Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Trong đó, bài học về ý chí, quyết tâm giành độc lập dân tộc của Đảng và dân tộc ta còn nguyên giá trị.
Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: TTXVN |
Sau gần 8 năm trở lại xâm lược Việt Nam (1945-1953), thực dân Pháp không những không thực hiện được mục tiêu của chúng, mà còn bị sa lầy trước ý chí đấu tranh quật khởi của quân và dân ta. Trước tình thế bất lợi, chính phủ Pháp phải điều tướng Na-va sang Đông Dương với hy vọng giành lại thế chủ động trên chiến trường; từ đó, buộc chính phủ Việt Nam phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Pháp. Khi sang Việt Nam, dựa vào kinh nghiệm trận mạc “dạn dày”, Na-va vạch ra kế hoạch tác chiến được gọi là “Kế hoạch Na-va”. Điểm mấu chốt của kế hoạch là tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ nhằm giành lại sự chủ động chiến lược (lúc cao điểm lên đến 44 tiểu đoàn) xoay chuyển tình thế trên chiến trường Đông Dương, thực hiện đòn tiến công mang tính quyết định khi có điều kiện. Được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.
Trước tình hình đó, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục cho quân và dân ta nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp; tiến hành tổng động viên mọi lực lượng để phá tan Kế hoạch Na-va của chúng. Sau nhiều tháng nỗ lực chuẩn bị Chiến dịch và trải qua 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri. Toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xem là “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta đánh bại. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, ý chí và quyết tâm giành độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc đã được Đảng và nhân dân ta nhân lên gấp bội, tạo thành sức mạnh có ý nghĩa quyết định.
Trước hết, đó là sự lãnh đạo kháng chiến đúng đắn, bản lĩnh và trí tuệ sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Ngay từ những ngày đầu phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo. Đường lối đó là sự tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân bằng chiến tranh cách mạng, với mục tiêu “Độc lập dân tộc, người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu đó đã phản ánh đúng nguyện vọng thiết tha của đa số nhân dân lao động bao đời dưới ách đè nén, áp bức của thực dân, phong kiến, nên đã có tác dụng động viên tinh thần, ý chí quyết tâm vượt mọi gian khổ, hy sinh của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và dân công tham gia Chiến dịch. Nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, Đảng và Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân ta thực hiện đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Nhờ đó, Đảng ta đã động viên, tổ chức toàn dân đánh địch bằng sức mạnh của cả dân tộc, bằng sức mình là chính; đồng thời, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; chủ động tạo sự chuyển hóa căn bản về thế và lực, làm cho sức ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng và đẩy địch vào tình thế ngày càng khốn đốn. Với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta xác định phải đánh trúng vào xương sống của chiến lược Na-va. Để làm được điều đó, chúng ta đã chủ động mở các chiến dịch trên khắp chiến trường Đông Dương, làm cho địch phải phân tán lực lượng, dàn mỏng đội quân cơ động chiến lược trên các chiến trường, tạo so sánh lực lượng có lợi cho ta, buộc quân Pháp phải chấp nhận trận quyết chiến chiến lược với ta tại Điện Biên Phủ, trong khi thời gian và không gian do ta làm chủ. Với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch ở Đông Dương, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã giao cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Tổng Chỉ huy Chiến dịch. Phương châm tác chiến ban đầu của Chiến dịch là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Sau hơn một tháng làm công tác chuẩn bị, các đơn vị đã triển khai xong đội hình chiến đấu, sẵn sàng nổ súng theo phương án này. Tuy nhiên, sau khi đánh giá lại tình hình, thấy còn nhiều bất lợi, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”; hoãn thời điểm tiến công để tiếp tục làm công tác chuẩn bị, chuyển đổi đội hình, bố trí lại lực lượng theo phương châm tác chiến mới. Sự thay đổi này là kết quả của quá trình tư duy độc lập, sáng tạo, quyết đoán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, dựa trên bản lĩnh chính trị vững vàng, cùng sự thận trọng, biện chứng trong đánh giá tình hình trên chiến trường, với mục tiêu chắc chắn giành thắng lợi và hạn chế tổn thất, hy sinh cho ta. Đây là nhân tố quyết định, bảo đảm cho quân và dân ta giành chiến thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ. Trong trận quyết chiến chiến lược này, lòng yêu nước, khát vọng được sống trong độc lập, tự do, hòa bình của nhân dân ta đã tạo nên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thắng lợi này có ý nghĩa lịch sử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh của ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của quân và dân ta. Với vũ khí thô sơ và tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên kháng chiến, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm mọi điều kiện cần thiết cho chiến trường. Đi theo tiếng gọi đó, đã có 261.451 dân công, thanh niên xung phong từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh miền Bắc, bất chấp bom đạn, hiểm nguy, hướng về Điện Biên Phủ, bảo đảm hậu cần phục vụ cho Chiến dịch, với khí thế thi đua giết giặc lập công, chia lửa với chiến trường. Các đơn vị bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày đêm bạt rừng, xẻ núi, mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, nhanh chóng tập kết đội hình, sẵn sàng tiến công địch. Bằng tinh thần quả cảm, không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, chấp hành mọi mệnh lệnh của trên, quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tổ chức, bố trí lại toàn bộ đội hình chiến đấu; trong đó, khó khăn nhất là bố trí lại hệ thống hỏa lực, phải kéo pháo ra, kéo pháo vào các trận địa mới trong điều kiện địa hình, thời tiết vô cùng khó khăn, phức tạp. Quá trình đó đã làm cho Quân đội ta đã trưởng thành vượt bậc về mọi mặt: tư tưởng chính trị, tổ chức lực lượng, trình độ chỉ huy, tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần. Bộ đội ta đã củng cố thêm một bước về ý chí chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng; chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm chiến đấu. Chính tướng Ra-un Sa-lăng - nguyên Tổng chỉ huy Quân đội Pháp ở Bắc Bộ lúc đó đã nhận xét: “Quân đội cộng sản được võ trang mạnh, lại mạnh thêm vì có cơ cấu chính trị đặc biệt… quân đội ấy làm việc rất nhiều, theo nỗ lực chung được mọi người nhất trí, tấm gương này đáng để chúng ta suy ngẫm”.
Tinh thần dũng cảm chiến đấu hy sinh của quân và dân ta là nhân tố trực tiếp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Tiến công Điện Biên Phủ, chúng ta gặp nhiều khó khăn, cả tiềm lực quân sự, kinh tế, địa hình hiểm trở, xa hậu phương,… Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã huy động được tối đa sức người, sức của, bao gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, với số lượng cao điểm có lúc lên đến hàng chục vạn người; được tổ chức, biên chế khá chặt chẽ, cùng với bộ đội đào giao thông hào, làm đường dã chiến trong điều kiện rất khó khăn, gian khổ của vùng rừng núi Tây Bắc, lại luôn bị máy bay địch oanh tạc,… Với ý chí quyết chiến, quyết thắng; bằng trí thông minh, lòng quả cảm và niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, trong khoảng thời gian hơn một tháng, bộ đội và thanh niên xung phong đã hoàn thành một khối lượng công việc vô cùng đồ sộ; mở hàng trăm tuyến hào, sửa đường từ Tuần Giáo tới Điện Biên Phủ (dài 82km), tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng và xe kéo pháo, đặc biệt là pháo hạng nặng (105mm) có thể triển khai vào trận địa an toàn và bí mật. Chính điều đó đã gây bất ngờ lớn cho quân đội Pháp. Về lực lượng, Quân đội ta tuy quân số có đông hơn đối phương, nhưng kinh nghiệm đánh công chưa nhiều, vũ khí kém hiện đại hơn địch,… Trong khi đó, Chiến dịch được tiến hành trong suốt 55 ngày đêm, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật còn nhiều khó khăn, nên các trận đánh không thể diễn ra liên tục mà phải chia thành nhiều đợt tiến công nhỏ. Sau mỗi đợt tiến công phải tổ chức lại quân số, bổ sung hậu cần - kỹ thuật và các mặt bảo đảm khác. Cũng bằng sự sáng tạo, chỉ huy pháo binh của ta đã lập ra các trận địa giả, nghi binh lừa địch, làm cho khoảng 80% bom, đạn của quân Pháp không đánh trúng mục tiêu pháo binh của ta. Nhờ ngụy trang, nghi binh khéo, bộ đội ta đã bảo vệ thành công những khẩu trọng pháo quý giá của mình và những mục tiêu quân sự quan trọng. Trong Chiến dịch, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, dân công đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, góp sức mình để làm nên chiến thắng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho quân đội Pháp bị thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Thực tế kinh nghiệm này của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành truyền thống chiến đấu dùng thô sơ đánh hiện đại của quân đội ta trong suốt chiều dài chống Mỹ, cứu nước”. Cùng suy nghĩ đó, một ký giả người Pháp - Giuyn Roa, bảy năm sau, khi trở lại thăm Điện Biên Phủ, đã kết luận: “Chúng ta (Pháp) thua trận này, nguồn gốc do đâu? Trước hết là do phẩm chất của những con người đã đương đầu với chúng ta”. Điều đó đã nói lên tất cả.
Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn là bài học sâu sắc về ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc của Đảng và dân tộc ta. Hiện nay, dù cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta còn nhiều khó khăn, thách thức; nhưng tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với tinh thần và ý chí của quân và dân ta được hun đúc từ Điện Biên Phủ, công cuộc đổi mới của đất nước sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong thời kỳ mới./.
Theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ PHẠM BẰNG LUÂN
Viện Khoa học NTQS - Học viện Quốc phòng