Hồ chủ tịch đọc tuyên ngôn độc lập tại quảng trường ba đình ngày 2-9-1945.
Ảnh: TL
|
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Liên tục 24 năm làm Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng bộ máy nhà nước và hệ thống luật pháp thật sự vì dân, do dân và của dân. Nhà nước đó có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân.
Công việc đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ và toàn dân cần làm là tổng tuyển cử trong cả nước và xây dựng hiến pháp của nước Việt Nam mới.
Hiến pháp năm 1946 là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám đồng thời cũng là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với xây dựng nhà nước vì dân, do dân, của dân.
Vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước pháp quyền vì dân là lợi ích và quyền lực thuộc về nhân dân do Đảng lãnh đạo. Đây là căn cứ để phân biệt bản chất nhà nước của ta với các kiểu nhà nước khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Theo đó "tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước dân". Bác Hồ chỉ rõ: Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định rằng, nhà nước ta là nhà nước dân chủ vì nhân dân có quyền kiểm soát và tham gia quản lý nhà nước. Nhà nước là cơ quan công quyền được nhân dân uỷ quyền thay mặt cho dân làm công cụ quản lý xã hội, lo cho dân chứ không phải "đè đầu, cưỡi cổ dân", phải lấy việc đưa lại quyền lợi cho nhân dân làm mục tiêu hoạt động của mình. Tất cả mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đều chỉ nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Đồng thời phải làm cho bộ máy nhà nước thật sự trong sạch, chống đặc quyền, đặc lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo từ rất sớm những căn bệnh của bộ máy nhà nước như trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, vác mặt "quan cách mạng" ra lệnh, ra oai. Trong các bệnh ấy thì tham ô, lãng phí, quan liêu là ba thứ bệnh đặc biệt nguy hiểm. Vì chúng là "giặc nội xâm", "giặc ở trong lòng". Vì vậy, phải thường xuyên cải cách, kiện toàn bộ máy nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc yêu cầu cán bộ, công chức phải thực hiện thật tốt chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân chúng. Cán bộ, công chức phải là công bộc của dân và phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, phải làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm. Theo đó thì cán bộ, công chức nhà nước phải là những người có đức, có tài, trung thành với cách mạng, thông thạo chuyên môn, nghiệp vụ. Vì nếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ kém sẽ dẫn đến công việc bê trễ, làm suy yếu cả bộ máy. Theo Bác, đội ngũ công chức nhà nước phải là những người am hiểu chính sách, luật pháp, đồng thời có liên hệ mật thiết với nhân dân, có tinh thần trách nhiệm và lòng bao dung. Năm 1948 và năm 1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thi tuyển viên chức nhà nước bằng hai sắc lệnh trên các môn Chính trị, Pháp luật, Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ. Cho đến nay, chúng ta vẫn thấy, đấy thật sự là khung chương trình thi tuyển rất hiện đại để chuyên môn hoá cán bộ, công chức.
Ảnh: Internet |
Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền và những hoạt động thực tiễn của Người đều nổi bật lên là lòng nhân ái và tình người. Hồ Chí Minh coi trọng quản lý Nhà nước bằng pháp luật, cả pháp trị và đức trị, thực hành dân chủ rộng rãi, ra sức bảo vệ quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Người yêu cầu các cấp chính quyền thật sự thấm nhuần tính chất Nhà nước của dân, vì dân mà phát huy cao độ chế độ dân chủ trực tiếp để động viên tất cả sức dân cho cách mạng, đưa kháng chiến đến thắng lợi và kiến quốc thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nhiệm vụ của chính quyền là phục vụ nhân dân, tổ chức, giáo dục và động viên nhân dân xây dựng đời sống mới, do đó "Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà".
Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề ở đời và làm người - Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức. Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền thể hiện nhất quán sự kết hợp giữa dân chủ và pháp luật. Dân chủ phát triển đi liền với pháp luật nghiêm minh. Và bao trùm lên tất cả đều vì con người, do con người và cho con người, bảo đảm quyền con người gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ của từng người. Có thể thấy rất rõ, đó là sự kết hợp hài hoà, phát triển sáng tạo của Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền đã kế thừa những tinh hoa của nhân loại, Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tinh hoa bản sắc văn hoá dân tộc.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn hiện nay là chăm lo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự vì dân, do dân và của dân. Chúng ta cần thật sự thấm nhuần những nội dung quan trọng mà các văn kiện Đại hội X của Đảng đã đề ra trong việc đẩy mạnh cải cách tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Nhà nước. Theo đó, cần tập trung làm thật tốt những việc sau:
Ban hành và hoàn thiện chế độ công vụ gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước phục vụ nhân dân.
Đề cao trách nhiệm giải quyết khiếu kiện, tố cáo của công dân, bảo đảm tính công minh của pháp luật, có lý có tình.
Tập trung sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn hoá quản lý xã hội, quản lý đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội phục vụ dân sinh thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Nghiêm khắc xử lý những cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, lợi dụng chức vụ, quyền hành, đặc quyền, đặc lợi, nhũng nhiễu dân.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với Nhà nước gắn liền xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cải cách bộ máy Nhà nước.
Kiên trì giáo dục Tư tưởng Hồ Chí Minh và cuộc vận động học tập và làm theo đạo đức, phong cách, lối sống Hồ Chí Minh trong cán bộ công chức theo tinh thần Chỉ thị 23 của Ban Bí thư và Kết luận Hội nghị TW 10 (khoá IX)./.
Phạm Văn Khánh