Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã luôn quán triệt và thực hiện một cách đúng đắn và sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, coi trọng xây dựng Đảng trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức luôn là vấn đề có ý nghĩa then chốt; thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong gương mẫu nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đưa cách mạng nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách. Ngày 14-10-1930, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng CSVN tại Hương Cảng (Trung Quốc), Trung ương đã quyết định thành lập 3 Bộ, trong đó có Bộ Tổ chức kiêm giao thông - tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay. Ngay sau khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã tập trung vào việc giác ngộ, vận động quần chúng tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng, qua đó lựa chọn những quần chúng ưu tú kết nạp vào Đảng, xây dựng phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Từ chỗ chỉ có 310 đảng viên năm 1930, đến tháng 4-1931, Đảng ta đã có 250 chi bộ với hơn 2400 đảng viên, nhiều tổ chức chính trị - xã hội, quần chúng lần lượt ra đời.
Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến ngày Toàn quốc kháng chiến (12-1946), công tác tổ chức của Đảng tập trung củng cố, xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân; tiến hành tổng tuyển cử, gấp rút đào tạo đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tổ chức của Đảng đã góp phần quan trọng vào việc tập trung thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ "Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc". Chín năm kháng chiến trường kỳ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhưng Đảng ta vẫn luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên. Công tác tổ chức xây dựng Đảng đã góp phần động viên, tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc, quyết một lòng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Bắc tập trung xây dựng CNXH, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Bám sát nhiệm vụ chính trị, công tác tổ chức xây dựng Đảng ở miền Bắc thời kỳ này đã tập trung vào việc kiện toàn tổ chức và lề lối làm việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, chú trọng đào tạo cán bộ nhất là cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, học sinh miền Nam tập kết… đảm bảo phục vụ sản xuất, chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến. Công tác xây dựng Đảng ở miền Nam tập trung xây dựng tổ chức và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung, không sợ hy sinh gian khổ, mưu trí chống kẻ thù để lãnh đạo và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã cùng với toàn Đảng tiến hành công cuộc đổi mới về tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức và công tác cán bộ, đổi mới phong cách và lề lối làm việc, nhờ đó đã góp phần khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng, tạo cơ sở cho việc tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh uỷ thực hiện quản lý hồ sơ cán bộ, công chức trên máy tính.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Nam Định là tỉnh có phong trào cách mạng phát triển sớm, giữa năm 1927 đã hình thành Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực công tác, Tỉnh uỷ đã quyết định thành lập các ban chuyên môn, trong đó tháng 11-1947, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ được thành lập. Chặng đường 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành của ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói chung, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Nam Định nói riêng đã khẳng định sự đóng góp xứng đáng vào công tác tổ chức xây dựng Đảng, góp phần không nhỏ vào những thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, trong thời gian qua, công tác tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu đề xuất, giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành nhiều văn bản về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ để chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh như: Nghị quyết 08-NQ/TU về "Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo"; Quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; Quy chế về việc bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử…, tham mưu làm tốt công tác quy hoạch cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, công khai, thực hiện phương châm "động" và "mở"; thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ trước khi quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về nhân sự khi có nhu cầu đề bạt, bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ. Tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện quy trình nhân sự để báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng kiện toàn, bổ sung cấp uỷ và các chức danh chủ chốt; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu ứng cử 141 cán bộ thuộc diện Ban TVTU quản lý. Việc quản lý biên chế, tuyển dụng, tiếp nhận, luân chuyển, điều động cán bộ được thực hiện công khai, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, nguyên tắc, thẩm quyền. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được quan tâm, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mở lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho 475 cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp và dự nguồn; phối hợp với Trường chính trị Trường Chinh, cấp uỷ các huyện, thành phố và đảng uỷ trực thuộc mở 21 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 1680 học viên, ngoài ra còn có 127442 lượt cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ… Cùng với việc mở các lớp tại tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu với Thường trực Tỉnh uỷ và cử 156 cán bộ trẻ, dự nguồn đi đào tạo chuyên môn sau đại học, đào tạo về lý luận chính trị, đại học chính trị chuyên ngành; 92 cán bộ đi bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn…; đề xuất cử 29 cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương…
Trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình 09-CTr/TU về đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nam Định giai đoạn 2006-2010, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên". Tham mưu triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở 9/9 huyện và 20/20 phường; thí điểm chủ trương đồng chí bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND ở 2 huyện, 10 xã, phường; thí điểm đại hội đảng bộ cấp cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ nhiệm kỳ 2010-2015. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với các cấp uỷ, tổ chức cơ sở Đảng trong việc thực hiện chuyên môn - nghiệp vụ công tác đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh và nâng cao chất lượng đảng viên; đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; thành lập, kiện toàn, chia tách, sáp nhập… các tổ chức Đảng, đáp ứng sự thay đổi về tổ chức bộ máy theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Thực hiện tốt việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cán bộ lãnh đạo quản lý; triển khai đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm, đảm bảo chặt chẽ, công khai dân chủ. Để nâng cao chất lượng công tác đảng viên, hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã phối hợp với các cấp uỷ Đảng trực thuộc tỉnh trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tạo nguồn, kết nạp đảng viên; thực hiện việc đổi, phát thẻ đảng viên; trao tặng Huy hiệu Đảng và xét khen thưởng tổ chức cơ sở Đảng "Trong sạch vững mạnh tiêu biểu", đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ năm 2006 đến nay, các tổ chức Đảng trong tỉnh đã kết nạp được 10441 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh lên 96946 đồng chí; đổi, phát thẻ cho 12238 đảng viên; trao tặng 43307 Huy hiệu Đảng cho các đảng viên cao tuổi…
Nhìn lại chặng đường 80 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành của ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh nhà có thể khẳng định: Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và của các cấp uỷ Đảng, cùng với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh, đội ngũ cán bộ và các cơ quan làm công tác tổ chức xây dựng Đảng đã có những đóng góp xứng đáng, góp phần xây dựng Đảng bộ vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân. Nhiều cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảm nhận những trọng trách lớn mà Đảng bộ và nhân dân giao phó. Ghi nhận những thành tích và sự cống hiến, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý; nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được nhận Huân chương, Bằng khen, giấy khen các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác; Ban Tổ chức Trung ương tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp công tác Tổ chức xây dựng Đảng" cho 324 đồng chí thuộc các thế hệ cán bộ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp công tác tổ chức xây dựng Đảng. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống của ngành, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hơn 20 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trong giai đoạn cách mạng mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề hết sức quan trọng, mới mẻ, nhưng cũng rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi công tác xây dựng Đảng nói chung, nhất là công tác tổ chức xây dựng Đảng phải không ngừng đổi mới về nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới. Về công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ lớn sau đây:
Một là: Tham mưu giúp cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 và các nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với cấp uỷ xây dựng, ban hành các văn bản cụ thể hoá các nghị quyết, quy định, chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đơn vị.
Hai là: Tiếp tục tham mưu giúp cấp uỷ rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Tăng cường các nội dung quản lý cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ; gắn với việc triển khai các nội dung của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với chủ đề xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh "là đạo đức, là văn minh".
Ba là: Tham mưu cho các cấp uỷ Đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc nhận xét, đánh giá cán bộ; tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch cấp uỷ, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành tiến hành sắp xếp, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Bốn là: Tiếp tục tham mưu với các cấp uỷ chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có chất lượng các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh uỷ về công tác tổ chức xây dựng Đảng; Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên"; Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ", làm cho các tổ chức cơ sở Đảng quy tụ được sức mạnh của toàn đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý và giám sát đảng viên; đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong Đảng.
Năm là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn sâu; công tâm, khách quan, trung thực trong tham mưu, chỉ đạo. Xây dựng ban tổ chức cấp uỷ các cấp trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Vinh dự và tự hào với truyền thống vẻ vang của ngành, mỗi cán bộ, công chức làm công tác tổ chức xây dựng Đảng càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm lớn lao của mình, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên lĩnh vực tổ chức bộ máy, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ... gắn với thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", góp phần bảo đảm sự lãnh đạo thành công của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng với sự tin cậy mà Đảng bộ và nhân dân giao phó./.