Phong cách báo chí Hồ Chí Minh

10:06, 22/06/2013

“Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của báo chí đòi hỏi người làm báo phải có đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, không ngại gian khó, hy sinh (kể cả hy sinh tính mạng), vì nhân dân phục vụ. Người làm báo phải dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo để lưu danh thiên cổ, muốn viết cho ai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn”./.

(Trích bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8-9-1962)

Trong một lần tiếp các nhà thơ, nhà văn quốc tế tại Hà Nội, một nhà thơ Nga đã chuyển đến Bác tập "Nhật ký trong tù" mà nhà thơ An-tôn-xki đã dịch ra tiếng Nga. Sau đó ông đã đọc lên một bài thơ:

"Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn quét sạch không
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi thi hứng bỗng thêm nồng"

Và gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn. Nhưng Bác đã cười khiêm tốn, không nhận mình là nhà thơ. Bác nói:

- Các bạn gọi tôi là một cây bút tiểu phẩm, nhà chính luận. Gọi tôi là người tuyên truyền, tôi cũng không tranh cãi. Nhà cách mạng chuyên nghiệp có lẽ là đúng nhất!

Bác Hồ - một tấm gương sáng trong việc sử dụng ngôn ngữ, người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ - một tấm gương sáng trong việc sử dụng ngôn ngữ, người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vĩ đại. Nhưng bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một sự nghiệp báo chí rất vẻ vang. Chúng ta có thể gọi Bác là một nhà báo quốc tế, vì vào những năm 20, 30 của thế kỷ 20, Người đã từng viết rất nhiều cho các tờ báo ở Pháp, ở Nga và Trung Quốc…

Trong những lần đến dự đại hội của Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ cũng khiêm tốn nói mình chỉ là một người có duyên nợ với báo chí, hoặc có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí.

Song trong tác phẩm nổi tiếng: "Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp", bác Phạm Văn Đồng viết: "Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn... Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái, mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giản dị, giàu hình tượng, nói lên được điều lớn bằng những chữ nhỏ".

Trên con đường đi tìm độc lập, tự do cho Tổ quốc, Người hiểu một cách sâu sắc báo chí là một vũ khí sắc bén của cách mạng. Báo chí như Lênin đã nói: Là người tuyên truyền tập thể, người cổ động tập thể và người tổ chức tập thể. Chính vì thế ngay từ những ngày đầu, Bác Hồ đã viết báo để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của mình.

Đầu tiên, Bác viết báo bằng tiếng Pháp cho những tờ báo "Đời sống thợ thuyền", rồi báo "Nhân đạo" và những tờ báo cánh tả ở Pháp. Trong khi cộng tác với các tờ báo cánh tả, Bác nhận thấy là người Pháp biết quá ít, cũng có thể nói là nhiều người chẳng biết gì về Việt Nam, Bác muốn viết nhiều những bài báo nói về tình hình của xứ Đông Dương thuộc địa, về bọn thực dân tàn ác đã mang đến cho người dân Đông Dương những gì… Và sau đó, Bác có ý định tập hợp những bài báo đó để in một cuốn sách, có thể có tên là "Những người bị áp bức".

Một tên mật thám Pháp được giao theo dõi Bác đã báo cho tên bộ trưởng thuộc địa là ông Nguyễn Ái Quốc dự định xuất bản một cuốn sách bằng tiền của mình. Nhưng sau đó, một buổi chiều trở về nhà, Bác rất buồn khi phát hiện ra cuốn bản thảo đã biến mất. Rõ ràng là tên mật thám đã cuỗm đi. Thế nhưng, Bác vẫn giữ được một số bài báo đã viết và sau này sử dụng trong cuốn sách nổi tiếng "Bản án chế độ thực dân Pháp".

Như thế là do nhu cầu của cách mạng, Bác đã trở thành một nhà báo. Chúng ta đã từng biết những khó khăn khi học ngoại ngữ, nên càng thấy Bác đã phải có nỗ lực cao như thế nào trong những ngày đầu tiên viết báo bằng tiếng Pháp. Từ những dòng tin ngắn, những bài báo nhỏ, đến việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ và lối tư duy Pháp, để viết nên những cuốn sách "Truyện và ký", "Bản án chế độ thực dân Pháp" - một tác phẩm đã làm náo động dư luận Pháp và có ảnh hưởng lớn trong các nước thuộc địa. Chúng ta hãy đọc lại vài đoạn ngắn trong những bài viết của Người vào năm 1925 khi nói về những người dân thuộc địa bị thực dân Pháp ve vãn đi làm bia đỡ đạn cho chúng ở Pháp.

"Trước năm 1914, họ chỉ là những tên da đen "hèn hạ", giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta, ấy thế mà, cuộc "Chiến tranh vui tươi" vừa bùng nổ, thì lập tức họ biến thành những đứa "con yêu", những người "bạn hiền" của các quan cai trị "nhân hậu"!

Khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố "tình tứ" của các nhà cầm quyền nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép màu. "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!".

Và đây nữa: "Công lý là bà đầm cầm cân và cầm kiếm. Nhưng đường từ Pháp sang Đông Dương xa quá, nên khi sang Đông Dương, cái cân đã chảy lỏng ra thành cái tẩu thuốc phiện và chai rượu ty. Chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết và nhất là chém giết người vô tội!".

Từ một người tự học và viết báo, Bác đã tiến tới làm chủ bút tờ "Người cùng khổ" - một tờ báo cách mạng. Theo Bác tên gọi "Người cùng khổ" phản ánh chính xác hoàn cảnh sống của các dân tộc bị áp bức. Bác đã đến gặp Hăng-ri Bác-buýt và đề nghị ông nhận đỡ đầu tờ báo. Lúc này Bác-buýt đang là người lãnh đạo Hội Ánh Sáng - Hội các Nhà văn tiến bộ thế giới. Tham gia tổ chức này có các nhà hoạt động văn học nổi tiếng như: A-na-tôn Frăng-xơ, Béc-na Sô, Ta-go… Bác-buýt đã nhiệt liệt hưởng ứng, thậm chí còn nhường cho tòa soạn Báo "Người cùng khổ" một phòng trong căn nhà của Ban thư ký Hội Ánh Sáng.

Số đầu tiên Báo "Người cùng khổ" ra mắt bạn đọc ngày 1 tháng 4 năm 1922. Tên báo được viết bằng 3 thứ tiếng: Pháp, Ả-rập, Trung Quốc, để nhấn mạnh tính quốc tế của nó. Trong lời chào của tòa soạn gửi bạn đọc, Bác viết: "Đây là tờ báo đầu tiên nói lên tiếng nói của mọi người lao động ở tất cả các xứ thuộc địa của Pháp". Bác không chỉ làm biên tập, mà còn là tác giả phần lớn các bài viết, các bức ký họa và tranh châm biếm. Với những bài báo ngắn, gọn, có tính chiến đấu cao, "Người cùng khổ" đã nhạy bén và phản ánh kịp thời các biến cố quan trọng diễn ra ở Đông Dương và các thuộc địa khác của Pháp. Qua tay những thủy thủ, tờ báo đã vượt biển về với nước nhà và có tác dụng rất lớn.

"Đứng dậy ơi Người cùng khổ ơi
Tiếng chuông đã đánh giục liên hồi
Hãy bay đi, hãy bay qua sóng
Về nước non xa, thức tỉnh đời… "

                     Tố Hữu

Tại Đại hội lần thứ hai của Hội Nhà báo Việt Nam (1959) Bác kể: "Có thời gian mình làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo của tờ Pa-ri-a. Các đồng chí người thuộc địa Á, Phi viết bài và quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết".

Thời kỳ ở Mát-xcơ-va, Bác cũng viết rất nhiều. Trong cuốn sách "Đồng chí Hồ Chí Minh", E Cô-bê-lép đã viết: "Ở Mát-xcơ-va, Nguyễn Ái Quốc đã tỏ rõ là một ký giả có tầm cỡ quốc tế. Anh viết nhiều, trước hết là cho Tạp chí: "Thư tín Quốc tế", cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản". Người lãnh đạo Tạp chí này đã nhận xét: Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là một trong những cộng tác viên tích cực nhất của Tạp chí cho đến tận năm 1939, năm Tạp chí đình bản. Nhiều bài viết của đồng chí đã xuất hiện đều đặn trên các tờ báo Xô viết khác.

Tuy ở Nga, nhưng Bác Hồ vẫn liên lạc với các đồng chí ở Pháp và vẫn viết bài cho các tờ báo Nhân đạo, Đời sống công nhân và Báo Người cùng khổ.

Thời gian ở Trung Quốc với nhiều tên khác nhau, Bác đã viết rất nhiều bài trên các tờ báo cách mạng. Tháng 6 năm 1925, Bác Hồ sáng lập "Báo Thanh niên", cơ quan Trung ương của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Số đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 21 tháng 6 năm 1925. Sau này, tháng 2-1985 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy ngày này làm Ngày Báo chí Việt Nam; đến tháng 6-2000, Bộ Chính trị đồng ý với đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Năm 1941, trở về Pác Bó trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Bác lại tiến hành ngay việc sáng lập ra tờ "Báo Việt Nam Độc lập".

Trong nhiều lần nói chuyện với các nhà báo, Bác Hồ thường nhắc nhở: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Đối với Người, văn chương có tính lịch sử cụ thể. Khi viết: "Đường Cách mệnh", Bác nói rõ: "Sách này muốn viết cho vắn tắt, dễ hiểu. Chắc có người sẽ chê văn chương cụt quằn. Vâng, đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như hai lần hai là bốn, không tô vẽ, trang hoàng gì cả. Người nói: "hơn 60 năm nay đế quốc chủ nghĩa Pháp chà đạp lên 20 triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, phải làm chóng, để cứu lấy giống nói, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời, trau chuốt"…

"Những trang văn tung hoành, Bác viết ở châu Âu
Khi cầm đến nắm đất quê hương, Người xếp lại
Với dân tộc ít lời, Người ít nói
Thấy trời bể non sông, giờ phải nói chi nhiều
Giàu từ ngữ văn chương mà chi, khi Tổ quốc nghèo
Bác viết cho người mù chữ nghe và hiểu được".

                         Chế Lan Viên

Và chính vì thế, những bài báo ngắn gọn, những câu thơ dễ hiểu của Bác đã đi thẳng vào lòng người. Thuở ấy dân ta đã có câu ca: "Rủ nhau đi học I tờ. Đọc thông, viết thạo, xem thơ cụ Hồ".

Nhưng khi trình độ dân trí đã nâng cao, Bác lại khuyên những người viết báo, viết văn: "Chớ viết khô khan quá, phải viết cho văn chương, vì ngày trước khác, bây giờ khác, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới đọc". Người yêu cầu những người viết báo phải theo sát những bước tiến của cách mạng, phải nâng cao chất lượng của báo chí cho phù hợp với trình độ ngày càng cao của nhân dân. Các nhà nghiên cứu nói: Phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngắn gọn, phóng khoáng, thiết thực, giàu sức sáng tạo ngôn ngữ và hấp dẫn người đọc.

Với báo chí Việt Nam, Bác Hồ đã viết khoảng 1.200 bài báo. Bài báo cuối cùng của Bác là bài: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân".  Và bài báo này Bác đã gửi cho tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị để góp ý kiến.

Trong bài "Sen của loài người", nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: "Cuộc đời của Bác đâu phải là một cuộc đời, mà là tổng hợp của nhiều cuộc đời… Người thủy thủ có lịch sử mười năm đi biển, ngang dọc các đại dương trên thế giới. Người làm báo lỗi lạc ở những thủ đô văn hóa lớn. Nhà thơ, nhà hiền triết có cái hồn trầm tĩnh, trầm mặc của những vòm trời màu mây phương Đông. Một cụ già trồng cây cho cả nước. Người ông của các cháu nhi đồng. Cuộc đời nào cũng đẹp, các văn phong của Người lối nào cũng tài năng. Nhưng cuối cùng, Người đã vì ta chỉ sống có một cuộc đời: Cuộc đời lãnh đạo chúng ta làm cách mạng. Chỉ viết có một lối văn: Lối văn giản dị, thuần phác. Chỉ mang một cái tên, cái tên rất vô danh: "Bác", mà con cháu ta sẽ nhớ đến muôn đời!"./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com