Lực lượng Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh: 60 năm - Những chặng đường vẻ vang

07:12, 15/12/2011

Đại tá VŨ QUANG HƯNG
Phó Giám đốc Công an tỉnh

Cách đây 60 năm, ngày 31-12-1951, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VI đã quán triệt công an các tỉnh thực hiện Chỉ thị số 5/CT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nhiệm vụ và tổ chức của lực lượng CAND, thành lập Ban Chấp pháp. Theo đó, Ty Công an Nam Định đã tổ chức thành lập Tiểu ban Chấp pháp nằm trong Ban Chính trị, là tiền thân của lực lượng Cảnh sát điều tra, trong đó có lực lượng văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra (Văn phòng CQCSĐT) ngày nay. Ngày 31-12-1951 được Bộ Công an xác định là ngày truyền thống của lực lượng Văn phòng CQCSĐT các cấp.

Trải qua 60 năm sáp nhập, chia tách với nhiều tên gọi phù hợp ở mỗi thời kỳ cách mạng, từ Tiểu Ban Chấp pháp Ty Công an Nam Định (1951-1954); Ban Chấp pháp Ty Công an Nam Định (1954-1976); Phòng Chấp pháp Ty Công an Hà Nam Ninh (1976-1981); từ năm 1981-1989, Phòng Chấp pháp tách thành Phòng CSĐT xét hỏi và Phòng An ninh điều tra xét hỏi Công an tỉnh Hà Nam Ninh; từ năm 1989-1992, sáp nhập 2 Phòng CSĐT xét hỏi và một số bộ phận nghiệp vụ của Phòng Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát hình sự thành Phòng CSĐT Công an tỉnh Hà Nam Ninh; từ năm 1992-1997 là Phòng CSĐT Công an tỉnh Nam Hà; từ năm 1997-2004 là Phòng CSĐT Công an tỉnh Nam Định. Khi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004 sửa đổi có hiệu lực thì Văn phòng CQCSĐT Công an tỉnh Nam Định được thành lập. Dấu mốc trên thực sự là một chặng đường vẻ vang, in đậm dấu ấn với những chiến công xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ CSĐT Nam Định, trong đó có lực lượng Văn phòng CQCSĐT; nhất là trong công tác đấu tranh chống phản động, triệt phá các loại băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tham gia giải quyết điểm nóng, an ninh nông thôn, góp phần giữ gìn bình yên cuộc sống cho nhân dân.

Biểu diễn võ thuật của chiến sỹ đại đội CSCĐ (Công an tỉnh) tại cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nam Định. Ảnh: Xuân Thu
Biểu diễn võ thuật của chiến sỹ đại đội CSCĐ (Công an tỉnh)
tại cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Nam Định
. Ảnh: Xuân Thu

Ngay từ khi thành lập, lực lượng CSĐT đã phối hợp với các lực lượng Công an Nam Định tích cực tham gia cuộc chiến chống bọn phản động dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào miền Bắc di cư vào miền Nam. Lãnh đạo Ty Công an đã giao Ban Chấp pháp cử cán bộ có kinh nghiệm tham gia các đoàn công tác chống cưỡng ép di cư và trực tiếp điều tra, bắt giữ, lập hồ sơ đưa ra truy tố hoặc cảnh cáo, giáo dục những đối tượng cầm đầu, đối tượng tham gia hoạt động dụ dỗ, cưỡng ép người di cư. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, lực lượng chấp pháp đã tập trung đấu tranh với các đối tượng là tay sai đắc lực của bọn phản động, gián điệp Pháp còn lại và đấu tranh với các loại tội phạm khác như tham ô tài sản XHCN, giết người, cướp, trộm cắp tài sản… thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm đảm bảo TTATXH.

Đất nước thống nhất, thực hiện Nghị quyết số 245/NQ ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị, Nghị quyết hội nghị lần thứ 24 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá III) và Nghị quyết Quốc hội khoá III, 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Theo đó, công an 2 tỉnh hợp nhất thành Ty Công an Hà Nam Ninh. Ngay sau đó, Phòng Chấp pháp Ty Công an Hà Nam Ninh cũng được thành lập theo quyết định của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) với nhiệm vụ phối hợp và thụ lý các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kiểm tra việc tuân thủ thi hành pháp luật tại công an các huyện về bắt, giam giữ, xử lý vật chứng. Thời kỳ này, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án giết người, cướp tài sản rất phức tạp, đối tượng rất quỷ quyệt nhưng với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, cán bộ, chiến sỹ lực lượng CSĐT nói chung và lực lượng Văn phòng CQCSĐT nói riêng đã khám phá nhanh, kịp thời bắt giữ đối tượng để xử lý. Điển hình như vụ điều tra, truy bắt Đinh Viết Cường can tội giết người, cướp tài sản để đem tặng người tình. Hay vụ điều tra, bắt giữ tên Nguyễn Văn Hưu và đồng bọn can tội buôn bán trái phép, cướp tài sản, tổ chức trốn ra nước ngoài… Giai đoạn này các vụ án đều được lực lượng CSĐT phối hợp thụ lý và trực tiếp thụ lý khám phá đạt 100%, đã đem lại niềm tin trong nhân dân, thúc đẩy phong trào phòng chống tội phạm của quần chúng lên một bước mới.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tình hình hoạt động của bọn tội phạm hình sự trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Án kinh tế tuy có giảm song lại gây thiệt hại lớn về tài sản. Các vụ án mạng, gây thương tích lại có chiều hướng gia tăng. Đáng chú ý là bọn côn đồ lưu manh hình thành băng ổ nhóm, có vũ khí nóng, liều lĩnh gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Để lập lại kỷ cương, trật tự xã hội và thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về “Tăng cường công tác bảo vệ TTATXH trong tình hình mới”, toàn dân, toàn quân tỉnh Hà Nam Ninh đã đồng loạt “xuống đường” tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự, giữ gìn TTATXH. Đợt phát động này được mang một cái tên rất quân sự: Chiến dịch 135. Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam Ninh giao Phòng CSĐT (đơn vị tiền nhiệm của Văn phòng CQCSĐT ngày nay) làm đơn vị thường trực của Ban Chỉ đạo chiến dịch. Chỉ trong 60 ngày đầu của Chiến dịch 135, có sự góp sức của hàng vạn lượt quần chúng xuống đường đấu tranh chống tội phạm, các đơn vị chức năng Công an tỉnh Hà Nam Ninh khám phá được 158 vụ án hình sự, bắt 377 tên tội phạm, triệt phá được 49 băng, nhóm bao gồm 148 tên cướp nguy hiểm, thu 18 súng, 15 lựu đạn, 107 viên đạn, 26 dao lê…

Trong trang sử truyền thống của lực lượng CSĐT hiện còn lưu lại khá nhiều những chuyên án lớn đấu tranh chống tội phạm về hình sự, kinh tế, ma tuý với những chiến công xuất sắc trong việc triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm nguy hiểm trong 20 năm thời kỳ đổi mới. Ngoài thành công của Chiến dịch 135, còn nhiều những chiến công nổi bật như vụ xoá sổ 2 băng nhóm côn đồ chuyên đâm thuê, chém mướn, chiếm đoạt tài sản tại Thành phố Nam Định. Cũng trong thời kỳ này, Phòng CSĐT không chỉ thành công trên lĩnh vực đấu tranh trấn áp bọn tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, mà còn cùng với các lực lượng khác trong lực lượng công an xuống cơ sở giải quyết điểm nóng, thực hiện “3 cùng” với dân để vận động quần chúng, củng cố cơ sở chính trị, giữ gìn an ninh nông thôn, thúc đẩy phong trào địa phương phát triển, như ở xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ), Trực Cường (Trực Ninh), vùng vạng (Nghĩa Hưng)…

Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể các đầu mối CQCSĐT theo điều tra, xử lý hệ, loại tội phạm; trao quyền điều tra, xử lý tội phạm, gắn kết chuyên sâu cho cảnh sát kinh tế, ma tuý, hình sự. Lúc này, lực lượng Văn phòng CQCSĐT có chức năng giúp giám đốc, thủ trưởng CQCSĐT Công an tỉnh theo dõi, tổng hợp tình hình điều tra và hoạt động của các loại tội phạm hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của CQCSĐT để nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, biện pháp, kế hoạch công tác và hướng dẫn các mặt công tác cơ bản của lực lượng CSĐT ở địa phương, tổ chức thẩm định hồ sơ tố tụng một số vụ án và trực tiếp điều tra một số vụ án do thủ trưởng CQCSĐT Công an tỉnh giao; kiểm tra, hướng dẫn lực lượng CSĐT ở địa phương tiến hành hoạt động điều tra tội phạm theo Bộ luật Tố tụng Hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý người bị giam giữ, tạm giam, phạm nhân ở trại tạm giam, nhà tạm giữ, công tác truy nã tội phạm theo quy định của pháp luật. Với chức năng nhiệm vụ mới và mô hình tổ chức mới (đầu mối ở cấp tỉnh là Văn phòng CQCSĐT và chân rết là các đội CSĐT tổng hợp ở công an các huyện, thành phố), từ năm 2004 đến nay, lực lượng Văn phòng CQCSĐT đã lập nên những thành tích mới. Lực lượng Văn phòng CQCSĐT đã tham mưu cho lãnh đạo cấp trên chỉ đạo kịp thời, giải quyết nhiều vụ án phức tạp, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm. Thực hiện công tác nghiên cứu, tổng hợp tình hình tội phạm xảy ra trên địa bàn, qua đó đã dự báo, phát hiện kịp thời những hành vi phạm tội, các phương thức thủ đoạn mới của bọn tội phạm. Bên cạnh đó công tác kiểm tra, hướng dẫn điều tra, thẩm định hồ sơ, xác minh tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm tra, kiến nghị phục hồi điều tra, công tác tương trợ tư pháp và phối hợp giải quyết tình hình an ninh nông thôn cũng được lực lượng Văn phòng CQCSĐT hoàn thành xuất sắc.

60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành với nhiều lần đổi tên và chia tách, sáp nhập, những thế hệ cán bộ, chiến sỹ CSĐT Công an tỉnh Nam Định nói chung và lực lượng Văn phòng CQCSĐT nói riêng hôm nay vẫn tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách; tu dưỡng, rèn luyện để trở thành người chiến sỹ công an “vừa hồng, vừa chuyên” theo 6 điều Bác Hồ dạy./.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com