Chúng tôi đến thăm cụ Trần Kính - cán bộ lão thành cách mạng ở phường Hạ Long (TP Nam Định) vào một ngày giáp Tết Nhâm Thìn. Năm nay, cụ là một trong 16 đảng viên cao tuổi trong toàn tỉnh vinh dự được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng đúng dịp kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên ấm trà, theo dòng ký ức, cụ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thăng trầm của mình.
Đảng viên lão thành Trần Kính luôn trân trọng những kỷ vật trong quãng đời trên 60 năm hoạt động cách mạng của mình. |
Sinh ra trong một gia đình bần nông ở huyện Đông Hưng (Thái Bình), 6 tuổi, cụ đã theo người bà con lên Hà Nội đi ở cho một cai than, bế em, rửa bát, lau nhà, chịu mọi cực nhọc để giúp đỡ gia đình. Đến năm 14 tuổi, khi con cái của gia đình họ đã lớn, thấy cụ sức vóc khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, ông chủ đã nhận vào làm culi than ở bến chợ Khâm Thiên, chuyên bốc vác than lên tàu. Chứng kiến cảnh công nhân bị bóc lột sức lao động đến tận xương tuỷ, trong lòng cụ đã trào dâng một nỗi xót xa của người dân mất nước, căm thù giặc ngoại xâm. 16 tuổi, cụ đã bị bắt cầm tù khi đang tham gia tổ chức Công hội đỏ, cùng anh em tham gia đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Sau 3 năm bị giam tại nhà tù Hoả Lò, năm 19 tuổi, cụ cùng một số anh em tổ chức vượt ngục, ngược lên mạn Yên Bái tham gia vào Chi đội Giải phóng quân Trần Quốc Toản thuộc Trung đoàn Phú Yên 115. Trong thời gian hoạt động trong an toàn khu Yên Bái, tháng 2-1946, khi vừa tròn 21 tuổi, cụ đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1949, cụ được tổ chức phân công sang Trung Quốc học và được giữ lại làm giáo viên Trường Lục quân phân hiệu tại nước bạn. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào giai đoạn tổng tiến công, cụ được cử về nước trực tiếp phụ trách đại đội 806 thuộc tiểu đoàn 130 tham gia vào chiến dịch. Lúc đó, tiểu đoàn 130 được giao nhiệm vụ tác chiến tại Phân khu Hồng Cúm, trực tiếp chi viện cho 3 mũi tiến công của 3 tiểu đoàn bộ binh. Trong chiến dịch, tiểu đoàn 130 đã lập công lớn mở đường cho bộ đội ta vượt qua sông Nậm Rốm, tiến công thẳng vào Trung tâm cứ điểm Him Lam.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ về công tác tại Văn phòng UBND tỉnh, phụ trách mảng văn hoá sau đó chuyển về Sở GD và ĐT rồi giữ cương vị Giám đốc Trường Đảng Thành phố Nam Định cho đến lúc nghỉ hưu. Về nghỉ chế độ tại địa phương, cụ tiếp tục tham gia công tác Đảng, công tác Mặt trận tại cơ sở, làm Bí thư Đảng bộ phường Hạ Long, Trần Tế Xương, tham gia Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày… Đến nay dù đã 87 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, cụ vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Ban liên lạc lão thành cách mạng của tỉnh, là uỷ viên ban chấp hành Hội Khuyến học, chủ tịch Quỹ Tài năng trẻ của phường, tổ trưởng tổ lão thành cách mạng phường, vẫn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chi bộ, các hoạt động của Hội Người cao tuổi… Vào những lúc rảnh rỗi, cụ vẫn tranh thủ đạp xe đi thăm bạn bè, những người đồng chí đồng đội khi xưa... Mặc dù đã quá nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong ký ức của cụ, những ngày tham gia hoạt động trong chiến khu và những tháng ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn như nguyên vẹn, từng ánh mắt, nụ cười của đồng đội, khi chia sẻ với nhau từng bát cơm độn sắn, từng điếu thuốc cho ấm lòng. Mới đây, vào tháng 9-2011, cụ được cùng những người đồng đội khi xưa trở về thăm lại chiến khu Việt Bắc, những địa chỉ “đỏ” như lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, hang Pắc Bó, chuyến đi dài ngày khá vất vả, đặc biệt là với những người tuổi đã cao như cụ nhưng ai cũng phấn khởi và thấy như khoẻ ra.
Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cụ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy hiệu 30, 40, 50, 60 năm tuổi Đảng, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục đào tạo, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tư tưởng văn hoá, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết, Kỷ niệm chương Vì nghĩa vụ quốc tế… Những bức ảnh trong chốn lao tù, những tấm Bằng khen, Huân, Huy chương được cụ nâng niu gìn giữ như những kỷ vật vô giá. Cụ kể, các con cụ định cư ở bên Pháp có nhã ý đón cụ sang để có điều kiện chăm nom phụng dưỡng song cụ từ chối, bởi với cụ không đâu bằng mảnh đất quê hương mình. Với cụ bây giờ chỉ mong được sống những năm tháng cuối đời thật khỏe mạnh để được chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước, sự lớn mạnh không ngừng của Đảng, sự tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi sau./.
Bài và ảnh: Hoài Phương