trao đổi, trò chuyện, Đại tướng Lê Đức Anh đều nhắc nhở chúng tôi luôn quan tâm đến công tác dân vận và thực hiện tốt chính sách hòa hợp dân tộc. Phải tìm hiểu để cảm thông sâu sắc với đời sống vật chất, tinh thần của mỗi nhà, mỗi người; nắm vững tâm tư, nguyện vọng của họ, nhằm chủ động giúp họ vượt qua khó khăn cụ thể để hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội" - đồng chí Nguyễn Văn Mễ nhớ lại./.
Nguyễn Công Hậu