Chiều 6-7, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã tới dự và chỉ đạo.
Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động tham mưu Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp phân giao chỉ tiêu kế hoạch, phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác tập trung giải ngân phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách tại địa phương. Tính đến hết ngày 30-6-2022, tổng nguồn vốn huy động các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.804,4 tỷ đồng, tăng 10,67% so với đầu năm. Tổng doanh số cho vay đạt 821,6 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với 20.371 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP là 1.920 khách hàng, số tiền 124,3 tỷ đồng, đạt gần 74% kế hoạch. Tổng dư nợ đến hết ngày 30-6-2022 đạt 3.738,4 tỷ đồng so với đầu năm, tăng 301 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch với 98.218 khách hàng còn dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tập trung ở các chương trình: hộ cận nghèo tăng 29,5 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo tăng 33,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm tăng 134,9 tỷ đồng. Các đơn vị đều có dư nợ tăng trưởng so với năm trước, một số đơn vị có mức tăng trưởng cao như: Hải Hậu tăng 47,5 tỷ đồng, Ý Yên tăng 44 tỷ đồng, Nam Trực tăng 38,6 tỷ đồng, Giao Thủy tăng 38,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần giúp 352 hộ thoát nghèo, 1.004 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 2.649 lao động; giúp 1.136 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để phục vụ học tập; 733 học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; 18 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được vay vốn đầu tư duy trì hoạt động; xây dựng 20.168 công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn; 52 căn nhà ở cho người có thu nhập thấp, đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Lê Đoài đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực phối hợp với hội, đoàn thể nhận uỷ thác tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Có các giải pháp cụ thể, phù hợp để tăng trưởng dư nợ cho các xã, tổ tiết kiệm và vay vốn có dư nợ thấp kết hợp kiện toàn các tổ hoạt động yếu kém, phấn đấu giảm số tổ trung bình, không còn tổ yếu. Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực chủ động điều chỉnh nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của các đối tượng chính sách; đồng thời tranh thủ nguồn vốn phân bổ từ Trung ương, tập trung vào các chương trình tín dụng trọng tâm, nhất là vốn cho vay giải quyết việc làm. Tập trung phối hợp với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tập trung khắc phục các tồn tại, thiếu sót, phấn đấu giảm nợ quá hạn so với đầu năm. Thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào các chính sách mới như chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng CSXH Việt Nam và các nhiệm vụ liên quan đến các mặt hoạt động của Ngân hàng CSXH./.
Tin, ảnh: Đức Toàn