Xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là cần thiết

08:10, 28/10/2014

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, sáng 27-10, Quốc hội làm việc ở hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: Một trong những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành là Nhà nước phải có cơ chế pháp lý để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân về dân sự. Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu này như: Chưa bảo đảm nguyên tắc quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bởi luật trong những trường hợp đặc biệt như Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận; nhiều quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn bất hợp lý, thiếu tính khả thi; chưa tạo được cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên yếu thế trong quan hệ dân sự… Hạn chế này lại càng biểu hiện rõ nét trong bối cảnh hiện nay khi Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra nhiều yêu cầu mới trong việc bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân ở nước ta.

Cùng với đó, nhiều quy định của Bộ luật Dân sự còn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể như: Bộ luật Dân sự hiện hành dành rất nhiều quy định về quyền sở hữu, trong khi đó lại có rất ít quy định về các loại quyền khác đối với tài sản (quyền của người không phải là chủ sở hữu tài sản). Thực trạng này đã dẫn đến hậu quả là, pháp luật dân sự Việt Nam nói chung và Bộ luật Dân sự nói riêng chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả các tài sản và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác của đất nước.

Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu luôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bất cứ Bộ luật Dân sự nào, trong đó có Bộ luật Dân sự nước ta. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự hiện hành chưa ghi nhận đầy đủ các cơ chế pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này... Những hạn chế này cần phải được khắc phục sớm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách thuận lợi, hiệu quả, góp phần xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự hiện hành còn chưa thể hiện được một cách đầy đủ vị trí, vai trò của mình với tư cách là bộ luật nền, luật chung, nhất là trong việc thực hiện ba chức năng: Quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung nhất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự; Định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự đặc thù, và khi các luật chuyên ngành không có quy định về một quan hệ dân sự thì quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng để điều chỉnh. Bất cập này càng được thể hiện rõ hơn khi mà trong điều kiện hiện nay, bên cạnh Bộ luật Dân sự, đã và đang tồn tại ngày càng nhiều đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực dân sự đặc thù, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thương mại, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Lao động… Kết quả là, Bộ luật Dân sự nói riêng và hệ thống pháp luật dân sự nói chung còn chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về tính ổn định, tính khái quát, tính hệ thống, tính dự báo và tính minh bạch trong hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền.

Bên cạnh đó, cấu trúc của Bộ luật Dân sự có điểm chưa hợp lý, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính hệ thống, tính logic giữa các phần và chế định của Bộ luật. Nhiều quy định được lặp lại giữa các phần và các chế định; một số quy định không bảo đảm tính rõ ràng, tạo ra các cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật dân sự trong thực tiễn.

“Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Bộ luật Dân sự nói riêng, pháp luật dân sự nói chung; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của người dân. Do đó, việc xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là rất cần thiết” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có tổng số 710 điều, được bố cục thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.

Trong quá trình soạn thảo, góp ý, đa số ý kiến thể hiện sự tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Tuy nhiên, trong dự thảo Bộ luật có một số vấn đề mới, quan trọng, có vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về các nội dung: về phạm vi điều chỉnh và bố cục của dự thảo Bộ luật Dân sự; những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (từ Điều 2 đến Điều 9); trách nhiệm của Tòa án và cơ quan có thẩm quyền khác trong việc bảo vệ quyền dân sự (Điều 21); bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay từ khi giao dịch dân sự vô hiệu (Điều 145); về thời hiệu (từ Điều 164 đến Điều 177); về hình thức sở hữu (Điều 206 và từ Điều 219 đến Điều 242); về việc sử dụng một số thuật ngữ trong dự thảo Bộ luật; về cách thức xin ý kiến của Quốc hội; thời điểm, cách thức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự và tán thành nhiều nội dung của dự thảo. Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Dân sự hiện hành; Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, khảo sát thực tế tại một số địa phương và tham khảo có chọn lọc pháp luật dân sự một số nước trong khu vực và trên thế giới. Hồ sơ trình dự án Bộ luật Dân sự đầy đủ theo quy định.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Bộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng Bộ luật Dân sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.

Xuất phát từ yêu cầu đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị: Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định để bảo đảm phù hợp với Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; sự tương thích giữa các quy định trong Bộ luật với đặc điểm về văn hóa, địa lý, phong tục, tập quán ở nước ta; dự báo khả năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ một quy định nào của Bộ luật hiện hành cũng cần được cân nhắc thận trọng và thuyết minh cụ thể lý do của việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ, làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo chương trình, buổi chiều các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi)./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com