Đạo đức, tác phong người cách mạng

07:12, 15/12/2011

Tư tưởng đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là di sản vô giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là một chỉnh thể đã tạo nên nhân cách của Bác - một mẫu mực hoàn thiện nhất của nhân cách Việt Nam - nhân cách của con người cách mạng, con người cộng sản; một tấm gương trong sáng tuyệt vời đối với mọi thế hệ người Việt Nam.

Bác Hồ trồng cây lưu niệm khi Người trở lại thăm Pắc Bó.
Bác Hồ trồng cây lưu niệm khi Người trở lại thăm Pắc Bó.

Tư tưởng, đạo đức, tác phong là ba mặt liên quan chặt chẽ với nhau, thể hiện rõ qua nhận thức và hoạt động thực tiễn; trong đó tư tưởng chi phối đạo đức, tác phong; đồng thời đạo đức, tác phong lại hiện thực hóa tư tưởng qua hoạt động thực tiễn của con người.

Trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng tư tưởng và đạo đức, đồng thời quan tâm rèn luyện tác phong hết sức cụ thể, sâu sắc đầy cảm hóa, thuyết phục và hướng dẫn trực tiếp hành động cho mọi người, thuộc mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội.

Về tác phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý giáo dục cán bộ, đảng viên trên cả ba lĩnh vực: “Công tác, lãnh đạo và sinh hoạt hằng ngày; thể hiện cả trong ba mối quan hệ: đối với công việc, đối với người khác và đối với bản thân mình”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục cán bộ, đảng viên về tác phong cũng như về tư tưởng, đạo đức không chỉ qua những lời nói, những bài viết, mà điều quan trọng hơn là ở ngay những hoạt động thực tiễn của Người. Bác là người luôn thực hiện trước hết và hơn ai hết phương châm: “Nói phải đi đôi với làm”. Hơn thế nữa, Bác đã làm nhiều hơn những điều Bác đã nói và viết. Sự vĩ đại của Bác chính là ở đó. Niềm tin tuyệt đối, sự kính trọng đến mức thiêng liêng của mọi người đối với Bác cũng bắt nguồn từ đó.

Điểm nổi bật nhất trong tác phong của Bác là tính quần chúng sâu sắc, sự tin yêu và tôn trọng quần chúng; vừa lãnh đạo, vừa phát huy quyền làm chủ của quần chúng; vừa giáo dục, vừa không ngừng học hỏi quần chúng; giản dị, gương mẫu và luôn luôn quan tâm đến đời sống của quần chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy cán bộ, đảng viên chúng ta phải: “Từ quần chúng mà ra, phải trở lại với quần chúng”. Bác đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân”, những người chưa xứng đáng là người đầy tớ, người học trò của dân. Những thói mệnh lệnh, cửa quyền đối với quần chúng, cưỡng bức, ức hiếp quần chúng, không chú ý lắng nghe ý kiến phê bình, những kiến nghị của quần chúng, bỏ mặc không xem xét những yêu cầu, khiếu nại của quần chúng… là hoàn toàn xa lạ với quan điểm và tác phong của Bác. Bác thường nhắc nhở mọi người: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”. Làm cho dân kính, dân tin, dân yêu, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Uy quyền chỉ có thể làm người ta sợ, chứ không thể dành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Quần chúng chỉ tin yêu, kính phục cán bộ, đảng viên khi thấy ở người cán bộ, đảng viên có tấm lòng trọn vẹn với dân, với nước như Bác Hồ dạy.

Nếu tác phong quần chúng là một nội dung nổi bật nhất trong tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì tác phong tập thể, dân chủ với Người là một nội dung không kém phần quan trọng. Nó xuất phát từ quan điểm về chủ nghĩa tập thể của chủ nghĩa Mác - Lênin và từ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Bác Hồ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xây dựng một tác phong tập thể, dân chủ trong công tác, trong lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Đối với người phụ trách, người lãnh đạo, tác phong tập thể dân chủ, đòi hỏi phải mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng dân chủ với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ với mọi người. Cách làm việc đó sẽ tạo ra không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo. Người lãnh đạo, người phụ trách cần có tác phong tập thể dân chủ, phải lắng nghe cấp dưới; hơn thế nữa còn biết khơi gợi cho cấp dưới nói lên ý kiến của mình.

Trong công tác lãnh đạo, Bác Hồ yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xây dựng tác phong khoa học, cách làm việc khoa học. Tác phong khoa học đòi hỏi trong khi làm việc, trong khi lãnh đạo, theo Bác Hồ là phải có kế hoạch rõ ràng từ kế hoạch lớn đến kế hoạch nhỏ. Bác còn nhắc nhở chúng ta phải biết quý trọng thời gian, làm việc phải đúng giờ, làm việc phải có điều tra nghiên cứu, nắm chắc tình hình, nắm chắc vấn đề mới đi đến quyết định triển khai. Bác đòi hỏi trong việc làm và lãnh đạo phải sâu sát, phải tăng cường kiểm tra đôn đốc chặt chẽ để kịp thời phát huy mặt tốt, sửa chữa sai sót. Người thường dặn cán bộ phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói tay làm, không được lãnh đạo chung chung. Yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện để có được một tác phong sinh hoạt giản dị, lành mạnh, trong sạch.

Tác phong của Bác Hồ là tác phong quần chúng, tác phong tập thể dân chủ; tác phong khoa học, tác phong sinh hoạt giản dị, lành mạnh, trong sạch. Đó là tác phong mang tính triệt để và tính khoa học sâu sắc. Tác phong ấy đã chắt lọc và chứa đựng tất cả những gì tốt đẹp nhất của truyền thống Việt Nam, của con người và dân tộc Việt Nam. Tác phong ấy rất hiện đại, luôn hướng con người về tương lai và là một bộ phận không thể thiếu của nhân cách những con người xã hội chủ nghĩa./.

Theo: Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com