Ngày 9-7, lễ khánh thành “cột mốc đại 460” và lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào đã được tổ chức long trọng tại cửa khẩu Thanh Thuỷ (tỉnh Nghệ An) - Nậm On (tỉnh Bô-ly-khăm-xay). Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nhân dân hai nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên giới, củng cố an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông đồng chủ trì buổi lễ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông kéo băng khánh thành "cột mốc đại 460". Ảnh: TTXVN |
Vì một đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, vấn đề biên giới lãnh thổ được lãnh đạo hai Đảng và Chính phủ hai nước đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao. Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến vĩ đại, hai bên đã liên tục nỗ lực hợp tác, sát cánh cùng nhau tổ chức quản lý, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, đồng thời phù hợp với thực trạng đường biên giới và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
“Lễ khánh thành “cột mốc đại 460” tại Thanh Thuỷ - Nậm On hôm nay đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa. Đây là thắng lợi chung của hai nước chúng ta trong việc xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Sự kiện này trực tiếp tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế của hai tỉnh Nghệ An - Bô-ly-khăm-xay, đồng thời mở ra những cơ hội mới thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước và quốc tế vào khu vực này, đưa cửa khẩu Thanh Thuỷ - Nậm On trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các du khách trong và ngoài nước” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc hoàn thành công tác cắm mốc biên giới quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lâu dài trong quan hệ hai nước Việt Nam và Lào, là “hoa thơm, trái ngọt” được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thuỷ chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông khẳng định mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt lâu đời giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã không ngừng được phát huy và phát triển đơm hoa kết trái. Dự án “Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Lào - Việt Nam” thể hiện nguyện vọng thiết tha làm cho đường biên giới hai nước rõ ràng và chính xác, vĩnh viễn trở thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác vì sự phồn thịnh của nhân dân và là tài sản vô giá truyền lại cho các thế hệ nhân dân hai nước tiếp tục kế thừa. Nhân dịp này, Thủ tướng Lào Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông biểu dương Uỷ ban liên hợp cắm mốc biên giới hai nước, các cặp tỉnh biên giới và nhân dân hai nước đã đóng góp tích cực thực hiện thành công dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước trên thực địa.
Ba mục tiêu trọng tâm
Dự án “Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào” được triển khai trong giai đoạn 2008-2014, xuất phát từ thực tế là tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài tới 2.067km nhưng chỉ cắm 214 mốc, tương ứng 199 vị trí, mật độ mốc như vậy là quá thưa, gây khó khăn cho công tác nhận biết và quản lý biên giới. Thêm vào đó, hệ thống mốc được thiết kế và xây dựng chưa phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu ở khu vực biên giới, như kích thước cột mốc nhỏ, chất lượng cột mốc chưa cao… Nên sau hơn 20 năm xây dựng, phần lớn các mốc giới đã xuống cấp và hư hỏng. Hầu hết các mốc đã phải gia cố phần nền móng, có mốc phải sửa chữa nhiều lần, gây tốn kém nhưng chưa bảo đảm ổn định. Không những vậy, trong những năm qua, hai bên đã mở và nâng cấp nhiều cửa khẩu cùng với các công trình mới được xây dựng khang trang, hiện đại, nhiều khu vực dân cư ở gần vùng biên giới đã phát triển mạnh mẽ, nên hệ thống mốc cũ không còn phù hợp, nhất là ở các khu vực cửa khẩu, nơi đông dân cư và nhiều người qua lại.
Do đó, nhằm tăng cường hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước, phục vụ nhu cầu phối hợp quản lý biên giới ổn định lâu dài, góp phần củng cố bền vững mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, đồng thời để hoàn thiện chất lượng của đường biên giới và thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới giữa hai bên, lãnh đạo hai nước đã thống nhất cho phép triển khai xây dựng và thực hiện dự án, coi đây là một trong những nội dung hợp tác quan trọng giữa hai nước.
Theo đồng chí Bun-kợt Sẳng-sổm-sắc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào, Chủ tịch Uỷ ban liên hợp cắm mốc biên giới Lào - Việt Nam: Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ hai nước, sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực phấn đấu chung của các bộ, ngành và địa phương liên quan của hai nước; hai bên đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách như núi cao, vực sâu, thời tiết thay đổi thất thường và đặc biệt có nhiều nơi là rừng sâu nước độc, chưa có đường giao thông; công tác cắm mốc trên thực địa giữa hai nước đã diễn ra một cách an toàn, đúng tiến độ. Hai bên đã hoàn thành xây dựng một hệ thống mốc bằng đá hoa cương, bảo đảm khang trang, hiện đại và bền vững với 793 vị trí mốc, tương ứng với 835 cột mốc, cắm bổ sung trên 20 cọc dấu, hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa trong tháng 6-2013 vừa qua, góp phần làm rõ hướng đi của đường biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới hai nước Việt Nam - Lào.
Phát huy thành quả đạt được nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan, địa phương liên quan của hai nước cùng tích cực triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm: Một là phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2014 theo đúng thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó, quan trọng nhất là việc xây dựng, đàm phán và ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Hai là xây dựng, đàm phán, ký kết Hiệp định mới về Quy chế quản lý biên giới, Quy chế về cửa khẩu và quản lý cửa khẩu đáp ứng công tác quản lý biên giới trong tình hình mới, nhất là tạo thuận lợi cho việc giao thương, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng vùng biên giới. Ba là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các vùng biên giới và các cửa khẩu nhằm tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực mang lại đời sống tốt đẹp hơn cho nhân dân vùng biên giới.
Về phần mình, Thủ tướng Thoong-xỉnh Thăm-mạ-vông cũng kêu gọi cán bộ, nhân dân Lào và Việt Nam đóng góp hết sức mình vào việc bảo vệ, gìn giữ cột mốc biên giới, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cũng như giúp đỡ lẫn nhau trên mọi mặt vì sự phồn thịnh lâu dài của nhân dân hai nước./.
Theo qdnd.vn