Màn biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ảnh:
Khắc Hường
|
Lễ khai mạc bắt đầu bằng nghi lễ thắp lửa thiêng do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thực hiện. Trong tiếng trống, cồng chiêng tấu bản nhạc lễ, ngọn lửa thiêng đã được thắp lên trên đài đuốc và sẽ thắp sáng trong 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội đã thực hiện nghi lễ dâng hương trước Tượng đài Lý Thái Tổ.
Đồng chí Phạm Quang Nghị đọc diễn văn khai mạc, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn tổ tiên trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, khẳng định niềm tự hào về truyền thống Văn hiến - Anh hùng - Hòa bình - Hữu nghị của Thăng Long - Hà Nội, khát vọng vươn lên xây dựng Thủ đô và đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.
Bà I-ri-na Bô-cô-va, Tổng Giám đốc UNESCO và bà Ca-the-rin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng đại diện UNESCO tại Hà Nội, đã trao cho Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn Bằng công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới.
Trong bài phát biểu chào mừng, Tổng Giám đốc UNESCO I-ri-na Bô-cô-va bày tỏ niềm vinh hạnh được dự khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong tà áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam, bên hồ Hoàn Kiếm huyền thoại, một biểu tượng quý giá về hòa bình của mọi người dân Việt Nam. Bà I-ri-na Bô-cô-va khẳng định: Đại lễ này thể hiện sự kính trọng sâu sắc đối với tổ tiên, những người có công dựng nước và giữ nước. Việc đầu tư công sức vào chỉnh trang đường phố và sự có mặt đông đảo của người dân trong Đại lễ hôm nay là minh chứng cho sự gắn bó của các bạn với quá khứ huy hoàng và xem đó như ngọn đuốc soi đường cho tương lai. Rất ít nước trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian. Việc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới là một vinh dự, đồng thời cũng mang đến những cam kết và trách nhiệm mới. Kể từ ngày hôm nay, các bạn có trách nhiệm với nhân loại, quảng bá, bảo vệ và truyền lại di sản này cho các thế hệ tương lai, cho giới trẻ. Không có biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản. Với những nỗ lực trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, ngày nay Việt Nam đang ngày càng phát triển năng động, trở thành đối tác quan trọng và được coi trọng trên trường quốc tế, là một điển hình về cải cách hợp tác quốc tế. Bà I-ri-na Bô-cô-va cho biết, UNESCO luôn coi trọng mối quan hệ chặt chẽ với ASEAN dựa trên ba trụ cột hợp tác: Giáo dục, Biến đổi khí hậu, Đa dạng văn hóa và mong muốn với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy các mối quan hệ này.
Kết thúc lễ khai mạc là nghi thức thả 1.000 chim bồ câu. Tiếp đó, tại các sân khấu khu vực chung quanh hồ Hoàn Kiếm, lễ hội rộn ràng và náo nức với các chương trình nghệ thuật đặc sắc. Sân khấu 1 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ là chương trình nghệ thuật có chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, thành phố lịch sử truyền thống Anh hùng" với sự tham gia của 1.000 nghệ sĩ, diễn viên. Sân khấu 2 tại Đền Bà Kiệu là chương trình nghệ thuật có chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến". Sân khấu 3 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là phần biểu diễn với chủ đề "Thăng Long - Hà Nội, thành phố vì hòa bình". Sân khấu 4 tại ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống biểu diễn những tác phẩm với chủ đề "Hà Nội, thành phố của hội nhập và phát triển". Sâu khấu 5 tại ngã tư Hàng Khay - Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài là chương trình nghệ thuật với chủ đề "Hà Nội, trái tim của cả nước". Sân khấu 6 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám biểu diễn những tác phẩm, ca khúc về Thăng Long - Hà Nội.
* Tối 1-10, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai mạc Triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Đến dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố.
Chủ đề xuyên suốt của triển lãm là "Mừng đất nước đổi mới, mừng Hà Nội nghìn năm văn hiến". Với quy mô trưng bày 12.000 m2, triển lãm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đổi mới, phát triển và hội nhập với những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, đầu tư; ngoại giao và hợp tác quốc tế; quốc phòng an ninh; nông nghiệp và nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch; khoa học công nghệ và môi trường; xây dựng, giao thông vận tải; giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội, thông tin truyền thông, tài chính tiền tệ... Triển lãm dành diện tích đáng kể giới thiệu về Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời; một trong những địa danh du lịch hấp dẫn của Việt Nam; Thành phố vì hòa bình đang mở rộng, phát triển và hội nhập tương xứng với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của đất nước. Tham gia triển lãm có 20 bộ, ngành, 21 tỉnh, thành phố với hơn 200 gian hàng trưng bày nhiều chủng loại hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và thương hiệu tiêu biểu.
* Tối 1-10, chương trình nghệ thuật "Đêm Hồ Gươm lung linh" tái hiện hình ảnh Hà Nội linh thiêng, hào hoa và thanh lịch được tổ chức tại các sân khấu chung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Mở đầu chương trình là Lễ hội ánh sáng. Hàng chục nghìn người dân Thủ đô và du khách được thưởng thức màn pháo hoa nghệ thuật trong thời gian 15 phút cùng hiệu ứng ánh sáng của trình chiếu laser được sử dụng kết hợp với màn khói phun sương, tạo nên hình ảnh Hồ Gươm đẹp rạng rỡ, lung linh trong đêm khai hội. Phố Đinh Tiên Hoàng được thiết kế như một con phố Hà Nội xưa với hình ảnh ông đồ "bày mực tàu giấy đỏ", người nặn tò he, chiếc xe kéo tay thịnh hành ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, gánh hàng hoa của những thiếu nữ ven đô mang vào phố lúc sáng sớm, các em nhỏ vừa hát đồng dao vừa chạy nhảy vui chơi, các bà, các chị trong trang phục áo dài cổ đi lễ chùa, những đôi trai gái khoác tay nhau đi dạo ven hồ Hoàn Kiếm... Một Hà Nội thân thương và gần gũi được nhạc sĩ Trọng Đài tái hiện rõ nét trên sân khấu.
Điểm nhấn của chương trình là Lễ hội áo dài ba miền với sự tham gia của 100 người đẹp thời trang, hoa hậu, á hậu và 100 diễn viên quần chúng. Trên sân khấu được bố trí từ đền Ngọc Sơn qua cầu Thê Húc, dọc theo đường Đinh Tiên Hoàng, có 600 bộ áo dài do hai nhà thiết kế Ngân An và Đức Hùng thiết kế được trình diễn. Những tà áo dài được may theo kiểu cổ, do những người mẫu tóc vấn kiểu Hà Nội đầu thế kỷ 20 trình diễn. Khán giả cũng được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập áo dài theo chủ đề: "Linh thiêng và hào hoa", "Nét rồng thiêng", "Hoa của đất", "Sắc thời gian", "Hội nhập", "Xuân, Hạ, Thu, Đông"... Chương trình khép lại với màn bắn pháo hoa chung quanh Hồ Gươm.
Phần hai của "Đêm Hồ Gươm lung linh" là chương trình biểu diễn nghệ thuật trên năm sân khấu chung quanh Hồ Gươm. Tại sân khấu ngã ba Lê Thái Tổ - Hàng Trống, chương trình biểu diễn nghệ thuật của đoàn thanh niên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô với chủ đề "1000 năm Thăng Long-Hà Nội". Tại sân khấu ngã tư đường Đinh Tiên Hoàng - Tràng Tiền - Hàng Bài - Hàng Khay, chương trình biểu diễn của các ban nhạc với chủ đề "Nhịp điệu trẻ". Tại sân khấu Vườn hoa Lý Thái Tổ, chương trình biểu diễn của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát cải lương Chuông Vàng, Nhà hát Quân đội, Đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên phòng với chủ đề "Thăng Long hội tụ". Tại sân khấu Đền Bà Kiệu, chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn ca múa Đác Lắc, Nhà hát Tuồng Bình Định, Đoàn ca múa Sao biển Phú Yên, Đoàn nghệ thuật Lào Cai, Nhà hát ca múa nhạc kịch Huế với chủ đề "Dòng máu Lạc Hồng". Tại sân khấu Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có chương trình nghệ thuật với chủ đề "Bạn bè bốn phương", gồm các tiết mục đạt giải tại Liên hoan Xiếc và Rối./.
P.V