Chính phủ trình ba dự án luật; thảo luận về Dự kiến Chương trình, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp và thảo luận Dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai
Ngày 5-6, ngày làm việc thứ mười bốn, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIII. Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đọc Tờ trình dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) (sửa đổi), trong đó nêu rõ tình hình thực hiện luật này thời gian qua và sự cần thiết xây dựng dự án luật (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế của luật hiện hành, gia tăng các cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, xác định rõ hành vi vi phạm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí. Dự thảo Luật THTK, CLP (sửa đổi) gồm năm chương, 76 điều, quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong THTK, CLP, công tác khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong THTK, CLP.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày tán thành với Tờ trình về sự cần thiết ban hành luật này. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, Luật THTK, CLP hiện hành đã bao quát những vấn đề cần điều chỉnh, những bất cập phát sinh là do khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, đề nghị cân nhắc về sự cần thiết sửa đổi Luật THTK, CLP lần này.
Thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của QH, đa số ý kiến tán thành với Tờ trình của Ủy ban TVQH về nội dung này. Theo đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 gồm 36 dự án luật; bổ sung và điều chỉnh tiến độ của 13 dự án luật, một dự thảo nghị quyết của Ủy ban TVQH trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; bổ sung sáu dự án luật và hai dự án pháp lệnh, một dự án nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII. Nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, QH, các cơ quan của QH, đại biểu QH, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh. Công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Vũ Xuân Trường, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại hội trường. |
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH còn những hạn chế kéo dài nhiều năm như: một số cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản còn chậm; chưa thực hiện tốt việc tổng kết, khảo sát thực tiễn, phân tích chính sách, đánh giá tác động. Việc gửi tài liệu cho các cơ quan thẩm tra, Ủy ban TVQH, QH thường chậm, làm cho chương trình của QH bị điều chỉnh, gây xáo trộn, cử tri băn khoăn... Do vậy, các đại biểu này đề nghị, Ủy ban TVQH cần siết chặt kỷ cương để nâng cao chất lượng soạn thảo, bảo đảm thời gian, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh; kiên quyết không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án luật chưa được nghiên cứu kỹ, chưa có đủ hồ sơ; không đưa vào xem xét những dự án luật, pháp lệnh mặc dù đã có trong chương trình nhưng không bảo đảm tiến độ về thời gian trình dự án cũng như chất lượng dự án.
Đề cập việc đưa luật đã được ban hành vào cuộc sống, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) và một số đại biểu khác cho rằng, những năm qua QH ban hành nhiều luật, Ủy ban TVQH ban hành nhiều pháp lệnh, song chậm đi vào cuộc sống, tình trạng luật được ban hành nhưng phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. Điều này không chỉ ảnh hưởng việc tổ chức thực hiện luật, pháp lệnh mà còn gây tâm lý băn khoăn cho người dân. Để khắc phục tình trạng nêu trên, các đại biểu này đề nghị, QH cần tăng cường giám sát các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thi hành luật.
Đại biểu Nguyễn Danh Út (Kiên Giang) và một số đại biểu cho rằng, cần ưu tiên đưa vào chương trình năm 2014 các dự án luật liên quan trực tiếp các quy định của Hiến pháp, sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được QH thông qua vào cuối năm 2013; nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, như Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi).
Buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Bộ trưởng KH và ĐT Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật nói trên. Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) với vai trò là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức là cần thiết. Đồng thời, để thống nhất các nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xử lý mối quan hệ giữa luật này với các luật khác có liên quan về lĩnh vực đấu thầu, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đấu thầu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Tiếp đó, Bộ trưởng LĐ-TB và XH Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Việc làm. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Việc ban hành Luật Việc làm là cần thiết nhằm góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Chính sách việc làm tích cực sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Thời gian còn lại của ngày làm việc, các đại biểu đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp. Nhiều đại biểu: Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng), Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), Trịnh Thế Khiết (TP Hà Nội), Phan Văn Quý (Nghệ An)... đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về sự cần thiết sửa đổi Điều luật này.
Theo một số đại biểu, việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp là nhằm giải quyết vướng mắc không chỉ cho những doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động, mà còn tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp chưa hết hạn hoạt động có thể điều chỉnh, bổ sung ngành nghề hoặc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và một số giải pháp hỗ trợ của Chính phủ cần có thêm thời gian để thực hiện, xem xét sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp là cần thiết, giúp giải quyết và mang lại hiệu quả ngay cho nhiều doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển.
Một số đại biểu khác đề nghị cần rà soát cụ thể và chỉ cho phép doanh nghiệp đăng ký lại hoặc mở rộng ngành nghề nếu hoạt động đầu tư không vi phạm pháp luật, kiểm tra, giám sát bảo đảm các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phù hợp với quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Nhà nước. Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn về những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký lại.
Một số đại biểu đề nghị, đối với các trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động ghi trong Giấy phép đầu tư, nhưng thực tế vẫn hoạt động, vẫn thực hiện các giao dịch, ký kết các hợp đồng, trong Dự thảo Luật sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp cần bổ sung quy định về hiệu lực hồi tố để tránh các hệ quả pháp lý phát sinh.
Sáng qua 6-6, ngày làm việc thứ mười lăm, QH thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban TVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này.
Dự thảo Luật trình QH tại kỳ họp này bao gồm các chế định như: chính sách pháp luật đồng bộ của Nhà nước về đầu tư huy động nguồn lực, các giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; công tác giáo dục, huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân trong việc tuân thủ pháp luật và tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai.
Dự thảo Luật cũng quy định về vấn đề tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai do ngân sách Nhà nước bảo đảm, quy hoạch các vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai, quy định về các thông tin dự báo và cảnh báo thiên tai, công tác thống kê, đánh giá thiệt hại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
Theo chương trình dự kiến, sau khi đại biểu QH thảo luận, Ủy ban TVQH sẽ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Luật để QH xem xét, thông qua vào ngày 19-6-2013.
Trong thời gian làm việc buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)./.
Theo Nhân dân