Nghề báo - Những chuyến đi và viết

09:06, 19/06/2010

Lấy tài liệu cho bài viết trên đường ra đất mũi Cà Mau.
Lấy tài liệu cho bài viết trên đường ra đất mũi Cà Mau.
Trong quãng đời làm báo, với tôi thời gian hành nghề ở quê hương là dài nhất. Từ năm 1978 tới tận ngày nghỉ hưu (từ báo Hà Nam Ninh - Nam Hà rồi Nam Định).

Có biết bao kỷ niệm buồn, vui và không ít những gì đọng lại, trong đó có những chuyến đi và viết.

Nhớ lại những năm thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước do khó khăn, báo các địa phương hồi ấy ra khổ nhỏ, giấy xấu, mỗi tuần ra một số rồi tăng dần lên 2-3 số. Vốn phóng viên phát thanh Quân đội Nhân dân - Đài Tiếng nói Việt Nam quen lối viết phóng khoáng, hình tượng để người nghe dễ cảm nhận, nay bị "gò" vào lối viết cô đọng, chỉ tải lượng thông tin cần thiết nên mỗi khi cầm bút tôi không khỏi ngần ngại. Do đó, để bài viết đỡ phải cắt xén (mà "dao" của các nhà biên tập thì rất sắc), vấn đề có quan trọng, hấp dẫn đến đâu cũng chỉ viết áng chừng 500-600 chữ.

Rồi cũng quen, có điều nghề nghiệp cứ cùn dần vì không còn nhiều cảm hứng như trước nữa. Những bài viết đã đăng tải đọc lại cảm thấy ngượng vì nó xơ cứng, vô hồn, không đậm chất báo chí mà cứ như "chuyển thể" báo cáo. Chẳng riêng tôi, nhiều đồng nghiệp cũng tâm tư như vậy. Cũng vì thế mỗi khi có sự kiện quan trọng hay có chuyến công tác đột xuất là tôi tận dụng cơ hội để có những bài viết mà mình "tâm đắc": Đó là thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề xướng "Những việc cần làm ngay". Đi công tác Ninh Bình rồi Hà Nam về, tôi viết loạt bài chống tiêu cực: "Ai gây thiệt hại ở Khánh Thuỷ", "Lợi dụng chức trách làm điều phi pháp", rồi "Nỗi bất bình của bà con Bối Hạ"... Còn năm 1978 xảy ra trận lũ lịch sử ở huyện Hoàng Long tỉnh Ninh Bình, Phó Tổng biên tập Trần Xưởng cử tôi, Vũ Ngọc Nam và Thanh Bình phóng viên ảnh đi làm phóng sự về cuộc chiến đấu chống giặc lũ của quân dân địa phương. Sáng đi, tối về, cơ quan mất điện phải thắp đèn dầu tranh thủ viết ngay để sớm mai anh Xưởng duyệt kịp đưa in cho số báo đã nằm ở nhà in. Cho đến bây giờ gặp nhau Vũ Ngọc Nam còn bảo: "Cái đận đi viết phóng sự "Hoàng Long những ngày thử thách" mới cảm thấy thực sự là làm báo".

Cuộc sống ngày một đi lên, hoạt động báo chí cũng cởi mở, thông thoáng hơn, nhất là sau ngày tách tỉnh trở về báo Nam Định, khổ báo mở rộng đúng "chuẩn" được tăng kỳ, tăng số, lại có cả "Nam Định cuối tuần", tiến tới ra báo hàng ngày, các cây bút của báo được thoả sức vẫy vùng. Báo còn tổ chức cho anh em phóng viên đi giao lưu, tham quan mọi miền đất nước. Các nhà báo xuất sắc còn được Hội Nhà báo tỉnh tổ chức cho đi tham quan Thẩm Quyến (Trung Quốc). Nghĩ lại trước đây có nằm mơ cũng không có.

Mỗi khi may mắn có mặt trong các chuyến đi tôi coi là cơ hội mở rộng tầm mắt và được viết những bài báo, những phóng sự, ký sự về cuộc sống, con người và cảnh trí thiên nhiên những vùng đất được đặt chân tới theo cảm xúc của mình. Từng được gặp gỡ và viết về Giáo sư Vũ Khiêu, hoạ sỹ "Nhân tướng hoạ" Hoàng Lập Ngôn hay Nhà giáo Ưu tú Trần Thận...; coi đó là niềm vinh hạnh trong nghề nghiệp, tôi cố gắng dựng lại chân dung những người nổi tiếng ấy với cái tâm và cái tài trong môi trường và công việc khác nhau.

Đến những vùng đất xa xôi để có bài viết lại phức tạp hơn. Do đi tập thể chủ yếu là tham quan "cưỡi ngựa xem hoa" nên khó có cơ hội thu thập tư liệu. Để khắc phục điều đó, tôi thường suy nghĩ thật kỹ "tứ" của bài, xác định chủ đề, qua đó phát huy tối đa cảm xúc và nhãn quan người làm báo để ghi nhận những chi tiết cần thiết và không bỏ lỡ cơ hội khi có điều kiện khai thác tài liệu...

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức một cuộc hội thảo báo chí các địa phương tại Điện Biên. Tôi may mắn là thành viên các nhà báo trong tỉnh đi tham dự sự kiện này. Trên đường đi tôi đã chăm chú quan sát cảnh sắc núi rừng Tây Bắc và cả thời tiết (để khi cần thiết đặc tả gây không khí cho bài viết). Đến đèo Pha Đin nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đoàn dừng xe nghỉ ngơi ngắm cảnh. Thấy trạm ViBa trên đỉnh đèo có người, tôi leo lên bắt chuyện và có trong tay thông tin về những thanh niên người dân tộc đang công tác tại đỉnh đèo này... Đến Bảo tàng lịch sử Điện Biên; đến bản Pú Tửu; tiếp xúc với đồng chí Hoàng Xuyên - lúc đó là Bí thư Huyện uỷ Điện Biên hay các cô gái Thái đang làm ruộng ở cánh đồng Mường Thanh cũng vậy, tôi đều quan sát, ghi chép số liệu tỉ mỉ. Nhờ đó ký sự "Điện Biên 40 năm sau" được ra đời. Khá đầy đặn, sinh động tràn ngập cảm xúc của người lần đầu tiên đến với mảnh đất Tây Bắc này.

Một chuyến đi nữa mà tôi có được trong tháng ngày làm báo ở quê hương là chuyến đi xuyên Việt tới tận chót mũi Cà Mau. Sau gần 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mới được đặt chân tới đây, đã có không ít bài viết về mảnh đất này. Với tâm trạng ấy tôi đặt "tít": "Cà Mau trong tôi" cho bài viết với cảm xúc của một người đến muộn nhưng "vẫn còn chưa muộn" vì hàng ngày mảnh đất này vẫn đang "... Lấn tuôn ra bể" (thơ Xuân Diệu) cơ mà. Cảnh sắc sông nước và sinh hoạt khác lạ cứ dâng trào lên khi chiếc xuồng vỏ lãi băng băng trên sông Ghềnh Ráng qua những "chợ nổi", những khu nhà ven sông rồi mờ xa tít tắp là Hòn Khoai, Hòn Chuối chơi vơi giữa muôn trùng sóng vỗ. Cảm xúc dâng cao khi dẫm chân trên bãi đất nơi kilômét cuối cùng, mà chỉ vài bước chân nữa là bước xuống biển..., tất cả đã giúp tôi tạo nên bài viết. Cũng xin cảm ơn đồng chí phóng viên Báo Cà Mau đi làm hướng dẫn viên cho đoàn. Qua anh tôi đã biết được nhiều về cuộc sống mới, sự phát triển kinh tế - xã hội của Cà Mau cũng như của người dân nơi đây, biết về những ông chủ nhà máy tôm đông lạnh từ Bắc vào với hai bàn tay trắng đã lập nên cơ nghiệp. Và cả về hoạt động báo chí của các đồng nghiệp ở đây. Một chi tiết thôi: Bất cứ chuyện gì xảy ra ở đất Mũi này là lập tức Báo "Sài Gòn giải phóng” và các báo khác ở thành phố Hồ Chí Minh đã có nguồn tin đáng tin cậy để đăng tải do phóng viên và cả cộng tác viên ở đây cung cấp ! Về chuyện này đã khiến chúng tôi những người làm báo có mặt khi đó phải suy nghĩ về tác phong làm báo của mình.

Hai bài viết "Cà Mau trong tôi" và "Sơn Mỹ - Vượt lên từ đau thương" tôi đều viết ngay trong chuyến hành trình và gửi về toà soạn qua đường bưu điện. Cũng là thấy thôi thúc trong lòng thì viết, bỏ qua sẽ đáng tiếc.

Thế là nghỉ hưu cũng đã năm, sáu năm rồi nhưng tôi vẫn chưa thể xa rời nghề viết. Sâu thẳm trong lòng vẫn là muốn được đi và viết. Cũng là nhu cầu của bất cứ ai nhiều năm gắn bó với nghề./.

Bài và ảnh: Sỹ Hưởng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com