Các Đại biểu Quốc Hội thảo luận tại hội trường. |
Thảo luận việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các đại biểu khẳng định những thành tựu quan trọng và những nỗ lực của ngành Giáo dục, của giáo dục đại học và chỉ ra những bất cập, yếu kém trong giáo dục. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có việc cho phép thành lập trường đại học dễ dãi, thiếu kiểm soát, đào tạo chưa gắn với nhu cầu, đào tạo không chuyên sâu. Về vấn đề này, các đại biểu đề nghị sớm điều chỉnh các chính sách liên quan đa dạng hóa giáo dục đại học, theo hướng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Không nên thực hiện "phổ cập đại học" bằng mọi cách như hiện nay. Cơ quan quản lý giáo dục đại học cần có những giải pháp hiệu quả hơn để bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, như: Tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu của xã hội để đưa ra những thông tin dự báo chính xác; nâng các điều kiện, tiêu chuẩn thành lập trường mới. Đối với các trường đã thành lập, mà chưa đủ các điều kiện tiêu chuẩn, cần quy định thời gian hoàn thành để bảo đảm chất lượng giáo dục. Thực hiện nghiêm việc giao chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có cả chỉ tiêu đào tạo không chính quy cho các trường. Nên quy định bắt buộc thời gian tối thiểu sinh viên phải thực tập trực tiếp tại cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh... để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện. Cần có quy định chặt chẽ chất lượng đào tạo liên thông; bảo đảm công bằng giữa đào tạo chính quy và đào tạo liên thông. Chính phủ nên xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích người dân tham gia học nghề; nhất là việc xây dựng hệ thống thang bảng lương cho những người tốt nghiệp các trường nghề; tạo điều kiện về cơ chế để những người học nghề có thể vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, nhằm phân luồng học sinh tốt nghiệp ra trường chuyển hướng sang học nghề. Cần gắn quy hoạch giáo dục đại học với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Một số đại biểu chỉ ra nguyên nhân chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam thấp chính là do chất lượng các trường đại học thấp. Số lượng giảng viên đại học thời gian qua luôn tăng, nhưng chủ yếu tăng lực lượng giảng viên có trình độ đại học, trong khi lực lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ lại giảm. Nhiều trường đại học không đủ chỉ tiêu giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn được thành lập. Cùng với đó, giáo trình giảng dạy đại học còn lạc hậu, nhiều giáo trình xuất bản từ những năm 1960-1970. Số giờ học của sinh viên theo học chuyên ngành kinh tế tại TP Hồ Chí Minh chỉ bằng một phần ba số giờ học của sinh viên các nước cùng chuyên ngành. Các đại biểu đề nghị QH cần có Nghị quyết chuyên đề, đánh giá cụ thể, minh bạch việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với giáo dục đại học. Đề nghị Chính phủ cần xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học làm căn cứ trong kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thành lập trường đại học, cao đẳng và quá trình đào tạo. Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới trường đại học. Những trường đại học sau ba năm hoạt động không đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất giảng dạy và học tập cần cương quyết đình chỉ đào tạo, hoặc hạ cấp đào tạo. Chấm dứt tư duy phổ cập giáo dục đại học bằng mọi cách, đặc biệt kiểm soát chặt các hình thức đào tạo đại học không chính quy.
Nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến "đầu vào", "đầu ra" của đào tạo đại học, cao đẳng, nhất là đào tạo đại học không chính quy. Ngoài lý do lịch sử để lại là hệ thống giáo dục không chính quy như đào tạo đại học hệ tại chức, hệ mở rộng..., vẫn đang song hành cùng hệ thống đào tạo đại học chính quy. Tuy nhiên, tình trạng liên kết trong loại hình đào tạo này bị buông lỏng, chủ thể đào tạo không rõ ràng. Công tác tuyển sinh đầu vào và thi tốt nghiệp đào tạo không chính quy mang tính hình thức. Những sinh viên theo học hệ đào tạo này thường tốt nghiệp 100%, thậm chí không theo học đầy đủ cũng có bằng. Đề nghị cần có chiến lược phát triển đào tạo đại học, trong đó chú trọng đến chất lượng giảng viên, chiến lược giáo dục và hạn chế đến mức thấp nhất hình thức đào tạo đại học không chính quy. Cần quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, thư viện, trang thiết bị thí nghiệm... cho các trường, bảo đảm "trường ra trường, lớp ra lớp"; có cơ chế, chính sách thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng có chất lượng cao...
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu phân bổ hợp lý hơn trong việc thành lập các trường đại học, cao đẳng giữa các vùng, miền. Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích học sinh học nghề thông qua việc nâng cấp các trường nghề và xây dựng thang, bảng lương phù hợp đối với thợ tay nghề cao, nhằm giải tỏa cho các trường đại học, tránh tâm lý sính đại học như hiện nay. Cần có cơ chế, chính sách ưu tiên hơn nữa để cho học sinh, sinh viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn, người có hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi đóng học phí.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu ý kiến, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu QH và cho biết, Chính phủ và ngành giáo dục - đào tạo sẽ sớm đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trong thời gian tới.
Quốc hội tiếp tục làm việc./.