Quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước - Mấy vấn đề cần quan tâm

09:06, 29/06/2010

 

Cán bộ Phòng Quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định) hướng dẫn các hộ kê khai làm thủ tục mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước.  Ảnh: Dương Đức
Cán bộ Phòng Quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định) hướng dẫn các hộ kê khai làm thủ tục mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước.            Ảnh: Dương Đức

Đến nay, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) của tỉnh ta còn gần 3600 căn hộ trên địa bàn thành phố Nam Định, chủ yếu là nhà cấp 3, cấp 4, các chung cư cao tầng và đều ở diện hết "tuổi thọ" sử dụng từ lâu. Từ thực tế quản lý nhà ở thuộc SHNN đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm tháo gỡ, kể cả về cơ chế chính sách cũng như về phía người sử dụng.

 

Thực trạng

 

Trong số gần 3600 căn hộ thuộc SHNN có khoảng 1900 hộ ở nhà chung tầng là các khu tập thể cũ 2 tầng, 3 tầng, 5 tầng, tập trung ở địa bàn các phường Trần Đăng Ninh, Năng Tĩnh, Cửa Bắc. Còn lại gần 1700 hộ ở nhà đơn lẻ nhưng đều là nhà cấp 3, cấp 4; trong số này lại có khoảng 700 hộ đang trong diện quy hoạch mở rộng đường, cải tạo hạ tầng các khu dân cư cũ. Theo Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định (Sở Xây dựng), các nhà ở này đều đã hết "đát" từ nhiều năm nay, nhà xây lâu nhất từ năm 1905, nhà xây "mới" nhất cũng từ năm 1975. Quá trình khai thác, sử dụng kéo dài, cộng với tác động của thiên nhiên, chiến tranh nên các nhà ở này đều đã xuống cấp trầm trọng, nhiều ngôi nhà luôn trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm khiến cả người ở, đơn vị quản lý cũng như chính quyền địa phương "ngay ngáy" nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão đến. Chẳng hạn các ngôi nhà số 181, 207, 185 phố Hoàng Văn Thụ; khu nhà chung ở phố Nguyễn Du… Các khu nhà tập thể 2 tầng, 3 tầng, 5 tầng thì ngoại trừ những nhà ở tầng một tranh thủ mặt đường mặt đất đầu tư cải tạo, cơi nới thêm phòng, khu vệ sinh khép kín, riêng biệt; còn từ tầng hai trở lên việc cải tạo cơi nới "lôm côm", hàn thêm lồng sắt như những "chuồng chim" đua ra khoảng không, lợi dụng mái nhà tầng 1 làm sân chơi, sửa trần, lát mái… tăng thêm "sức nặng" cho cả khu nhà không theo một tiêu chuẩn, thiết kế nào... Khu bếp, sân chung ở các tầng cao phía trên cũng bị sửa chữa cải tạo theo nhu cầu sử dụng của các gia đình trong từng khu khiến cho không gian sử dụng chung trên các nhà tập thể cao tầng vốn đã nhỏ nay càng chật chội. Chỉ một nhà đốt bếp than tổ ong là hành lang của cả tầng đã mịt mù, ngột ngạt khói. Một trong những nguy cơ hiện hữu đã được báo động nhiều là tình trạng lún nứt có thể gây đổ, sập do các căn hộ phải "cõng" quá nặng, hay tình trạng khó khăn công tác cứu hoả nếu chẳng may xảy ra hoả hoạn. Có nhà lối đi chung cũng bị lấn chiếm, xây bịt tuỳ tiện… Theo đơn vị quản lý trực tiếp, việc sửa chữa, bảo dưỡng vốn đã khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách, do nguồn kinh phí, lại thêm sự tồn đọng, chây ỳ không nộp tiền thuê của các hộ thuê, mặc dù giá thuê chỉ từ 300-500 nghìn đồng/hộ/năm. Đến hết năm 2009, tổng số tiền nợ thuê nhà của các gia đình ở nhà thuộc SHNN khoảng 4 tỷ đồng, trong đó riêng các khu chung cư cao tầng thuộc các phường Trần Đăng Ninh, Năng Tĩnh khoảng 3 tỷ đồng. Nhân viên Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định đến thu tiền có khi còn bị người thuê mắng, đuổi đánh (!). Và một vòng luẩn quẩn khó tháo gỡ cứ xoay quanh: không thu được tiền nên đơn vị quản lý không có kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng nên nhà càng xuống cấp; người dân tự sửa chữa không có hồ sơ dẫn đến không đủ căn cứ pháp lý cho việc bán nhà theo quy định. Nhà nước không thể quản lý một cách đầy đủ, đúng nghĩa, nhưng cũng không bán được cho hộ dân để người dân "tự quản".

 

Một số vấn đề cần quan tâm

 

Không chỉ các khu tập thể "nghèo" nhà nước không thu được tiền thuê nhà, mà thất thoát nguồn thu ở các nhà thuộc SHNN còn có dạng các khu nhà tập thể của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước trước đây nay "vô chủ": không bàn giao hồ sơ về Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà ở Nam Định (đơn vị được giao quản lý), đơn vị chủ quản cũ cũng "buông". Như khu tập thể Viện Dệt cũ, khu tập thể Trường trung cấp kỹ thuật Dệt, tập thể Sở Thuỷ lợi cũ… Các gia đình ở đây muốn làm "sổ đỏ", hoặc mua bán theo đúng thủ tục pháp luật đều khó khăn, không thể thực hiện do không đủ giấy tờ hồ sơ gốc. Trên thực tế các gia đình mua đi, bán lại trao tay, giấy tờ viết tay là chủ yếu; nhưng nếu nhà nào muốn có "sổ đỏ" để sử dụng vào các mục đích khác theo quyền như thế chấp ở ngân hàng để vay vốn đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình lại không thể. Và vì không có ai quản nên nhà nước cũng không thu được tiền hàng năm. Đối tượng nhà thuộc SHNN hiện khó thực hiện việc bán theo Nghị định 61 của Chính phủ còn có một số khu nhà nằm trong diện quy hoạch "kéo dài" như khu tập thể ở "chợ đêm" phường Trần Đăng Ninh, các nhà trong khu tập thể phường Văn Miếu trong dự án cải tạo nâng cấp hạ tầng đô thị WB. Một dạng khác là các căn hộ ở mặt phố, trước đây nhiều gia đình được phân về ở sau khi hoà bình lập lại, hồ sơ gốc cũng sơ sài, không đầy đủ, nhiều gia đình lại không quản lý được đầy đủ giấy tờ. Đã thế, trong quá trình sử dụng, nhiều nhà đã tự ý cải tạo, sửa chữa, thậm chí có nhà gần như phá "bằng địa" xây lại trong khi không có hồ sơ giấy tờ gốc làm cơ sở để đơn vị quản lý nhà làm căn cứ tính toán phương án giá bán. Theo quy định của đề án bán nhà thuộc SHNN ở diện có khả năng sinh lời cao (nhà mặt phố) giá bán được quy định cao hơn, các gia đình không có khả năng thanh toán. Nhà ở không sửa thì không ở được, nhưng không có giấy tờ gốc nên cũng không thể xin cấp phép của cơ quan thẩm quyền để sửa; tự ý sửa lại càng làm thay đổi hiện trạng nhà càng khó khăn cho việc tìm căn cứ, hồ sơ gốc hay lập phương án tính giá bán… Một loạt cái khó từ thủ tục, thực tiễn đang "bó" đơn vị quản lý muốn quản, muốn bán hay muốn "buông" đều không được. Một dạng nữa là các hộ gia đình trước đây được phân nửa gian tập thể diện tích dưới 25 m2. Theo quy định xây dựng mới về nhà ở đô thị, những trường hợp này không thể làm "sổ đỏ" được. Các hộ này muốn sửa, muốn bán đều không được; và thực tế những trường hợp còn ở các nhà nửa gian này đến nay đều là những gia đình khó khăn. Nếu có được "sổ đỏ" họ có thể chuyển nhượng để mua ở vị trí khác phù hợp, các căn hộ ½ gian liền kề có thể mua bán, chuyển đổi để mở rộng diện tích, nâng cao giá trị của tài sản. Đồng chí Lương Xuân Thanh, Trưởng phòng quản lý nhà ở của Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Nam Định bộc bạch: Cty muốn đẩy nhanh tiến độ bán nhà, tạo điều kiện cho người dân nhưng nhiều cái "khó" đang bó. Vì thế nhiều khi Cty bị mang tiếng "oan" vì sự chậm trễ tiến độ bán nhà thuộc SHNN.

 

Hiện tại, việc bán nhà thuộc SHNN đang triển khai đợt thứ 52. Tuy nhiên càng về sau, càng nhiều khó khăn vì đây thuộc diện hoặc gia đình quá khó khăn về kinh tế, hoặc hồ sơ giấy tờ còn nhiều vướng mắc. Theo Quyết định 1894 của UBND tỉnh về việc bán nhà SHNN ở vị trí mặt đường mặt phố có khả năng sinh lợi cao, giá nhà áp dụng theo bảng giá nhà ở xây dựng mới do UBND tỉnh quy định hàng năm nhân với tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà ở tại thời điểm bán; giá đất theo bảng giá các loại đất đã được UBND tỉnh ban hành hàng năm tương ứng với thời điểm bán nhà. Trong đó phần diện tích đất sử dụng riêng nằm trong hạn mức đất ở (£ 100m2) được thực hiện miễn giảm theo quy định của pháp luật, phần sử dụng riêng vượt hạn mức đất ở (> 100m2) áp dụng mức thu 100%. Tại cuộc họp mới nhất, để đẩy nhanh tiến độ bán nhà thuộc SHNN theo Nghị định 61 của Chính phủ và tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, UBND tỉnh giao UBND thành phố Nam Định chỉ đạo các phòng chức năng lập bản đồ địa chính cụ thể đối với quỹ nhà thuộc SHNN trên địa bàn. Từ đợt 52 trở đi, Văn phòng đăng ký và thông tin nhà đất trích đo, trích lục chỉnh lý các hồ sơ kỹ thuật theo bản đồ địa chính của thành phố sau đó chuyển hồ sơ cho Cty cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Nam Định lập kế hoạch bán, trình hội đồng bán nhà của tỉnh duyệt. Đối với những căn hộ có diện tích dưới 25m2 giao UBND thành phố, Sở Xây dựng và Cty tổng hợp, báo cáo tỉnh bằng văn bản để chỉ đạo hướng giải quyết. Tuy nhiên cần có cơ chế, giải pháp cụ thể về các trường hợp nhà ở không còn hồ sơ gốc để Cty có cơ sở pháp lý tính toán phương án bán thì mới sớm giải quyết "vòng luẩn quẩn" nhà xuống cấp. Vấn đề này vượt quá thẩm quyền của thành phố và Cty. Một đòi hỏi nữa là sớm có nhà ở xã hội cho các đối tượng quá khó khăn thì mới có thể có phương án xoá bỏ, sửa chữa thay thế các chung cư tập thể cao tầng sập sệ hiện đang ảnh hưởng tới mỹ quan, kiến trúc đô thị Nam Định./.

Vân Anh - Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com