Trọng trách của văn hoá, văn nghệ trong sự nghiệp xây dựng con người phát triển toàn diện, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước

08:10, 30/10/2015

LTS: Trong 2 ngày, mùng 3 và 4-10-2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học: Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội thảo. Báo Nam Định xin trân trọng trích đăng bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang.

 Kính thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam!

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Hội thảo!
Thưa các đồng chí!

Tôi rất vui mừng được đến dự cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức với chủ đề “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”, một vấn đề mang tính lý luận - thực tiễn rất thiết thực và bổ ích trong tình hình đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Kết quả cuộc Hội thảo khoa học này sẽ góp phần làm cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là những nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với quá trình xây dựng con người phát triển toàn diện nói chung và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống của con người nói riêng. Với tinh thần và ý nghĩa trên, cuộc Hội thảo khoa học này thực sự là một hoạt động quan trọng của giới văn học, nghệ thuật nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Thưa các đồng chí!

Qua phát biểu khai mạc, báo cáo đề dẫn cũng như đọc và nghe một số tham luận tại Hội thảo, tôi xin trao đổi với các đồng chí một số ý kiến nhằm làm sáng rõ hơn chủ đề Hội thảo.

Trước hết, chúng ta cần nhận thức bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về nội hàm văn hóa; về vị trí, vai trò của văn hóa, của con người trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Năm 1943, trong Đề cương văn hóa Việt Nam, Đảng ta quan niệm văn hóa bao gồm tư tưởng, học thuật (khoa học) và nghệ thuật (văn học, nghệ thuật) với vai trò: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Một tiết mục tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện Xuân Trường năm 2015. Ảnh:  Do cơ sở cung cấp
Một tiết mục tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng huyện Xuân Trường năm 2015. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Sau 12 năm lãnh đạo và triển khai sự nghiệp đổi mới, Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong Nghị quyết chuyên đề này, Đảng ta quan niệm văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng làm giàu nền văn hóa của dân tộc ta, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, một trong những nhân tố vô cùng quan trọng tạo ra những chiến công oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước. [...]

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. Nhưng còn không ít những khuyết điểm, yếu kém, bất cập trong xây dựng con người và môi trường văn hóa. Đáng lo ngại nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và trong xã hội. Những biểu hiện đó chẳng những không được đẩy lùi, mà ở đây đó có chiều hướng gia tăng với những biểu hiện cụ thể như sự phai nhạt lý tưởng cách mạng; sự phát triển chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện ích kỷ, cơ hội, thực dụng, kèn cựa địa vị, cục bộ, chạy theo danh lợi, tiền tài, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện... Trong đời sống xã hội thì tình trạng tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội, tội phạm xã hội cũng có chiều hướng gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển không bền vững, đặc biệt là nền kinh tế của Việt Nam ngày càng tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Những khuyết điểm, yếu kém và bất cập nêu trên có trách nhiệm của văn hóa, văn nghệ, rất mong chúng ta cần tự phê bình và phê bình sâu sắc. Tôi rất mừng khi thấy tinh thần này đã được đề cập trong một số tham luận.

Thưa các đồng chí!

Nhằm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đều nhấn mạnh nhiệm vụ khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực của đất nước, tạo ra động lực mới, phục vụ yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện sứ mệnh đó, chúng ta càng cần phải chăm lo phát triển văn hóa vì văn hóa tạo ra sức mạnh nội sinh; văn hóa còn là hệ điều tiết của sự phát triển.

Trong nền kinh tế thị trường, văn hóa dựa vào chuẩn mực của cái đúng, cái tốt, cái đẹp để hướng dẫn và thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh ngày càng cao. Văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp hướng dẫn, động viên các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, chủ động liên kết, hợp tác để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đẩy lùi các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

Trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế, văn hóa góp phần tăng cường sự hiểu biết, mở rộng sự giao lưu hợp tác nhiều mặt giữa nước ta và các nước khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Trong quá trình đó, chúng ta hết sức cảnh giác với cuộc “xâm lăng văn hóa”, những biểu hiện vọng ngoại, lai căng lấn át bản sắc văn hóa dân tộc. Với giới văn hóa, văn nghệ của nước nhà, tôi muốn nhắc lại một quan điểm chỉ đạo rất quan trọng trong Nghị quyết 33: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù sáng tạo”. Tôi hy vọng cuộc Hội thảo khoa học này, với nhiệt tình và trách nhiệm cao, các đồng chí sẽ đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi để văn học, nghệ thuật có những đóng góp tích cực hơn nữa vào việc xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam với 7 đặc tính cơ bản nêu trong Nghị quyết 33 tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (khóa XI).

Thưa các đồng chí!

Nhằm thực hiện có hiệu quả yêu cầu đó, chúng ta cần thấu suốt hơn một số luận điểm cơ bản về văn hóa, nghệ thuật đã nêu trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X): văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa. Văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người. Văn học, nghệ thuật có vai trò rất quan trọng đối với quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp. Chúng ta cần phát huy ưu thế đặc thù của văn học, nghệ thuật trong nhiệm vụ cao cả là xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Văn nghệ sĩ không chỉ chuyên chở “đạo làm người” trong tác phẩm của mình, mà phải sáng tạo nên những hình tượng nghệ thuật có sức cảm hóa, thúc đẩy con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp theo quy luật của tình cảm, của cái đẹp, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng tăng lên của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mong mỏi các văn nghệ sĩ ngày càng sáng tạo nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực sinh động, chân thật, sâu sắc sự nghiệp của nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Các tác phẩm cần biểu dương, cổ vũ những nhân tố tích cực trong xã hội, những nhân vật tiêu biểu của thời đại; đề cao cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn. Cố gắng nâng cao tính hấp dẫn, tính thuyết phục trong việc biểu dương cũng như phê phán, tất cả hướng tới nâng cao giá trị chân - thiện - mỹ. Việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống trong giai đoạn đầu đời của mỗi con người có vị trí đặc biệt quan trọng, đòi hỏi văn nghệ sĩ cần coi trọng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật cho thiếu niên, nhi đồng, gắn chặt với việc nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mỹ, dạy văn học, nghệ thuật trong hệ thống giáo dục phổ thông. Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần được quan tâm xây dựng phát triển cả về chất lượng và số lượng trong toàn bộ các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, thật sự góp sức thẩm định đúng đắn các giá trị đích thực các tác phẩm văn học, nghệ thuật và giáo dục thẩm mỹ, làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội trong quá trình sáng tác, quảng bá, biểu diễn văn học, nghệ thuật.

Nhân đây, tôi muốn nhắc lại việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện các chương trình, đề án để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học, nghệ thuật, mà các ban, bộ, ngành có trách nhiệm đã phối hợp xây dựng, cần được khẩn trương thể chế hóa và tổ chức triển khai. Chúng ta chỉ có thể đưa các Nghị quyết về văn học, nghệ thuật vào cuộc sống trên cơ sở thấu suốt nhận thức và cải tiến, đổi mới việc tổ chức thực hiện. Trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cùng các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Thưa các đồng chí!

Đội ngũ các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ có sứ mệnh cao quý là chiến sĩ xung kích trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vinh dự lớn đi liền với trách nhiệm lớn! Xin chúc các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ mắt sáng, lòng trong, có tài năng nghệ thuật và khát vọng sáng tạo mãnh liệt, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện, trực tiếp bồi đắp tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho các thế hệ người Việt Nam, phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện, đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

Chúc các vị đại biểu mạnh khỏe!
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com