Mặt trận tư tưởng - Nhân tố rất quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

05:04, 11/04/2015

ĐINH THẾ HUYNH
(Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)

1. Vị trí, tầm quan trọng của mặt trận tư tưởng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, đoàn kết một lòng, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông, bờ cõi Việt Nam. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã tiến hành sự nghiệp cách mạng vẻ vang giành độc lập tự do cho Tổ quốc, giữ nước, cứu nước và xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tiếp đó, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, kết thúc bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, lãnh đạo nhân dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, làm nên những chiến thắng vẻ vang mà đỉnh cao là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sức mạnh chiến thắng của dân tộc ta được tạo nên bởi nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, nhiều mặt trận, bao gồm cả vật chất và tinh thần. Nhân tố quyết định thắng lợi là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, trí tuệ sáng tạo và lòng dũng cảm vô song của nhân dân ta, của các lực lượng vũ trang ta. Cùng với các lực lượng, các mặt trận khác, mặt trận tư tưởng đã trở thành nhân tố rất quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các anh hùng chiến sĩ miền Nam tại khu vườn Phủ Chủ tịch ngày 15-11-1965. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các anh hùng chiến sĩ miền Nam tại khu vườn Phủ Chủ tịch ngày 15-11-1965. Ảnh: TL

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, ông cha ta luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết triệu người như một, tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù. Lịch sử từng ghi nhận, bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” hào sảng vang lên trên bờ sông Như Nguyệt đã thúc giục quân, dân ta quyết đánh và quyết thắng quân Tống xâm lược. Vào lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc, Thượng hoàng Trần Thánh Tông mở Hội nghị Diên Hồng tập hợp muôn dân; Trần Hưng Đạo thảo Hịch tướng sĩ thúc giục toàn dân, toàn quân quyết đánh thắng giặc Nguyên Mông. Quang Trung - Nguyễn Huệ kêu gọi tướng sĩ “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”, đập tan quân Thanh xâm lược. Những cách thức động viên tinh thần sâu sắc, phong phú của ông cha ta đã tạo được sự đồng tâm, nhất trí của toàn dân tộc, làm nên những chiến công hiển hách tô thắm lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta.

Phát huy truyền thống dân tộc, vận dụng những bài học của ông cha, với phương pháp cách mạng khoa học, cũng như các giai đoạn khác của cách mạng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm công tác tư tưởng, coi đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia của toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng chuyên trách làm nòng cốt. Công tác tư tưởng đã được triển khai thống nhất, thường xuyên, liên tục, hình thành nên mặt trận tư tưởng rộng khắp trong cả nước, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

2. Mặt trận tư tưởng đã tập trung tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược

Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Nhưng đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai, đàn áp vô cùng dã man phong trào yêu nước của nhân dân ta. Không chịu nổi sự thống khổ, nhân dân ta ở miền Nam đã vũ trang và nổi dậy ở nhiều nơi. Trước âm mưu của địch, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) đã xác định: “Nhân dân miền Nam không có con đường nào khác để giải phóng xiềng xích nô lệ. Chỉ có thắng lợi của cách mạng mới chấm dứt cảnh cùng khổ của nhân dân miền Nam, mới triệt để đánh bại chính sách nô dịch, chia cắt và gây chiến tranh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở miền Nam…” (1).

Dưới sự lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ của Đảng, công tác tư tưởng được triển khai mạnh mẽ, quán triệt tư tưởng của Nghị quyết 15, nhân dân miền Nam đã vùng lên đồng khởi làm sụp đổ từng mảng lớn bộ máy thống trị của địch ở nông thôn, làm lung lay bộ máy kìm kẹp của chúng ở đô thị, mở ra bước ngoặt mới của cách mạng miền Nam.

Năm 1960, Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra đường lối cách mạng, xác định nhiệm vụ chung của toàn dân ta trong giai đoạn trước mắt là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng XHCN ở miền Bắc; đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh…

Đại hội khẳng định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là: Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: Đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc, các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Đại hội xác định đường lối chung của cách mạng ở miền Bắc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là: Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu, để đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà...

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng và các Hội nghị Trung ương, công tác tư tưởng được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ ở cả hai miền Nam, Bắc nhằm mục tiêu xuyên suốt là động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng CNXH và bảo vệ miền Bắc, làm hậu phương lớn vững chắc, chi viện cho tiền tuyến lớn, đồng thời đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của công tác tư tưởng là tạo nên sự thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng niềm tin vững chắc vào thắng lợi, ý chí quyết chiến quyết thắng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của toàn dân, toàn quân ta để đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tư tưởng được triển khai dưới nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao, để lại những dấu ấn sâu đậm. Công tác tư tưởng đã huy động được sự tham gia tích cực của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là các binh chủng và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, tạo ra một mặt trận tư tưởng sâu rộng, thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của các tổ chức và cấp ủy Đảng. Thời kỳ này, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác tư tưởng; đồng thời những vấn đề về công tác tư tưởng cũng được nêu trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chính sách lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều được các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai thực hiện chặt chẽ, hiệu quả trong lực lượng vũ trang. Nhiều hình thức triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng như: Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, mở lớp tập huấn, tuyên truyền qua báo chí, xuất bản, tuyên truyền miệng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, cổ động trực quan… được tổ chức thường xuyên, linh hoạt và thiết thực.

Ở miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và Ban Tuyên huấn các khu ủy, tỉnh ủy được thành lập với chức năng tham mưu về công tác tư tưởng và làm nhiệm vụ như một bộ máy chuyên trách kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các mặt công tác tuyên huấn và khoa giáo. Các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ, trường đào tạo cán bộ được thành lập để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ động, phục vụ quân và dân ta. Công tác tư tưởng đã cổ vũ quân và dân ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên cả 3 vùng chiến lược, góp phần thực hiện 3 mũi giáp công (2), khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, nhất là các thủ đoạn dồn dân lập ấp chiến lược, xây dựng vành đai trắng, hoạt động tuyên truyền miệng được chú trọng. Thông qua lực lượng cán bộ cốt cán, qua các đường dây liên lạc, hộp thư bí mật, chủ trương của Đảng vẫn đến được với nhân dân, thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin, khơi dậy ý chí bền gan tranh đấu ngay trong lòng địch. Các chiến sĩ cách mạng dù bị địch bắt bớ, tù đày, bị tra tấn dã man, cận kề cái chết, nhưng vẫn kiên trung, bất khuất, tiếp tục tổ chức và củng cố lực lượng, tuyên truyền, giáo dục cách mạng trong các nhà tù, trại giam của địch.

Trên khắp miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua giết giặc, lập công”, phong trào “Năm xung phong” trong thanh niên, phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, phong trào thi đua đạt các danh hiệu dũng sĩ, phong trào “Dân tộc tự quyết”, “Bảo vệ hòa bình” trong các đô thị. Với các phong trào yêu nước đó, mặt trận tư tưởng đã góp phần quan trọng phát động nhân dân tham gia đấu tranh chính trị, binh vận; cổ vũ, động viên quân và dân ta vượt qua hy sinh, gian khổ, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Nhạy bén nắm bắt tình hình, công tác tư tưởng được triển khai mạnh mẽ, định hướng hành động của quân và dân ta trong từng giai đoạn, nhất là vào những bước chuyển của cuộc chiến tranh, trước những sự kiện lớn như: Thời kỳ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954; thời kỳ Mỹ - ngụy thực hiện Luật 10/59, lập ấp chiến lược, đàn áp tàn bạo phong trào cách mạng; thời kỳ trước, trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; thời kỳ Hiệp định Pa-ri được ký kết năm 1973; thời kỳ trước và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975... Đồng thời, công tác tư tưởng đã kịp thời phát hiện, uốn nắn tư tưởng lệch lạc; đấu tranh chống sự phá hoại tư tưởng của các lực lượng thù địch, chống chiến tranh tâm lý, văn hóa nô dịch của Mỹ - ngụy.

Trên miền Bắc XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương lớn của cách mạng cả nước. Thời kỳ này đã xuất hiện hàng loạt các phong trào thi đua yêu nước, nhiều khẩu hiệu hành động thôi thúc, cổ vũ toàn dân, toàn quân ta như: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Chiếc gậy hành quân”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”…

Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ, của miền Nam ruột thịt, lớp lớp thanh niên miền Bắc nối nhau “xẻ dọc Trường Sơn” ra mặt trận. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, phóng viên, văn nghệ sĩ, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học…, vượt qua bom đạn quân thù vào chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội trên chiến hào còn khét mùi thuốc súng; những tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, phim, ảnh... ra đời trong kháng chiến đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội, của nhân dân ta. Đây cũng là thời kỳ đã để lại rất nhiều tác phẩm xuất sắc, không chỉ làm giàu thêm kho tàng văn học, nghệ thuật Việt Nam mà còn có sức lan tỏa, thu phục trái tim nhân loại ủng hộ cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Công tác tuyên truyền đối ngoại được triển khai mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, nhất là qua các tác phẩm báo chí, thơ ca, phim, ảnh, qua các diễn đàn, hội nghị và tổ chức quốc tế, góp phần làm cho nhân dân thế giới thấy rõ tội ác dã man của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta; củng cố tình đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân Lào, Căm-pu-chia, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Hình ảnh người Mỹ No-man Mo-ri-xơn tự thiêu ngay trước Lầu Năm góc phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam đã thổi bùng ngọn lửa phản đối chiến tranh phi nghĩa, ủng hộ Việt Nam lan khắp thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ. Chỉ trong ngày 15-10-1969, khoảng hai triệu người Mỹ đã tập trung biểu tình tại Thủ đô Oa-sinh-tơn phản đối chiến tranh. Từ Thủ đô Pa-ri, nhà văn Giắc Ma-đôn đã viết những dòng tràn đầy tâm huyết: “Việt Nam sẽ thắng! Không kẻ thù nào tiêu diệt được một dân tộc vĩ đại như dân tộc Việt Nam… Nếu dân tộc này mà đầu hàng thì cả nhân loại sẽ sụp đổ” (3).

Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, công tác tư tưởng đã khơi dậy tinh thần thi đua: “Tay cày tay súng”, “Tay búa tay súng”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”.

Tháng 3-1964, Hội nghị chính trị đặc biệt - Hội nghị Diên Hồng trong thời đại Hồ Chí Minh được triệu tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày Báo cáo tại hội nghị. Người khẳng định: Sự nghiệp cách mạng là một sự nghiệp lâu dài và gian khổ, song nhất định thắng lợi. Người kêu gọi: Mọi người chúng ta, bất kỳ ai, làm việc gì, ở cương vị nào, đều phải là những chiến sĩ dũng cảm của sự nghiệp vẻ vang ấy. Khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi” gửi đồng bào cả nước, nêu rõ quyết tâm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn: “Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc bất hủ. Trong đó, Người khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Tư tưởng, đạo đức, cụ thể là niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng và những lời hiệu triệu của Người đã soi đường, tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành thắng lợi.

(còn nữa)

-----------------------------

(1) Một số văn kiện về chống Mỹ, cứu nước - Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tập I, tr.123.

(2) Ba vùng chiến lược: Rừng núi, đồng bằng và đô thị. Ba mũi giáp công: Chính trị, quân sự, binh vận.

(3) Hồng Vinh: Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Báo Nhân Dân hằng tháng, 17-12-2012.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com