Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 27-11-2012 về "Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo". Sau 3 năm triển khai thực hiện, nghị quyết thực sự là "Chìa khóa" quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khối theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hiệu quả của việc thực hiện nghị quyết
Năm 2015, Cty Điện lực Nam Định được UBND tỉnh khen thưởng về thành tích suất sắc trong 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Liên tục 4 năm qua, Đảng bộ Cty đều đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”. Đặc biệt, năm 2014, Cty đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí Trần Mạnh Sỹ, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Cty cho biết: Nhận thức rõ ý nghĩa phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, căn cứ tính đặc thù của đơn vị ngành điện, Đảng ủy Cty đã quyết định xây dựng một Bản tiêu chí chuẩn mực chung cho toàn Cty để thống nhất thực hiện từ Cty Điện lực tỉnh tới các Điện lực cấp huyện và các tổ, đội sản xuất. Xây dựng, phổ biến, áp dụng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của Cty, đưa vào hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO để thực hiện các chuẩn mực ứng xử, đặc biệt là trong giao tiếp với khách hàng sử dụng điện. Phát động thực thi văn hóa doanh nghiệp hằng năm theo các chủ đề: năm 2014 theo chủ đề “Văn hóa trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng”; năm 2015 theo chủ đề “Văn hóa an toàn lao động và kỷ luật lao động” gắn với công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn - tiết kiệm - hiệu quả tới các khách hàng.
Trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Cty đã phát động các phong trào thi đua như: “Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng”, “Cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn - góp phần xây dựng NTM”, “Đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện an toàn - tiết kiệm - hiệu quả”… Trong đó, Cty Điện lực Nam Định dẫn đầu khu vực miền Bắc trong 2 chương trình: cải tạo nâng cấp lưới điện trung áp 22kV và cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Các phong trào thi đua đã được các đơn vị và cá nhân trong toàn Cty hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, thể hiện trong lao động sản xuất, quản lý điều hành, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị. Trong 4 năm qua, Cty đã tổ chức cung ứng điện an toàn, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạ tầng lưới điện được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phương châm “Điện đi trước một bước”. Đến nay đã có 166/209 xã, đạt 79,4% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí NTM về điện. Hằng năm, Cty đều hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật được giao, trong đó điện thương phẩm tăng trưởng bình quân 13,9%/năm, tổn thất giảm bình quân 1,2%/năm. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Thu nhập của cán bộ, công nhân viên ổn định và ngày càng được cải thiện.
Cty CP May Sông Hồng là một trong những đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng văn hoá doanh nghiệp. |
"Chỉ có những gì không thể làm được thì mới cam chịu, còn những gì làm được mà không gắng sức làm tốt hơn, đẹp hơn thì mãi là hổ thẹn". Đó là lời “tuyên thệ” mà bất cứ một cán bộ, công nhân nào của Cty CP May Sông Hồng ghi nhớ trước khi bước vào một ngày làm việc mới. Đây chính là phương châm, là nét đẹp trong công tác xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Cty, góp phần xây dựng thương hiệu và là nền tảng quan trọng đưa Cty CP May Sông Hồng đứng trong top 10 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành Dệt may Việt Nam với hai lĩnh vực sản xuất chính là hàng may mặc xuất khẩu và mặt hàng chăn, ga, gối, đệm cho thị trường nội địa. Năm 2014, Cty đạt doanh thu 2.408 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8.456 lao động; thu nhập bình quân đạt gần 5,4 triệu đồng/người/tháng. Nhận thức rõ vấn đề xây dựng Văn hóa doanh nghiệp có vị trí và vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp, Cty CP May Sông Hồng chủ động tạo dựng uy tín, thương hiệu bằng việc triển khai áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị, điều hành doanh nghiệp như ISO 9001:2001; WRAP, SA 8000:2008. Những năm gần đây, Cty liên tục được bình chọn là một trong 10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiêu biểu và trở thành đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn và thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Columbia Sports Wear, Gap, New York&Company, Mango, H&M, Marks Spencer... Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng doanh thu và hiệu quả kinh doanh, Đảng ủy, HĐQT có chiến lược dài hạn về đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ một cách chủ động. Cty đã mở rộng khu sản xuất xuống huyện Hải Hậu làm tăng lượng lao động từ gần 6.000 người (năm 2010) đến trên 8.000 người (năm 2015), đầu tư xây dựng khu sản xuất hàng nội địa Mỹ Trung, đầu tư dây chuyền sản xuất chăn, ga, bông, đệm hiện đại, nâng cấp cải tạo thiết bị làm bông đệm có chất lượng cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tổng đầu tư mới và cải tạo qua các năm đã thực hiện trên 342 tỷ đồng, trong đó trên 213 tỷ đồng cho xây dựng nhà xưởng, nâng cấp cải tạo thiết bị 114 tỷ đồng, phương tiện, thiết bị và tài sản khác 15 tỷ đồng. Tháng 3-2015, Cty CP May Sông Hồng đã tổ chức lễ khởi công xây dựng khu sản xuất Sông Hồng tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) có diện tích gần 60 nghìn m2, gồm 4 xưởng sản xuất, tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Dự kiến đến tháng 10-2015, sẽ hoàn tất toàn bộ 4 xưởng sản xuất đưa vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 2.000 lao động. Đến năm 2019 dự kiến doanh thu của Cty sẽ đạt 3.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động.
Là một doanh nghiệp sản xuất may công nghiệp, Cty CP May Nam Hà hiện có 624 cán bộ, công nhân, nhiều năm liên tục đạt giải Bạc chất lượng quốc gia. Tổng doanh thu năm 2014 đạt 83 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Đảng ủy đã phối hợp với HĐQT, lãnh đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể trong Cty chú trọng xây dựng hệ thống quy chế, quy định nhằm tuân thủ tốt nhất Bộ luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Môi trường, Luật BHXH… Đảng ủy Cty thống nhất nhận thức; tự giác tuân thủ luật pháp trong kinh doanh bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Cty xác định: Xây dựng doanh nghiệp là một hệ thống vận hành chặt chẽ, khoa học và cải tiến không ngừng dựa trên các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14000 và SA 8000. Thường xuyên cập nhật, sử dụng các công cụ cải tiến, nâng cao năng suất lao động như 5S, TPM, lean Six Sigma. Do thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Cty đạt nhiều kết quả quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sản phẩm của doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khó tính nhất như thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Người lao động đoàn kết, kỷ luật và thân thiện. Mọi ứng xử mang tính chuẩn mực dựa trên nền tảng luật pháp, văn hóa, giàu tính nhân văn. Người lao động là chủ doanh nghiệp thực sự; cùng góp vốn, cùng quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Chìa khoá” để doanh nghiệp phát triển bền vững
Đồng chí Hà Duy Vinh, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ III (nhiệm kỳ 2010-2015); Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành nghị quyết về xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ Khối, những năm qua, các cấp ủy cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp cụ thể hóa những nội dung xây dựng văn hóa doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp. Mức tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp trong Khối hằng năm tăng 11%. Trong đó, khối Dệt may tăng 12,8%; khối Chế biến tăng 11,8%; khối Nông nghiệp tăng 10,6%; khối Dịch vụ, thương mại tăng 9,2%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu các doanh nghiệp trong Khối bình quân hằng năm đạt 206 triệu USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong Khối đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 10% so với nhiệm kỳ trước. Có 65% số doanh nghiệp hằng năm có lãi; bảo đảm việc làm ổn định cho 26 nghìn lao động.
Nhìn chung, các doanh nghiệp trong Khối đã tập trung đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm không ngừng khẳng định vị thế trên thị trường và kinh doanh có hiệu quả. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là động lực của doanh nghiệp. Đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, các doanh nghiệp đứng trước cơ hội và thách thức, một số doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, đã tỏ rõ được bản lĩnh, trí tuệ của mình trong kinh doanh. Để nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của lãnh đạo doanh nghiệp; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng đối với việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp. Đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo và thực hiện của lãnh đạo và cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp đối với vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, tạo sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đổi mới quản lý, đổi mới công nghệ, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của doanh nghiệp. Phát huy và sử dụng nhân tố con người, đoàn kết, gắn bó các thành viên trong doanh nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động./.
Bài và ảnh: Việt Thắng