Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ các cấp. Mới đây, Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, cùng với sự nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở Đảng, cần nâng cao vai trò của MTTQ trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền.
Cơ sở chính trị của Đảng, chính quyền
Thường xuyên được chăm lo xây dựng, nên nhiều năm nay hệ thống Mặt trận ở tỉnh ta đã được củng cố, kiện toàn. Ngoài cấp tỉnh, huyện, xã, đến nay 100% khu dân cư (thôn, xóm, tổ dân phố) trong tỉnh đều thành lập, duy trì hoạt động của các ban công tác Mặt trận. Những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh luôn chú trọng tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Điều đó được thể hiện rõ qua các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, Mặt trận đã thực hiện tốt nhiệm vụ hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử; giám sát bầu cử. Đặc biệt, trong công tác hiệp thương, MTTQ các cấp đã lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần, số lượng, góp phần đảm bảo các cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn. MTTQ thường xuyên tổ chức việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng các dự thảo văn kiện của cấp uỷ cùng cấp và cấp trên; dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản pháp quy khác của Trung ương và địa phương. Trước các kỳ đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Uỷ ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị nhân sỹ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp. MTTQ nhiều địa phương mạnh dạn đóng góp ý kiến cho việc lựa chọn, chuẩn bị nhân sự cấp uỷ. Hằng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh và HĐND, UBND cùng cấp đều xây dựng quy chế phối hợp hoạt động. Việc thực hiện quy chế phối hợp được hai bên duy trì có nền nếp, thể hiện qua một số hoạt động như cử đại diện tham dự các kỳ họp của mỗi bên; phối hợp thực hiện công tác giám sát, tổ chức các hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND. Thực hiện quy định tại Pháp lệnh Thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, hai năm một lần MTTQ cấp cơ sở trong tỉnh tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt trong cấp uỷ, chính quyền địa phương. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân là một trong những cơ sở giúp cho cấp uỷ, chính quyền cấp trên đánh giá đúng hơn, thực chất hơn về phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở, từ đó có định hướng trong việc đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, thông qua kết quả tín nhiệm của nhân dân, giúp cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, từ đó tích cực học tập, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, thường xuyên gần dân, lắng nghe, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn… Trong nhiều năm, ở 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh duy trì hoạt động của Ban thanh tra nhân dân với gần 2.200 thành viên. Hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân đã góp phần hạn chế những tiêu cực tại cơ sở, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu chi ngân sách và các khoản đóng góp của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
MTTQ tỉnh tổ chức tuyên truyền, triển khai công tác đảm bảo ANTT-ATXH tại các địa phương ven biển. |
Để việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thực chất, hiệu quả
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ các cấp trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thực sự có những đột phá. Ở một số địa phương, cấp uỷ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của Mặt trận, chưa có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức. Nhiều nơi, nhiều lúc công tác Mặt trận nói chung, công tác Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nói riêng còn mang tính hình thức, chưa tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội. Nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng của tỉnh, của các địa phương chưa có sự chủ động tham gia của MTTQ các cấp. Nhiều ý kiến tại các diễn đàn do Mặt trận tổ chức còn nặng tính phản ánh, thiếu tính phản biện. Từ năm 2006, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp xây dựng, ban hành Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”, quy định hoạt động giám sát của Mặt trận đối với cán bộ, công chức, đảng viên cư trú, làm việc ở xã, phường, thị trấn, khu dân cư; những cán bộ, đảng viên ở nơi khác nhưng công tác trên địa bàn; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng trên địa bàn cấp xã, tập trung vào những tổ chức thường xuyên tiếp xúc với dân, phụ trách những việc liên quan đến quyền lợi của dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả thực hiện quy chế này của MTTQ cơ sở còn hạn chế. Không ít trường hợp cán bộ, đảng viên mắc sai phạm, trong đó có những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại địa phương, vi phạm đạo đức, lối sống nhưng không có sự giám sát, phát hiện, kiến nghị xử lý từ phía MTTQ các cấp.
Để nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, trước hết MTTQ các cấp trong tỉnh cần coi đây là hoạt động trọng tâm, thường xuyên. Chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ, qua đó thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trước mắt MTTQ các cấp cần tập trung đẩy mạnh thực hiện Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. Chú trọng giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, thu chi các loại quỹ, thuế, lệ phí; thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư, nội quy, quy chế làm việc, quy định về công khai thủ tục hành chính của tổ chức; ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Thực hiện tốt công tác này, Mặt trận sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm, gương mẫu trong việc rèn luyện, phấn đấu, chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời ngăn chặn những biểu hiện vi phạm, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phát huy được vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, MTTQ cần tăng cường thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc xây dựng, ban hành, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của nhân dân, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước theo hướng phù hợp, sát thực, tính khả thi cao; khắc phục tình trạng quan liêu của các cơ quan thực thi pháp luật, đảm bảo mỗi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước khi ban hành, tổ chức thực hiện đều phát huy hiệu quả trong đời sống. Trong điều kiện tỉnh ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường; nhiều chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chủ trương, kế hoạch xây dựng nông thôn mới ở 96 xã điểm đang được tập trung triển khai, MTTQ càng có vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát. MTTQ các cấp trong tỉnh phải tập hợp, xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, am hiểu lý luận, thực tiễn, có tư duy, khả năng phân tích, phản biện. Trong đó, Uỷ ban MTTQ tỉnh cần thường xuyên kiện toàn, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn. Quy tụ, khai thác, phát huy trí tuệ của đông đảo đoàn viên, hội viên trên mọi lĩnh vực. Xây dựng, thiết lập được cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin làm cơ sở cho công tác giám sát, phản biện. Quá trình tổ chức giám sát, phản biện bảo đảm tính Đảng, tính nhân dân, trung thực, khách quan, khoa học, không làm cản trở những cái mới, sự năng động, sáng tạo, đồng thời nâng cao vai trò, hiệu quả công tác Mặt trận trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Cùng với việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo các điều kiện thuận lợi cho công tác Mặt trận, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần nâng cao trách nhiệm tiếp thu, giải trình những kiến nghị, đề xuất của nhân dân thông qua MTTQ các cấp. Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của nhân dân, từ đó đề ra được các chủ trương, chính sách lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, đúng đắn./.
Bài và ảnh: Trần Duy Hưng